KÝ SỰ PHÁP ĐÌNH
Cay đắng tình thâm
Người anh ở nước ngoài gửi tiền về mua nhà cho cha mẹ và các anh em ở. Cả nhà thống nhất cử người em trai làm thủ tục mua bán, đứng tên sở hữu ngôi nhà, đợi khi có điều kiện sẽ chuyển quyền sở hữu lại cho người anh. Nhưng nay, người em tuyên bố ngôi nhà ấy là của mình.
Lời nhân chứng
Tại phiên tòa diễn ra vào cuối tháng 3.2015, người cha gần 80 tuổi từ nước ngoài trở về trình bày: Vợ chồng tôi có 6 người con. N. (SN 1964) là đứa con trai thứ hai; còn H. (SN 1972) áp út. Năm 1980, N. đi nước ngoài. Từ khi định cư bên đó, N. thường xuyên gửi tiền về chu cấp cho gia đình, phụ cha mẹ nuôi các em ăn học và học nghề. Các con tôi được như ngày hôm nay phần lớn cũng là nhờ công sức và tiền bạc của N.
Năm 1999, N. muốn mua một ngôi nhà ở Quy Nhơn, trước mắt là để cho gia đình có nơi ở rộng rãi hơn, sau này sẽ là nơi nó ở khi về lại quê hương định cư. Thời đó, chưa có quy định người nước ngoài được mua nhà đất ở Việt Nam nên gia đình tôi đã thống nhất cử H. đứng ra giao dịch mua bán và đứng tên sở hữu ngôi nhà, khi nào luật pháp cho phép thì H. sẽ chuyển nhượng ngôi nhà này lại cho N. Chính N. đã gửi tiền về cho chúng tôi để đưa cho H. giao dịch. Sau đó, cả gia đình chuyển về ngôi nhà ở đường Ỷ Lan sinh sống. Năm 2002, vợ chồng tôi qua nước ngoài định cư, 3 con tôi, gồm: T., H., M. tiếp tục ở đó.
Trước đó, lời tường trình của ông và người vợ (nay đã mất) từ nước ngoài gửi về cho TAND tỉnh vào tháng 11.2010 cũng khẳng định: “Nay, H. nói ngôi nhà ở đường Ỷ Lan là của nó là không đúng sự thật và trái với đạo đức. Cả hai đứa đều là con, chúng tôi không theo, không bỏ đứa nào mà chỉ nói lên sự thật. Thời điểm mua căn nhà này, H. đã 28 tuổi, nhưng không có nghề nghiệp, nuôi thân còn không đủ, lấy gì mua nhà. Thậm chí, đến giờ N. còn phải gửi tiền về cho H. giúp em cải thiện cuộc sống gia đình riêng của nó nữa là. Vậy thì vào năm 1999, H. làm gì có số tiền để mua nhà được...”.
Những người anh em ruột của nguyên đơn và bị đơn cũng xác nhận lời khai của cha mẹ là đúng.
Anh T. cho biết sau khi cha mẹ đi nước ngoài, anh em họ tiếp tục sống ở ngôi nhà ở đường Ỷ Lan. Chi phí trang trải cuộc sống chủ yếu do anh N. gửi về chu cấp. Năm 2008, anh N. gửi tiền về cho anh để sửa ngôi nhà. Hiện hóa đơn mua vật liệu xây dựng anh còn giữ. Thợ trực tiếp xây sửa nhà vào thời điểm đó cũng xác nhận tiền công do anh T. chi trả. Một người em gái khác xác nhận giấy tờ sở hữu nhà do anh N. giữ từ năm 1999 đến nay.
Phiên đối chất tại tòa, những người trong gia đình đều có mặt. Bên nguyên đơn được sự ủng hộ của cha, các anh chị em ruột. Họ trước sau đều công nhận, bảo vệ cho quyền lợi chính đáng của anh N., người đã bỏ công sức, tiền của lo liệu, bao bọc cả gia đình từng ấy năm. Ngược lại, H. tỏ ra bất cần, xấc xược.
Bị đơn cho rằng nhà ấy là của mình, được mua bằng chính tiền của mình và không đồng ý trả lại nhà. Bị đơn trình bày, bản chính giấy sở hữu nhà đã bị lấy cắp, nhưng lại không lý giải được vì sao không có hóa đơn mua vật liệu xây dựng sửa nhà, trong khi người anh trai tên T. lại có. Do đó, HĐXX có đủ căn cứ xác định việc sửa chữa nhà là do anh T. thực hiện bằng nguồn tiền của anh N.
HĐXX nhận định, do nguyên đơn không thuộc diện được sở hữu nhà tại Việt Nam, nên giao dịch nhờ đứng tên mua ngôi nhà trên đường Ỷ Lan là vô hiệu. Anh H. được quyền sở hữu ngôi nhà, nhưng có nghĩa vụ phải thanh toán lại số tiền mua nhà, sửa nhà và một nửa lợi nhuận giá trị của nhà đất tăng thêm cho anh N., tổng cộng trên 1,1 tỉ đồng.
Từ lúc khởi kiện vụ án cho đến khi đưa ra xét xử là 5 năm (từ 2010 đến 2015). Theo lời một người trong gia đình, trước đây, cả gia đình không nghĩ đến việc viết giấy tờ nhờ anh H. đứng tên ngôi nhà dùm cho anh N., vì không ai ngờ sẽ xảy ra chuyện như ngày hôm nay. Từ khi xảy ra việc kiện tụng, anh em không thể nhìn mặt nhau vì H. quá hỗn hào, không coi ai ra gì.
***
Lại thêm một vụ tranh chấp giữa những người ruột thịt. Đau lòng thay, một khi giá trị của vật chất được coi trọng hơn đạo lý, máu mủ tình thâm, thì vẫn còn diễn ra những vụ kiện tụng nồi da xáo thịt như vậy. Một thành viên trong HĐXX còn cho biết, có những vụ án anh em ruột tranh chấp đất gay gắt đến mức tòa phải điều cả chục cảnh sát hỗ trợ vì sợ họ đánh nhau ngay tại tòa.
ANH THƯ