Nhân Ngày sách Việt Nam 21.4:
Tặng sách- một nét văn hóa
Có lần gặp lại người thầy cũ từ thời học cấp 2 ở một ngày hội trường (kỷ niệm 30 năm thành lập trường), khi chia tay tôi muốn tặng thầy một món quà thật ý nghĩa mà vừa với túi tiền của một công chức mới ra trường. Đắn đo suy nghĩ mãi không biết chọn món quà gì: chiếc áo sơ mi ư, thầy không thiếu áo; một chai rượu ngoại, thầy không uống rượu… Đang lúng túng thì có người bạn mách nước: Hay là mày mua tặng thầy một quyển sách có giá trị một chút. Biết thầy dạy Văn, tôi đã ra hiệu sách tìm mua một bộ sách văn học (2 quyển) với giá trị vừa túi tiền.
Tôi mang bộ sách đến chỗ cô bán sách làm bao bì cẩn thận, có lời đề tặng thầy bên ngoài. Cứ nghĩ rằng món quà của mình quá nhỏ nhoi, nên khi gửi tặng đến tay thầy lòng tôi như còn áy náy. Nhưng điều không ngờ khi mở bọc quà thầy tôi vô cùng xúc động. Thầy không nói nên lời, giây lâu khẽ bảo: “Có lẽ trong những học trò của thầy em là người hiểu thầy, sách với thầy giáo dạy văn là tri kỷ…”. Và câu chuyện bên tách trà nơi nhà người thầy giáo cũ của tôi là xung quanh những quyển sách, là chuyện đọc sách của học trò thời nay…
Mới đây, trong ngày sinh nhật tôi, buổi chiều đi làm về đứa con gái nhỏ (học lớp 10) có quà cho ba. Cầm gói quà tôi không đoán được nhưng khi mở ra thì thật bất ngờ, là một quyển sách. Một tập truyện ngắn của một tác giả mà tôi thường đọc. Thật là xúc động, vì con gái đã hiểu được thói quen đọc sách của ba…
Và có lẽ không chỉ có câu chuyện của tôi với thầy giáo, của con gái nhỏ đối với tôi, mà tôi nghĩ đâu đó trong cuộc sống cũng có nhiều người như tôi. Họ tặng nhau những món quà nho nhỏ là những quyển sách hay, quyển sách mà người tặng biết “đối tác” đang cần. Còn gì vui hơn khi bỗng dưng có người gửi tặng quyển sách mà mình đang tìm kiếm mà các hiệu sách đã không còn. Và đọc sách là một hạnh phúc…
TRÚC THANH