Xây dựng Quy hoạch tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh
Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh đang hiện diện hầu hết tại các tỉnh, thành phố trên cả nước. Hầu như tượng đài nào của Bác cũng có tư thế đứng giơ tay chào. Nhiều tượng đài đặt tại những vị trí chưa phù hợp khiến giá trị tinh thần và thẩm mỹ của tượng đài bị ảnh hưởng, giảm sút.
Địa phương nào cũng muốn có tượng đài Bác
Qua khảo sát của Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh và Triển lãm (Cục MTNA&TL), hiện nay có tổng số 103 tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được xây dựng trong khuôn viên trụ sở cơ quan, đơn vị trên cả nước. Trong đó, có 45 tượng “Bác Hồ với Bộ đội Biên phòng” đặt ở khuôn viên 45 đơn vị bộ đội biên phòng trong cả nước. Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh xây dựng tại quảng trường, trung tâm hành chính, chính trị là 31 tượng. Các tỉnh, thành phố đề xuất đưa vào Quy hoạch tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh đến năm 2030 là 58 tượng đài.
Theo đánh giá của Cục MTNA&TL, những tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh có quá trình triển khai xây dựng thực hiện đúng theo Quy chế 05 về xây dựng tượng đài và Nghị định 113 về hoạt động mỹ thuật đều có chất lượng nghệ thuật khá tốt, phát huy được hiệu quả. Đây là những tượng đài đặt tại các trung tâm hành chính, chính trị.
Còn lại, một số tượng đài chưa phát huy được tác dụng do địa điểm dựng tượng không thích hợp hoặc chưa có kế hoạch bảo quản, tu bổ thường xuyên, dẫn đến tình trạng xuống cấp, ảnh hưởng đến chất lượng nghệ thuật của tượng đài. Có những công trình được xây dựng đã lâu bằng chất liệu bê tông đến thời gian cần phải thay đổi sang chất liệu đá hoặc đồng.
Trước thực trạng này, ngày 20.10.2014, Bộ VHTT&DL đã phê duyệt Đề cương Quy hoạch tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh đến năm 2030 nhằm khắc phục những hạn chế, tồn tại nói trên, đưa việc xây dựng tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh vào quy hoạch tổng thể và có lộ trình.
Để chuẩn bị cho việc xây dựng Quy hoạch này, Ban soạn thảo Đề cương đã đưa ra những tiêu chí nội dung, địa điểm xây dựng tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh đến năm 2030, bao gồm 3 tiêu chí. Đó là: Những địa danh gắn với các sự kiện lịch sử trọng đại của Cách mạng Việt Nam, với cuộc đời và sự nghiệp của Bác; Những nơi ghi đậm dấu ấn cuộc đời hoạt động Cách mạng của Bác; Một số địa phương có vị trí đặc biệt trong sự nghiệp đấu tranh Cách mạng và xây dựng đất nước.
Đánh giá về 3 tiêu chí Đề cương đặt ra, bà Lã Thị Kim Ngân - Viện Kiến trúc thẳng thắn cho rằng, thỏa mãn hết nhu cầu đặt tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh của 63 tỉnh, thành phố… là khó. Theo quan điểm của bà Kim Ngân, trước hết ta phải bàn về sự phát triển tổng thể của toàn bộ lãnh thổ Việt Nam, trong đó tượng đài Bác Hồ sẽ được xác lập vị trí trong quy hoạch vùng đó. Đô thị nào là đô thị trung tâm của vùng sẽ được ưu tiên xây dựng tượng đài. Được biết, hiện nay nước ta đã có 10 vùng kinh tế tương ứng với 10 vùng lãnh thổ.
Đồng quan điểm trên, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn cho hay, từ trước đến nay quy hoạch xây dựng tại các địa phương chưa bao giờ có đánh dấu tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Do vậy, việc xây dựng Quy hoạch tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh là rất cần thiết để đưa hệ thống tượng đài Bác Hồ vào quy củ.
Nhà điêu khắc Lưu Danh Thanh thì cho rằng, cần có tiêu chí rõ ràng cụ thể để tránh tình trạng tỉnh thành nào cũng xây dựng tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh, gây tình trạng nhàm chán, lãng phí không cần thiết.
Tượng đài cần phù hợp với không gian
Ông Lương Hồng Quang, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam góp ý rằng, ba tiêu chí mà Đề cương đưa ra khó khả thi nếu không có hệ thống tiêu chí kỹ thuật đi kèm. Ông Quang bức xúc: “Hiện nay tại hầu hết địa phương đang có xu hướng xây tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh càng ngày càng to, lớn với quan điểm là vĩ nhân thì phải xây tượng to. Thực tế xu hướng này dường như đối lập với con người và tính cách giản dị, gần gũi của Bác Hồ”.
“Tôi đã đi nhiều quốc gia và thấy rằng người ta xây tượng lãnh tụ hay vĩ nhân không nhất thiết phải lớn mà điều quan trọng hơn cả là phải phù hợp với không gian kết nối xung quanh. Do vậy cần có những tiêu chí về không gian kết nối với tượng đài”, ông Quang đề xuất.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của không gian tượng đài, ông Quang cho rằng, xây dựng tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh cần gắn với quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn mới. Hiện nay một số tượng đài về lãnh tụ, gồm cả tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh bị bố trí cách xa dân cư, không gắn với đời sống của người dân. Như vậy là không phù hợp với mục đích ra đời của tượng đài. Đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, tượng đài của Người nên được xây dựng như một địa chỉ văn hóa để dân có thể tham gia sinh hoạt văn hóa ở đó.
Chung quan điểm này, bà Kim Ngân đề xuất ý tưởng cơ quan quản lý phải đưa ra hai hệ thống tiêu chí phù hợp với địa điểm xây dựng tượng đài Bác Hồ, từ đó có những tiêu chuẩn về quy mô, kích cỡ, không gian… của từng loại tượng đài.
Bởi lẽ theo bà Kim Ngân “Quy mô tượng đài Bác Hồ tại nơi thăm, học tập và làm việc của Bác không thể cạnh tranh hay tương ứng với quy mô tượng đài tại những đô thị trung tâm hay những địa danh gắn với sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước”.
“Hiện nay hầu hết các tượng đài trên cả nước đều là tượng Bác đứng, giơ tay chào, chỉ có một hai tượng là Bác Hồ ngồi. Chính vì mẫu mã cứ na ná nhau như vậy nên dù chúng ta đã làm nhiều tượng đài về Chủ tịch Hồ Chí Minh nhưng vẫn khiến người ta có cảm giác ít”, nhà điêu khắc Lưu Danh Thanh bày tỏ.
Để tránh tình trạng tượng đài Bác Hồ nào cũng na ná nhau về mẫu mã, Thứ trưởng Nguyễn Đình Toàn đề xuất, Bộ VHTT&DL nên tổ chức các cuộc thi sáng tác mẫu tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh theo các chuyên đề khác nhau để làm phong phú mẫu mã tượng Bác Hồ, đồng thời để các địa phương lấy đó làm cơ sở tham khảo, lựa chọn và từ đó áp dụng cho từng trường hợp. Tuy nhiên, cũng cần có những quy định cụ thể về tiêu chí để tránh tình trạng xây dựng tượng Bác Hồ tùy tiện, tràn lan.
Theo Nguyệt Hà (Chinhphu.vn)