Xã Vĩnh An (huyện Tây Sơn): Gìn giữ và phát huy văn hóa truyền thống
Vĩnh An là xã miền núi của huyện Tây Sơn, có gần 89% dân số là người Bana. Những năm qua, cấp ủy Ðảng, chính quyền, đoàn thể từ xã đến các thôn, làng đã có nhiều nỗ lực để bảo tồn và phát huy vốn văn hóa truyền thống địa phương.
Phát huy văn hóa cồng chiêng
Xã Vĩnh An có 5 làng (Kon Giang, Giọt 1, Giọt 2, Kon Mon, Xà Tang) với 354 hộ dân, trong đó đến 313 hộ là đồng bào dân tộc Bana. Xã vừa tổ chức thành công Ngày hội Văn hóa -Thể thao (VH-TT) xã Vĩnh An mở rộng năm 2015 chào mừng 40 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, với sự tham gia của 7 làng đồng bào dân tộc Bana trên địa bàn huyện, gồm: 5 làng thuộc xã Vĩnh An và làng Cam, xã Tây Xuân; làng M6, xã Bình Tân.
Nét nổi bật của Vĩnh An tại Ngày hội là biểu diễn cồng chiêng và thể hiện môn bắn nỏ. Xã đã thành lập đội cồng chiêng có 25 thành viên (tuổi từ 15 - 25) được ông Đinh Ngắc, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy xã, một nghệ nhân diễn tấu cồng chiêng hướng dẫn luyện tập. Đội cồng chiêng duy trì tập luyện mỗi tuần từ 1-2 buổi, khi mặt trời ẩn đằng sau đỉnh núi hoặc những đêm trăng sáng. Ngoài ra, tại 5 làng của xã cũng có đội cồng chiêng để biểu diễn những dịp lễ hội. “Cồng chiêng là nét văn hóa đậm đà bản sắc của đồng bào Bana xã Vĩnh An, nên tôi luôn trăn trở với việc giữ gìn và “truyền lửa” cho các thế hệ mai sau. Đời sống bà con còn nghèo, hằng ngày, họ phải lên nương, lên rẫy nên ít có thời gian tập luyện thường xuyên. Song, bằng niềm yêu thích nghệ thuật nhạc cụ truyền thống, chúng tôi đã vượt qua khó khăn cùng gắn bó tập luyện sát cánh bên nhau và mang về nhiều thành tích khả quan cho xã nhà nói riêng và huyện nhà nói chung”, ông Đinh Ngắc tâm sự.
Giữ gìn môn bắn nỏ
Cùng với di sản văn hóa cồng chiêng, bắn nỏ là môn thể thao được trai trẻ ở Vĩnh An luyện tập. Các tay nỏ được nhiều người biết đến như: Đinh Nhin, Đinh Thưa, Đinh Rum (làng Giọt 1), Đinh Thép (làng Kon Giang)... Trong đó, hai anh em Đinh Thưa và Đinh Rum, đều nối nghiệp cha Đinh Nhin gắn liền với cây cung, cây nỏ. Anh Đinh Thưa nói: “Ở đồng bào mình, trẻ nhỏ lên 7, lên 8 đã biết cầm cung, cầm nỏ, biết đánh cồng chiêng theo nhịp đơn giản. Lớn lên, theo học các cụ cao niên rồi sử dụng thành thục lúc nào không biết”.
Trong ngôi nhà sàn đơn sơ, anh Đinh Thưa tay nâng niu gần 30 chiếc HCV, HCB mà anh em đã nỗ lực đoạt được từ các cuộc thi bắn nỏ ở Ngày hội VH-TT các dân tộc thiểu số miền núi tỉnh, cũng như ở khu vực miền Trung- Tây Nguyên suốt từ năm 2008- 2014.
Nói về công tác bảo tồn, phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống của Vĩnh An, ông Nguyễn Văn Lon, Phó trưởng Phòng VH-TT huyện Tây Sơn, nhận xét: “Mặc dù là xã miền núi, đời sống bà con còn nhiều khó khăn nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Vĩnh An đã nỗ lực phát triển phong trào VH-TT. Đặc biệt là gìn giữ nhạc cụ cồng chiêng và bộ môn bắn nỏ mang đậm bản sắc truyền thống dân tộc Bana. Hiện, chúng tôi đã tuyển chọn lực lượng VĐV, nghệ nhân ở xã Vĩnh An làm nòng cốt để khẩn trương tập luyện chuẩn bị tham gia Ngày hội VH-TT các dân tộc thiểu số miền núi tại huyện An Lão, vào tháng 5 tới”.
Các VÐV, nghệ nhân ở xã Vĩnh An đã đóng góp tích cực vào thành tích chung của đoàn huyện Tây Sơn đoạt giải Ba toàn đoàn, cùng các giải Ba hòa tấu nhạc cụ dân tộc, giải Nhì diễn tấu cồng chiêng… tại Ngày hội VH-TT các dân tộc thiểu số miền núi tỉnh trong các năm 2009, 2011 và 2013.
KIM CƯƠNG