Nhân ngày Thế giới phòng chống sốt rét 25.4: Thách thức sốt rét ngoại lai
Thời gian gần đây, tình hình dịch bệnh sốt rét ở tỉnh ta có dấu hiệu hạ nhiệt, số ca mắc giảm dần. Tuy nhiên, sốt rét ngoại lai vẫn là nỗi lo lớn. Trước tình hình đó, các biện pháp phòng ngừa chủ động càng được chú trọng.
Chưa hết lo!
Theo Trung tâm Phòng, chống sốt rét - Các bệnh nội tiết tỉnh, trong giai đoạn 2010-2014, tình hình sốt rét ở tỉnh ta có diễn biến khá phức tạp. Số liệu thống kê cho thấy, năm 2010 toàn tỉnh có 267 ca bệnh có ký sinh trùng sốt rét, một năm sau tăng vọt lên 521 ca, rồi duy trì ở mức 524 ca và 495 ca trong 2 năm 2012-2013. Đến năm 2014, tình hình có biến chuyển, khi số ca giảm còn 376.
Tuy nhiên, có một điểm đặc biệt là số ca bệnh có ký sinh trùng ngoại lai luôn chiếm tỉ lệ áp đảo so với các ca bệnh nội địa (trừ năm 2014). Sự chênh lệch thể hiện rõ nhất vào năm 2012, với tỉ lệ số ca có ký sinh trùng sốt rét ngoại lai/nội địa là 370/154. Dù năm 2014, số ca sốt rét ngoại lai thấp hơn nội địa (156/220), nhưng sang quý I.2015, “trật tự” đã được lập lại, với tỉ lệ 19/16. Nhiều địa phương có tỉ lệ sốt rét ngoại lai luôn đạt ngưỡng 100% như Tuy Phước, An Nhơn, Quy Nhơn, Hoài Nhơn…
Giám đốc Trung tâm Phòng, chống sốt rét - Các bệnh nội tiết tỉnh Hoàng Xuân Thuận khẳng định, sốt rét ngoại lai hiện là thách thức lớn nhất trong công tác phòng, chống sốt rét ở Bình Định. “Ở các vùng trọng điểm sốt rét trong tỉnh, mỗi khi có dịch chúng tôi lại huy động toàn lực để điều trị, điều tra, giám sát, dập dịch. Các ca sốt rét nội địa có thể kéo giảm. Tuy nhiên, với sốt rét ngoại lai ở người đi lao động nơi khác, việc quản lý hầu như là không xuể. Mỗi lần số ca sốt rét ở Gia Lai, Phú Yên tăng cao, chúng tôi lại phải tăng cường khám, điều trị để đề phòng sốt rét ác tính gây tử vong”, bác sĩ Thuận phân tích.
Chủ động phòng ngừa
Ở Bình Định, Tuy Phước không phải là điểm nóng sốt rét. Thế nhưng, năm 2012, toàn huyện có đến 75 ca, 100% là sốt rét ngoại lai. Đáng chú ý trong số đó có 5 công nhân của một doanh nghiệp điện tại Tuy Phước làm việc ở huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên. Khi đó, Phó Giám đốc TTYT huyện Tuy Phước Trương Văn Kỳ phải làm việc với doanh nghiệp để tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn cho công nhân cách phòng ngừa. Đồng thời, cung cấp thuốc điều trị để phát cho công nhân tự điều trị, phòng sốt rét ác tính. “Trong phòng ngừa sốt rét ngoại lai, các doanh nghiệp không thể đứng ngoài cuộc”, bác sĩ Kỳ nhận định.
Trong chuyến công tác mới đây tại tỉnh Sekong (nước CHDCND Lào), đoàn công tác của Sở Y tế đã trao đổi với cán bộ y tế tỉnh bạn kinh nghiệm về phòng chống sốt rét. Bác sĩ Hoàng Xuân Thuận cho biết, mỗi năm Sekong có hơn 1.000 ca sốt rét, nhưng lại “loại trừ” dân bản địa. Bình Định có nhiều doanh nghiệp hoạt động tại đây, nên nguy cơ sốt rét ngoại lai với người lao động trong tỉnh là không hề nhỏ. “Bên cạnh truyền thông trực tiếp, chúng tôi sẽ chú trọng công tác phối hợp với các doanh nghiệp để giảm nguy cơ sốt rét cho người lao động làm việc ở các vùng có nguy cơ cao”, bác sĩ Thuận cho hay.
Theo bác sĩ Lê Quang Hùng, Phó Giám đốc Sở Y tế, một trong những yêu cầu quan trọng trong phòng ngừa sốt rét ngoại lai mà ngành Y tế đang tập trung thực hiện là quản lý người dân đi và về từ vùng nguy cơ cao sốt rét để phát hiện sớm bệnh nhân sốt rét. Bên cạnh đó là cấp thuốc cho người đi vào vùng sốt rét để họ có thuốc điều trị khi mắc bệnh, tránh bị sốt rét nặng, sốt rét ác tính. Việc triển khai cùng lúc Dự án Quỹ toàn cầu phòng chống sốt rét và Dự án Sáng kiến khu vực ngăn chặn sốt rét kháng thuốc Artemisinin (Dự án RAI) là điều kiện thuận lợi để Bình Định đẩy mạnh công tác ngăn ngừa sốt rét ngoại lai. Nằm trong các hoạt động của Dự án RAI, các cơ sở y tế đang tiến hành cấp phát 30.030 màn đôi tẩm hóa chất tồn lưu lâu dài và 1.500 võng màn chuyên dụng dành cho người ngủ rừng, ngủ rẫy.
NGUYỄN VĂN TRANG