Hải chiến Trường Sa trong ký ức người lính hải quân
Tôi biết anh bán phở cách nhà khoảng 100m đã nhiều năm. Tôi là khách hàng quen của anh không chỉ vì anh nấu phở rất ngon, vị nước dùng khác biệt mà còn vì ông chủ quán rất vui tính. Thế nhưng đến gần đây tôi mới biết ông chủ quán phở là Lê Minh Thoa-một người lính hải quân đã tham gia trận hải chiến bi hùng ngày 14.3.1988 ở Gạc Ma, thuộc quần đảo Trường Sa.
Huân chương kháng chiến hạng Ba của anh Thoa và giấy chứng nhận làm nhiệm vụ tại Quần đảo Trường Sa.
Anh dũng hy sinh để giữ đảo
Đến bây giờ, đã 25 năm trôi qua, anh Thoa vẫn không nguôi nỗi nhớ về những ngày tháng tuổi trẻ của mình trên những hòn đảo nơi đầu sóng ngọn gió của Tổ quốc. Sinh năm 1968 (quê huyện Tây Sơn), anh Thoa đi bộ đội khi vừa tuổi 18. Anh được theo học ngành cơ điện của trường dạy nghề Hải Quân và từ tháng 11.1985, chính thức trở thành Hạ sỹ quan - Hải đội 1 thuộc Lữ đoàn 125 Hải Quân đóng tại Tân Cảng- TP Hồ Chí Minh. Anh được phân công làm nhiệm vụ trên tàu HQ 602, chuyên tiếp lương thực thực phẩm, nguyên vật liệu xây dựng các đảo ở Quần đảo Trường Sa nên cuộc sống của anh gắn liền với tàu và biển.
Quanh năm, tàu anh từ đất liền đến Trường Sa và về không biết bao nhiêu lần. Anh giữ nhiệm vụ sửa chữa máy móc trên tàu. Khi được hỏi về quãng thời gian ấy, anh vừa nhớ lại vừa cười, vừa đọc những vần thơ: “Đảo là nhà, biển cả là quê hương. Tay nắm chắc lá cờ của tổ quốc. Gạc Ma ơi, xưa lấy máu nhuộm cờ. Giữ chủ quyền, kết vòng tròn bất tử”.
Câu chuyện bắt đầu từ sau cái tết năm Mậu Thìn (1988), anh và một đồng đội cùng đơn vị được tăng cường sang tàu HQ 604 làm nhiệm vụ tại Quần đảo Trường Sa. Kể tới đây, giọng nói của anh bỗng trầm xuống: “Khi điều đi sang tàu HQ 604, tôi biết trước sẽ có những ngày sóng gió, có thể sẽ không trở về. Hồi ấy, chúng tôi xem nhẹ chuyện sống - chết lắm. Tôi có nói với đồng đội những câu nói vui nhưng ngầm hiểu là chia xa, mọi người đều nắm lấy tay tôi, không nói gì nhưng ánh mắt ai cũng tỏ rõ lòng quyết tâm”.
Lần đó, tàu HQ-604 khởi hành gần 2 ngày 3 đêm thì thả neo cách đảo Gạc Ma khoảng 1 km. Sau khi tàu của ta thả neo được 30 phút, tàu hộ vệ của Hải quân Trung Quốc cũng chạy về phía Gạc Ma. Anh Thoa nhớ rất rõ: Khoảng 17 giờ ngày 13.3, tàu Hải quân Trung Quốc áp sát tàu HQ604 và dùng loa gọi sang khiêu khích. Cán bộ, chiến sĩ 2 tàu HQ 604 động viên nhau giữ vững quyết tâm không để mắc mưu địch, kiên trì neo giữ quanh đảo. Tiếp đó, thuyền trưởng Vũ Phi Trừ chỉ huy được lệnh tiếp cận đảo Gạc Ma, khẩn trương chuyển vật liệu xây dựng lên đặt mốc chủ quyền đúng vào lúc 12 giờ đêm ngày 13.3 (Gạc Ma là một đảo chìm, khi thủy triều xuồng nước đến đầu gối, khi triều lên nước đến ngang bụng). Sau khi đặt được mốc và cắm cờ tổ quốc, một nhóm chiến sĩ được giao nhiệm vụ canh gác trên đảo. Những người khác bốc vác vận chuyển vật liệu từ tàu vào đảo trên các xuồng nhỏ.
