Tổ chức các lễ hội, sự kiện lớn: Cần đổi mới cách làm
Trong những năm qua, nhiều lễ hội, sự kiện quy mô cấp tỉnh, quốc gia và quốc tế được tổ chức tại tỉnh ta. Các lễ hội, sự kiện này được đầu tư kinh phí khá lớn, tuy nhiên chất lượng nghệ thuật, ý nghĩa giáo dục, hiệu quả quảng bá của không ít chương trình chưa được như mong đợi.
Thiếu kịch bản hay, đạo diễn giỏi
Theo dõi xuyên suốt các hoạt động lễ hội, sự kiện lớn ở tỉnh nhà trong nhiều năm qua như 5 kỳ Liên hoan Quốc tế võ cổ truyền Việt Nam (từ 2006- 2014), Festival Tây Sơn-Bình Định 2008, các lễ hội kỷ niệm 220 năm, 225 năm Chiến thắng Ngọc Hồi Đống Đa, hay gần đây là chương trình nghệ thuật trong Lễ kỷ niệm 40 năm Giải phóng tỉnh… có thể thấy chưa có kịch bản hay và đạo diễn giỏi. Kịch bản hay nói đến ở đây là phải đưa ra được những ý tưởng mới, tập trung nội dung vào những “điểm nhấn” về truyền thống văn hóa - lịch sử Bình Định, chứ không phải dàn trải, khái quát chung chung. Theo tham khảo của ý kiến một số người có chuyên môn, kịch bản nhiều lễ hội tầm cấp tỉnh, quốc gia, quốc tế tổ chức ở TP Quy Nhơn, hầu như đều quanh đi quẩn lại nói về “đất võ, trời văn”, Bình Định hướng đến tương lai… theo một mô típ nội dung ít đổi mới, tính tư tưởng và nghệ thuật chưa cao nên dễ gây nhàm chán.
Đã có khá nhiều đạo diễn có tên tuổi, được đào tạo ở nước ngoài được mời về dàn dựng các chương trình lễ hội, sự kiện ở Bình Định. Trong đó, có những đạo diễn đã ít nhiều dàn dựng được nhiều chương trình lớn gây “tiếng vang” các nơi nhưng với Bình Định họ chưa thực sự thể hiện là đạo diễn giỏi. Sự “giỏi” của người đạo diễn ở đây là phải biết “liệu cơm gắp mắm” để dàn dựng chương trình thành công, trên cơ sở khai thác được bản sắc và phát huy được nguồn nhân lực địa phương, đồng thời tiết kiệm kinh phí, chứ không phải là “vẽ” thêm những ý tưởng dàn dựng hoành tráng, tốn kém không cần thiết. Một vài đạo diễn còn khiến người am hiểu thấy sự “non tay” so với tên tuổi của mình, có chỗ dàn dựng sai so với kịch bản được duyệt, hoặc có những màn trình diễn sân khấu hóa thiên về phô trương hình thức, chứ không biết chuyển tải nội dung, ý nghĩa một cách rõ nét.
Nhìn nhận yếu kém để đổi mới
Trong chương trình nghệ thuật nhân kỷ niệm 125 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19.5.1890 - 19.5.2015) sẽ được tổ chức ở TP Quy Nhơn, UBND tỉnh đã đồng ý với kịch bản văn học “Cha con và Tổ quốc” do nhà văn Nguyễn Quang Vinh (Hà Nội) biên soạn, đồng thời có chủ trương giao ông làm tổng đạo diễn. Vì vậy, nhiều người đang mong chờ được thưởng thức một chương trình có chất lượng nghệ thuật, chiều sâu về nội dung tư tưởng.
Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà, sẽ tiếp tục có nhiều hoạt động lễ hội, liên hoan, sự kiện văn hóa nghệ thuật có quy mô được tổ chức những năm tới. Vì vậy, cần phải tổ chức đánh giá, nhìn nhận lại cách thức tổ chức những lễ hội lớn, tốn kém nhưng chưa đạt hiệu quả như mong đợi trong những năm qua. Từ đó, có sự định hướng cụ thể hơn trong cách thức tổ chức lễ hội. Đối với kịch bản của những lễ hội, sự kiện lớn, cần thiết phải “chọn mặt gửi vàng” những tác giả tài năng, có nhiều kinh nghiệm, uy tín trong viết kịch bản cho lễ hội để đặt hàng trước trong thời gian dài. Như vậy, các tác giả mới có nhiều thời gian tìm tòi sáng tạo, đồng thời có thể bổ sung, chỉnh sửa theo yêu cầu.
Khi tìm đạo diễn cho các chương trình lễ hội, sự kiện lớn ở tỉnh nhà, có lẽ không nên mời lại “người quen cũ” từng dàn dựng các chương trình không thành công trước đây. Cần có hình thức để mời gọi được những đạo diễn thực sự có ý tưởng dàn dựng mới lạ, hiệu quả đã được khẳng định qua các chương trình lễ hội, sự kiện có uy tín. Một số chương trình có quy mô phù hợp cũng nên mạnh dạn tạo điều kiện cho các tác giả, biên đạo, cán bộ ngành văn hóa có nhiều kinh nghiệm ở tỉnh nhà có thể phát huy khả năng. Đồng thời theo ý kiến của các nhà chuyên môn, nên lựa chọn để có sự đồng cảm “xuyên suốt” giữa tác giả kịch bản với đạo diễn. Tránh tình trạng đã xảy ra ở một số lễ hội, sự kiện đã diễn ra ở tỉnh nhà là kịch bản được duyệt một đường, đạo diễn lại đi một nẻo, ảnh hưởng đến chất lượng chương trình chung.
HOÀI THU