Lễ hội VH-TT các dân tộc 3 xã vùng cao Hoài Ân: Ấn tượng văn hóa Bana, Hre
Từ ngày 16-18.4, tại xã Bok Tới, đã diễn ra Lễ hội Văn hóa - Thể thao (VH-TT) đồng bào dân tộc thiểu số 3 xã vùng cao Bok Tới, Đak Mang, Ân Sơn, huyện Hoài Ân lần thứ X-2015. Lễ hội với nhiều hoạt động mang đậm nét văn hóa của các dân tộc Bana, Hre đã để lại ấn tượng sâu đậm, giàu cảm xúc đối với người xem.
Nghi lễ đón khách mừng hội trong đêm khai mạc Lễ hội VH-TT các dân tộc 3 xã vùng cao Hoài Ân lần thứ X.
1.
Tham gia Lễ hội có trên 150 nghệ nhân, diễn viên, VĐV đến từ 3 xã Bok Tới, Đak Mang, Ân Sơn, tranh tài 7 môn thể thao và 11 nội dung văn hóa - văn nghệ, trò chơi dân gian. Đây là một “sân chơi” giao lưu, trao đổi các giá trị văn hóa truyền thống được lưu truyền qua các thế hệ. Các đoàn cử diễn viên, VĐV tham gia các hoạt động văn hóa - văn nghệ và thể dục - thể thao như thi làm nhà sàn, nhà rông, thi đan đát, dệt thổ cẩm, thi hát dân ca, biểu diễn nhạc cụ, trình diễn trang phục, thi bắn nỏ, phóng lao, đẩy gậy, kéo co, chạy vượt đồi… Đặc biệt, qua chương trình giao lưu văn hóa giữa các dân tộc đã làm cho các giá trị văn hóa được thăng hoa, các đoàn giới thiệu các lễ hội tiêu biểu ở từng làng, đến các món ăn đặc trưng của các dân tộc, cùng với âm vang cồng chiêng rộn ràng của người Bana, tiếng túc - chinh trữ tình của người Hre.
Với định hướng phát huy giá trị vốn có ở từng thôn, làng, từng dân tộc ở mỗi xã, Lễ hội lần này đã thể hiện những nét mới. Trong đó, việc tổ chức các hoạt động không trùng lắp về thời gian, đã tạo điều kiện cho người tham gia các trò chơi, cuộc thi, người dự xem hội được xem đầy đủ các nội dung. Trong thể hiện các nội dung, từng đơn vị đã chọn lọc kỹ để “trình làng” nét chính, cái hay, cái độc đáo của xã mình, làng mình, giúp cho người xem nhận biết các đặc thù trong đời sống văn hóa các dân tộc anh em. Do đó, người xem có thể thấy các diễn viên đã thể hiện khá hay các bài dân ca, múa dân gian cùng với việc sử dụng các loại nhạc cụ truyền thống (chứ không hát những bài hát mới, không dùng nhạc cụ điện tử...). Về xây dựng nhà sàn đẹp đòi hỏi các đoàn phải thể hiện đúng với nét đặc trưng của từng dân tộc cả về vật liệu và kích thước; về văn hóa ẩm thực cũng chọn những món ăn, đồ uống đặc sản…
2.
Trong 3 ngày diễn ra Lễ hội, người diễn, người xem như thực sự sống trong hồn thiêng sống núi, với đời sống lao động, văn hóa-nghệ thuật, tình đoàn kết các dân tộc nơi đại ngàn hùng vĩ. Người xem được chứng kiến những chàng trai, cô gái của núi rừng khỏe mạnh giương ná, nâng lao qua các môn thể thao truyền thống và có thể cùng vui với những cô gái Bana, Hre căng tròn vòm ngực, uyển chuyển trong vòng xoang cùng với nhịp cồng chiêng rộn ràng, thôi thúc…
Đến với Lễ hội VH-TT các dân tộc là đến với các bok, các bá, các yá, các mí trong nhịp túc-chinh, tiếng đàn Pơ lơn khơn, tiếng đàn Pơ ren và các làn điệu dân ca, điệu Hơ lêu, Ca choi mượt mà, quyến rũ… Đến với Hội là đến với đồng bào trong sự hứng khởi của lễ cúng trâu cầu phúc, lễ mừng cốm lúa mới đầu mùa của người Bana ở Bok Tới, ở Đak Mang; đến với lễ cầu vía của người Hre ở Ân Sơn… Và không thể không thử món ngon của núi rừng như cá niên, rau ranh ốc đá, thịt sóc nướng chấm muối ớt và rau cải rừng thấm vị nồng cay của tình người, tình núi rừng. Để rồi sau đó là thấy thấm cái nồng cay của men rượu cần, vị thơm của hạt cốm lúa mới giòn tan, của miếng cơm lam cháy xém trong ống nứa vàng ươm và miếng thịt trâu rán hồng trên ngọn lửa bập bùng trong đêm giã bạn đầy lưu luyến.
3.
Kết quả toàn đoàn: Đoàn xã Đak Mang đạt giải Nhất; xã Bok Tới giải Nhì, xã Ân Sơn giải Ba. Tại Lễ bế mạc Ngọn đuốc truyền thống lễ hội đã được trao cho xã Đak Mang - đơn vị đăng cai lễ hội năm 2017.
Những ngày vui lễ hội đã khép lại nhưng tiếng chiêng, tiếng đàn, lời ca của các cô gái, chàng trai Bana, Hre vẫn còn lan tỏa. Từ Lễ hội ta càng thấy đời sống văn hóa các dân tộc thiểu số đa dạng, phong phú, những giá trị nghệ thuật được nuôi dưỡng hàng ngàn năm giữa thiên nhiên hùng vĩ và con người. Từ đó, mỗi chúng ta càng thêm trân trọng vốn văn hóa truyền thống, để những nét văn hóa đặc trưng độc đáo luôn được trao truyền qua nhiều thế hệ, trường tồn với thời gian. Và cứ 2 năm một lần, đồng bào các dân tộc thiểu số Bana, Hre ở huyện Hoài Ân lại gặp nhau trao đổi, học hỏi kinh nghiệm “cách sống hay, lối sống đẹp” thông qua Lễ hội VH-TT các dân tộc thiểu số của huyện nhà.
Bài, ảnh: Võ Chí Hà