9 chiến sĩ khi được Trung Quốc trao trả hàng trên: Lê Văn Đông, Nguyễn Văn Thống, Trần Thiện Phụng, Phạm Văn Nhân, Nguyễn Tiến Hùng; hàng dưới: Trương Văn Hiền, Lê Minh Thoa, Mai Văn Hải, Dương Văn Dũng cùng vợ anh Trần Thiện Phụng và cán bộ dân phòng. (ảnh lấy từ tư liệu trang web hoangsa.org)
Theo trí nhớ của anh Thoa thì khoảng 4 - 5 giờ sáng ngày 14.3, thuyền trưởng Vũ Phi Trừ thấy lính Trung Quốc đưa 5 xuồng nhôm cùng vài chục lính thủy, dương AK lưỡi lê quây vòng tròn tiến lên đảo. Thuyền trưởng Trừ ra lệnh anh em chiến đấu. Những chiến sĩ trên đảo lùi dần về phía lá cờ, tạo thành “vòng tròn bất tử”. Trong trận chiến không cân sức, các chiến sĩ ta mặc độc quần đùi, áo may ô đánh giáp lá cà với lính Trung Quốc trang bị AK, lưỡi lê. Ban đầu, lính hai bên đánh như đánh vật, bên này giật cờ của bên kia xuống rồi lại cắm cờ nước mình lên. Giằng co được một lúc thì lính Trung Quốc nổ súng vào quân ta làm nhiều người thương vong. Sau đó, tàu hải quân Trung Quốc thả thêm nhiều ca nô loại nhỏ chở hằng trăm lính vũ trang rằn ri tràn lên đảo Gạc Ma.
Lúc này tàu chỉ huy HQ604 đã cho phóng loa nói tiếng Trung các bộ đội vũ trang Trung Quốc: "Đây là đảo chủ quyền của Việt Nam, yêu cầu quân đội Trung Quốc phải rời đảo". Thế nhưng tàu Trung Quốc vẫn ngang nhiên khai hỏa bắn pháo 100mm vào tàu 604 của ta, làm tàu bị hỏng nặng. Khi ấy, anh Thoa cố gắng chữa cháy, dầu máy văng vào lưng khiến anh bị thương. Quên đi đau đớn, anh tiếp tục cứu tàu nhưng những quả pháo tiếp theo phá nát đuôi tàu. Thuyền trưởng Vũ Phi Trừ đã bình tĩnh chỉ huy bộ đội trên tàu sử dụng các loại súng AK đánh trả quyết liệt, buộc binh lính Hải quân Trung Quốc phải nhảy xuống biển bơi trở về tàu họ. Tàu HQ 604 tiếp tục hứng chịu hàng loạt các đợt đạn của địch, làm tàu ta bị thủng nhiều lỗ và hỏng nặng chìm dần xuống biển. Cán bộ, chiến sĩ tàu đã anh dũng hy sinh cùng tàu HQ 604 ở khu vực đảo Gạc Ma.
Anh Thoa và đứa con trai mà anh vất vả nuôi từ 4 tháng tuổi đến nay tròn 8 tuổi.
Nếm mùi nhà tù Trung Quốc
Khi tàu HQ-604 chìm anh Thoa nhảy khỏi tàu và vớ được hai trái bí xanh (lương thực của tàu HQ 604). Anh nói: “Nhờ hai trái bí ấy mình mới lênh đênh trên biển gần 1 ngày đêm vì lúc ấy chân phải bị thương nặng, đầu cũng trúng đạn, lưng thì bị phỏng”. Giữa biển khơi, anh chứng kiến cảnh tưởng hãi hùng, các canô của Trung Quốc liên tục bắn đạn vào những đồng đội của anh đang bơi hoặc đã ngất trên mặt nước. “Anh em mình do thiếu kinh nghiệm hoặc giả đã đuối sức nên hễ ai bơi vào đảo hoặc nổi trên mặt nước là bị chúng bắn chết ngay. Khi ấy, tôi nghĩ mình rồi cũng sẽ chết nhưng thà làm mồi cho cá mập hoặc chết đói, khát trên biển chứ quyết không để chết vì những viên đạn của bọn Tàu”, anh tâm sự.
