Truyền thống ở một gia đình người Bana
Đó là gia đình ông Nguyễn Hiếu (79 tuổi) và bà Đinh Thị Thanh (80 tuổi) người Bana làng M2, xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Thạnh. Nhiều năm liền gia đình ông Hiếu được công nhận là Gia đình văn hóa cấp huyện và năm 2014 được đề cử Gia đình văn hóa cấp tỉnh.
Gia đình kháng chiến
Ông Nguyễn Hiếu vốn có tên cúng cơm là Đinh Kra Rang, khi tham gia kháng chiến, vì kính yêu Bác Hồ ông đổi thành họ Nguyễn cho giống Bác và lấy tên Nguyễn Hiếu từ năm 1955 cho đến nay. Lúc nhỏ ông Hiếu ở xã Cát Sơn, còn bà Đinh Thị Thanh ở xã Cát Lâm, huyện Phù Cát. Ông bà quen nhau và lập gia đình khi cùng tham gia cách mạng đến năm 1967, ông đưa cả gia đình lên sống tại làng M2, xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Thạnh để hoạt động cách mạng. Làng M2 là một trong những nơi nuôi dưỡng bộ đội và đi tiên phong trong phong trào kháng chiến ở tỉnh ta. Đây cũng chính là điểm làng giải phóng đầu tiên của huyện Vĩnh Thạnh.
Trong giai đoạn kháng chiến ác liệt, ông Nguyễn Hiếu vừa tham gia đánh giặc, vừa đi vận động bà con người Bana ở đây theo Đảng, theo Bác Hồ để đấu tranh giành độc lập dân tộc. Khi giữ chức vụ Chủ tịch xã Vĩnh Hiệp, ông Hiếu tích cực vận động bà con xây dựng địa phương, đóng góp cho cách mạng. Sau khi huyện Vĩnh Thạnh được giải phóng, ông lại còn hăng hái vận động đồng bào nhiều hơn nữa trong việc đóng góp cho tiền tuyến đánh Mỹ, cứu nước.
Ông Hiếu xúc động kể lại, những năm tháng ấy, cuộc sống rất khó khăn, sống giữa lòng địch, nhưng đồng bào và cán bộ địa phương vẫn nỗ lực hết sức cùng nhau lao động để cung cấp lương thực, thực phẩm nuôi bộ đội. Đồng bào lấy đêm làm ngày, trồng lúa, trồng mì với tinh thần “có 1 cân thóc cũng phải nuôi bộ đội, vì bộ đội cần nhiều sức để đánh giặc, dân mình ăn rau cháo cũng không sao, miễn là giành được độc lập”.
Sau khi về hưu, ông Hiếu tiếp tục làm hội phó Hội Người cao tuổi với phương châm “còn sống còn tham gia xây dựng đất nước, không còn sức làm thì đóng góp tiếng nói, ý kiến”. Vợ ông, bà Đinh Thị Thanh trong kháng chiến làm giao liên, vận chuyển lương thực cho bộ đội, sau ngày giải phóng, bà làm hội trưởng Hội Phụ nữ xã Vĩnh Thịnh, tiếp tục công tác tuyên truyền, vận động bà con thực hiện nếp sống mới. Dù đều đã lớn tuổi, nhưng ông bà vẫn minh mẫn, ông Nguyễn Hiếu tâm sự: “Giờ già rồi, chân yếu bước không còn lẹ, mắt không còn lanh, nhưng đầu óc mình vẫn còn suy nghĩ đúng. Mình không thể đi vận động người dân ở xa thì mình vận động con cháu trong gia đình, như vậy là mình vẫn đóng góp cho cách mạng”.
Già làng “uy tín” trong lòng dân
Tại những cuộc họp phổ biến chính sách mới, tuyên truyền pháp luật, ông thường động viên mọi người tuân thủ theo hướng dẫn của cán bộ, bản thân ông và gia đình cũng gương mẫu thực hiện trước. Với nhiều cống hiến cho địa phương, cộng với cách sống mẫu mực, ở làng M2, ông Nguyễn Hiếu là người có uy tín cao. Với 55 năm tuổi Đảng và công lao đóng góp cho kháng chiến, xây dựng quê hương, vợ chồng ông Nguyễn Hiếu nhận được rất nhiều bằng khen, huân chương của Nhà nước trao tặng.
Ghi nhận những đóng góp của gia đình ông Nguyễn Hiếu trong công cuộc giải phóng và xây dựng quê hương, năm 1972, gia đình vinh dự được đón nhận bằng khen “Gia đình kháng chiến, gia đình cách mạng, gia đình danh dự, gia đình vẻ vang” do Ủy ban Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tặng.
Tiếp nối truyền thống trong gia đình, các con cháu của ông đều học giỏi, tư cách đạo đức tốt, tiếp tục hăng say công tác và đóng góp cho địa phương. Người con trai duy nhất của vợ chồng ông là Đinh Văn Dứt, từng giữ chức vụ Phó công an huyện Vĩnh Thạnh nay đã về hưu và làm Bí thư chi bộ. 2 cháu trai là Đinh Văn Duy và Đinh Văn Duynh cũng đều là công an đang công tác tại huyện Vĩnh Thạnh.
Con cháu dâu rể đều là cán bộ, là những đảng viên gương mẫu, luôn hoàn thành tốt công tác của địa phương, gia đình ông Hiếu luôn sống mẫu mực và vì cộng đồng. Và không chỉ chăm lo đến đời sống xã hội, gia đình ông cũng luôn chú trọng đến những giá trị văn hóa truyền thống lâu đời của đồng bào Bana. Gia đình ông có đầy đủ bộ cồng chiêng, có đàn bầu (của người Bana), những chiếc trống. Ông nhắc nhở và dạy con cháu phải biết chơi những loại nhạc cụ và biết múa những điệu múa đặc trưng của người Bana.
Anh Nguyễn Kim Khoa, cán bộ văn hóa xã Vĩnh Thịnh, nhận xét: “Gia đình ông Nguyễn Hiếu, là một gia đình có truyền thống cách mạng. Thành viên trong gia đình đều là đảng viên, sống hòa thuận, luôn làm tốt công tác vận động ở địa phương. Không chỉ là gia đình văn hóa tiêu biểu của địa phương mà còn là gia đình hiếu học, xứng đáng để mọi người noi theo và học hỏi”.
MỸ HẠ