Tăng cường quản lý các công trình cấp nước sinh hoạt
Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (NS&VSMTNT) được thực hiện tại tỉnh ta trong nhiều năm qua đã đạt được kết quả quan trọng. Ngoài việc giải quyết bức xúc về nước sinh hoạt cho người dân, việc đầu tư xây dựng các công trình cấp nước tập trung (CTCNTT) còn góp phần làm đẹp cảnh quan ở khu vực nông thôn, giúp các địa phương thực hiện có hiệu quả Chương trình xây dựng nông thôn mới. Tuy vậy, do bị tác động xấu bởi thiên tai và do chưa thực hiện tốt công tác quản lý, duy tu bảo dưỡng công trình, nên nhiều CTCNTT bị hư hỏng, không phát huy tác dụng.
Đến nay, toàn tỉnh có 136 CTCNTT bằng trọng lực và động lực, với tổng công suất theo thiết kế là 44.920 m3/ngày đêm, đến cuối năm 2014 có 93% dân cư nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Theo ngành Nông nghiệp tỉnh, hiện có nhiều mô hình quản lý CTCNTT đang được áp dụng, bao gồm: mô hình quản lý do Trung tâm NS&VSMTNT tỉnh, Ban quản lý cấp nước huyện, doanh nghiệp, HTX, UBND xã, tư nhân và tổ cộng đồng dân cư thực hiện. Trong số các mô hình nói trên, mô hình quản lý CTCNTT do UBND xã, tổ cộng đồng dân cư thực hiện là yếu nhất.
Thực tế cho thấy, sau khi nghiệm thu, nhiều địa phương đã cử một nhóm người tham gia vận hành, dưới sự quản lý kỹ thuật và tài chính UBND xã. Tuy nhiên, nhóm hoặc tổ cộng đồng dân cư quản lý công trình thường làm kiêm nhiệm nhiều việc khác, không có chuyên môn về lĩnh vực nước sạch, công tác vệ sinh hệ thống xử lý ít được thực hiện; vật liệu lọc, hóa chất xử lý nước không được thay thế, bổ sung kịp thời; chất lượng nước cấp không được kiểm soát. Mặt khác, cơ chế tài chính tổ quản lý không rõ ràng, không thu được phí sử dụng nước, không có kinh phí phục vụ duy tu bảo dưỡng, khi công trình bị hỏng thì không chủ động được nguồn kinh phí để khắc phục. Chất lượng nước sinh hoạt cung cấp cho người dân cũng không đảm bảo, nhất là các CTCNTT tại các huyện miền núi (Vân Canh, Vĩnh Thạnh, An Lão). Công tác vệ sinh tại cụm đầu mối công trình chưa được quan tâm; khâu xử lý, khử trùng nước hầu như không thực hiện hoặc có thực hiện nhưng không đảm bảo yêu cầu.
Kết quả kiểm tra mẫu nước trong các năm 2010, 2011, 2012, 2013, 2014 của Sở NN&PTNT tại các CTCNTT trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh cho thấy, 100% mẫu nước đều không đạt tiêu chuẩn theo quy chuẩn của Bộ Y tế. Điều đáng buồn là những hạn chế, tồn tại trong công tác quản lý, vận hành các CTCNTT tại các địa phương đến nay vẫn chưa được khắc phục triệt để.
Thiết nghĩ, ngành chức năng, chính quyền các địa phương cần rà soát hiện trạng, đánh giá hiệu quả hoạt động của các CTCNTT, tổng kết đánh giá mô hình tổ chức quản lý vận hành để lựa chọn mô hình phù hợp và kiên quyết thay đổi mô hình tổ chức quản lý vận hành kém hiệu quả. Bên cạnh đó, các địa phương nơi có công trình cần linh hoạt, phối hợp, lồng ghép sử dụng các nguồn vốn khác nhau để sửa chữa các công trình bị hư hỏng, hoạt động không hiệu quả.
PHẠM TIẾN SỸ
Tôi rất thích và muốn được 1 lần trong đời thăm quê hương các bạn. Nên làm rạng danh "Con Rồng Cháu Tiên" . Hy vọng tôi có thể làm cộng tác viên được không ? tiêu chuẩn, điều kiện?