Bơi trên biển gần 1 ngày, mắt anh hoa lên, vết thương cứ rỉ máu khiến anh kiệt sức dần. Anh thấy bóng chiếc thuyền tiến lại gần, nhìn thấy tàu Trung Quốc, anh vội dồn hết sức bơi đi. Chúng liên tục nã đạn về phía anh. Anh kể: “Sau này, ngồi nói chuyện với nhau, các anh em còn sống sót trong trận ấy đều chọc ghẹo tôi là người bị bắt cuối cùng nhưng lại là thằng ăn đạn của chúng nhiều nhất. Có lẽ lúc ấy thấy tôi ôm hai trái bí xanh, chúng tưởng là bom, đạn nên ra sức bắn chết. Mãi chẳng thấy nổ, chúng mới dùng cây, quất dây kéo tôi lên như bắt được con cá vậy”.
Tới đây, chắc mọi người sẽ nghĩ rằng anh được cứu sống, có tù đày cũng còn cơ hội được sống. Vậy mà, theo anh lúc ấy chết có khi còn khỏe hơn vì vừa lôi lên tàu, chúng bịt mắt bằng băng đen rồi đánh đập dã man khiến anh chết ngất. Sau đòn tra tấn, chúng mới đưa anh vào chỗ nhốt cùng 8 đồng đội của anh đến từ các tàu HQ 605, HQ 505. Cả 9 người lăn lóc trên cabin liên tục mấy ngày đêm, không ăn uống.
Anh Thoa khi được phía Trung Quốc trả về, đi nghỉ điều dưỡng rồi chụp ảnh lưu niệm tại bãi biển Đồ Sơn trước khi về đơn vị.
Tàu đi 3 ngày đêm đến đảo Hải Nam (Trung Quốc). Cả nhóm bị bịt mắt đưa đến một nơi khác. Hơn một ngày đêm sau các anh được biết mình đang ở bệnh viện. Chúng đưa các anh vào phòng mổ, trói chân tay vào thành bàn. Thêm những người lính Trung Quốc khác đè đầu hoặc ngồi lên người giữ chặt để bác sĩ rạch da gắp những mảnh pháo, đầu đạn ra, hoàn toàn không gây mê hay tê. Riêng anh chống cự khá nhiều nên vẫn còn sót vài mảnh đạn ở đầu gối, ngay thái dương bên trái cho tới ngày nay.
Ở viện vài ngày, các anh được chuyển về trạm thu dung tại bán đảo Lôi Châu, Quảng Đông. Tại trạm thu dung, trong hơn một năm đầu tiên, 9 chiến sĩ bị giam biệt lập. Thời gian đầu, bọn cai ngục đánh đập dã man, tiêu chuẩn bữa ăn mỗi ngày thì chỉ có 3 cái bánh mì tròn nhỏ như bánh bao, rỗng ruột và bát nước cháo lạt nhách”. Lúc ấy, anh bị giam riêng, biệt lập với mọi thứ. Không rõ đồng đội của mình lúc này thế nào, cũng không biết biển Đông bây giờ ra sao. Chỉ biết nén nỗi căm thù vào trong tim. Các anh còn bị tiêm một thứ thuốc mà không rõ là thuốc gì. “Thì có biết thuốc gì đâu. Chúng nói bị bệnh phải tiêm thuốc." Rồi cứ thế, bác sĩ tới tận nhà tù “chăm sóc” bằng những mũi tiêm không rõ mục đích. Riêng anh Thoa chỉ bị tiêm có một mũi thuốc, các đồng đội còn lại đều bị tiêm rất nhiều nhưng không rõ liều lượng thế nào “vì bị nhốt riêng”. Anh nói, có đau đớn gì cũng nén lại, không kêu ca gì nên đỡ bị tiêm thuốc. Sau này gặp lại, nhiều anh em da bủn nhũn, chỉ cần dí ngón tay mạnh thì bị thương một lỗ và chảy máu”.
Đời thường của người lính
Trong khi các anh chịu đắng cay trong nhà tù Trung Quốc, ở quê hương các anh cả 74 chiến sĩ đều được báo tin đã hy sinh và mất tích. Năm 1991, Trung Quốc quyết định phóng thích tù binh cho Việt Nam qua đường cửa khẩu Bằng Tường. Rời nhà tù, các anh được đưa về an dưỡng tại Nhà khách Hải quân trong khoảng thời gian từ 9.1991 tới 2.1992. Các anh được khám và điều trị vết thương, xác định thương tật đồng thời nhận Huân Chương Chiến Công Hạng Ba. Sau thời gian an dưỡng, anh Thoa tiếp tục phục vụ trong trạm sửa chữa- Phòng kỹ thuật- Lữ đoàn 125 đến 30.11.1996 thì xuất ngũ. Trong quá trình công tác, anh được xét nhận thêm Huân chương chiến sĩ vẻ vang hạng Ba và hạng Nhì.
Anh Thoa hạnh phúc bên người vợ mới và quán phở của mình.
Khi tôi ghé đến nhà thăm anh Thoa, bà Lê Thị Mười, mẹ của anh kể: “Gia đình nhận giấy báo tử rồi cúng sống nó (anh Thoa - PV) suốt một năm trời. May mà nó còn sống trở về, tôi mừng khôn xiết. Từ lúc rời quân ngũ, nó chưa bao giờ nhắc đến chuyện này bao giờ cả. Vết thương rồi những mảnh đạn còn sót trong người hành nó quá lắm. Vậy mà, vượt qua bệnh tật nó làm đủ nghề nuôi sống bản thân và ba đứa con nhỏ. Số nó khổ quá, xưa đã thế giờ thì còn lận đận hơn”. Anh nghe mẹ nói tới đây, gạt phắt đi: “Giờ là sướng hơn 12 năm qua chứ mẹ. Đồng đội con còn vất vả hơn nhiều”.
Trong trận Hải chiến Trường Sa ngày 14.3.1988, phía Trung Quốc đã tiến chiếm đảo Gạc Ma của Việt Nam. Những chiến sĩ Hải quân Việt Nam tử trận trong trận đánh phần lớn không tìm được xác. Ba tàu vận tải Việt Nam là HQ-604, HQ-605, HQ-505 bị bắn chìm.
Khi hỏi thăm về cuộc sống của mình, anh chỉ kể qua loa là lấy vợ, làm nghề xe ôm ở TP Nha Trang rồi TP Hồ Chí Minh để kiếm sống. Khi người vợ đầu không chịu nỗi cảnh khổ cực, dứt áo ra đi, bỏ lại cho anh 3 đứa con thơ, trong đó cậu con trai út của anh vừa mới tròn 4 tháng tuổi. Vậy là, cuộc sống trước đã khó một thì giờ khó gấp trăm lần. Anh đành trở về lập nghiệp ở TP Quy Nhơn để nhờ ông bà nội chăm sóc cháu giúp. Ba mẹ anh tuổi đã cao, cũng kiếm sống bằng nghề bơm, vá xe, bán xăng lẻ. Anh bôn ba với đủ công việc, hễ ai kêu gì thì làm lấy chỉ mong kiếm đủ ngày ba bữa cơm cho các con. Nhưng sức khỏe không đảm bảo, anh không thể nuôi nổi con đành học nghề đầu bếp rồi xin vào làm ở nhà hàng với đồng lương ít ỏi.
Tôi quen anh đã khá lâu, biết anh là người hiền lành, đảm đang và vượt khó vươn lên nhưng không ngờ anh lại còn là người anh hùng trở về trong trận chiến lịch sử Hải chiến Trường Sa năm 1988. Khi xem đoạn phim “Vòng tròn bất tử” trên mạng internet tôi đã khâm phục ý chí kiên cường, lòng yêu nước, tinh thần quả cảm của các chiến sĩ bao nhiêu, giờ biết anh tôi lại càng ngưỡng mộ con người vững chãi với sóng gió cuộc đời, vươn lên trong cuộc sống hòa bình. Anh đang hạnh phúc với mái ấm nhỏ đã có bàn tay người vợ chăm sóc, vỗ về giấc ngủ cho các con. Hiện tại, anh Thoa mở quán phở bò nhỏ ở cuối đường Tăng Bạt Hổ, TP Quy Nhơn kiếm kế sinh nhai…
Với đồng đội, bà con lối phố anh Thoa luôn là người nghĩa tình, giữ được chất lính đảo ngày xưa bằng việc tham gia Hội Cựu chiến binh, dân quân của KV8, phường Lê Lợi, TP Quy Nhơn một cách nhiệt tình. Mỗi khi khu phố có việc anh đều có mặt...
HẢI YẾN