Vui mùa lễ hội VH - TT các dân tộc ở An Lão
Chào mừng 40 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2015), hướng tới kỷ niệm 125 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19.5.1890 - 19.5.2015) và chào mừng đại hội Ðảng các cấp, các địa phương huyện miền núi An Lão rộn rã khai hội Văn hóa - Thể thao (VH-TT) các dân tộc.
1.
Ngày 21.4, xã An Hưng đã tổ chức khai mạc Lễ hội VH-TT lần thứ V mở đầu mùa Lễ hội VH-TT các dân tộc trên địa bàn huyện An Lão năm 2015. Trong cái nắng nồng nàn của miền núi, hơn 180 diễn viên, vận động viên của 6 đoàn VH-TT các thôn, làng trên địa bàn xã và hàng ngàn người dân về tham dự Lễ hội trong niềm vui náo nức. Trong 2 ngày đêm (21-22.4) tại Lễ hội đã liên tiếp diễn ra các hoạt động VH-TT với nhiều môn thi đặc sắc và hấp dẫn, thu hút đông đảo người xem cổ vũ. Mở đầu là chương trình dựng trại, hàng rào và các công trình phụ; tổ chức thi đan lát, giã gạo, nấu cơm lam và giới thiệu những món ăn đặc sản của quê hương, rồi đến các môn thể thao như phóng lao, bắn nỏ, đẩy gậy, kéo co, đội hình diễu hành qua lễ đài và thi người đẹp Lễ hội. Ngoài ra, người xem còn thưởng thức các tiết mục văn nghệ, tấu cồng chiêng và nhạc cụ dân tộc. Phần thi người đẹp Lễ hội lần này với các phần trình diễn về trang phục tự chọn, trang phục bắt buộc và thi ứng xử của các cô gái Hre đã tạo được sự chú ý đặc biệt của người xem.
2.
Nói về việc chuẩn bị tham gia Lễ hội, Trưởng làng 4, Đinh Văn Dung hào hứng: “Từ nhiều tháng nay, làng 4 chúng tôi đã họp dân làng, phân công từng nhóm người tìm vật liệu, dụng cụ, trang phục… để làm trại mô hình nhà sàn, tập luyện đều các môn thể thao, với tinh thần tham gia đầy đủ các môn thi tại lễ hội. Mặc dù gặp phải khó khăn về vật chất và thời tiết nhưng đoàn cũng quyết tâm đạt được thành tích cao nhất trong lễ hội này”.
Theo ông Đinh Văn Lang, Phó Chủ tịch UBND xã An Hưng, Trưởng Ban tổ chức Lễ hội, việc chuẩn bị tổ chức Lễ hội lần này rất công phu, cách đây 3-4 tháng xã đã thông báo nội dung, thể lệ cho 6 đoàn VH-TT trong xã tham gia Lễ hội (gồm 5 làng và 1 trường học), nhờ vậy các đoàn đã tập trung đầy đủ các diễn viên, vận động viên tham gia sôi nổi các môn thi đạt kết quả tốt. “Việc tổ chức Lễ hội VH-TT ở xã có ý nghĩa quan trọng, tạo điều kiện để Ban tổ chức lựa chọn những diễn viên, vận động viên xuất sắc tham gia Lễ hội VH-TT cấp tỉnh chuẩn bị tổ chức tại huyện An Lão. Đặc biệt còn là dịp để lưu truyền lại cho các thế hệ mai sau bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình để con cháu bảo tồn và noi theo”, ông Lang cho biết.
3.
Có thể nói, đến nay việc tổ chức các hoạt động lễ hội VH-TT ở An Lão đã đi vào nề nếp, tạo được không khí phấn khởi, bổ ích, tạo điều kiện để người dân giao lưu, học hỏi, rèn luyện sức khỏe, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, góp phần quan trọng vào việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống ở địa phương. Ông Hoàng Ngọc Thành, Trưởng Phòng VH-TT huyện An Lão, khẳng định: “Chính môi trường sinh hoạt lễ hội đã góp phần to lớn trong việc giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của người Hre, Bana ở địa phương. Ngoài ra, cũng từ loại hình hoạt động này đã góp phần tăng cường tình đoàn kết, tạo môi trường giao lưu để tạo thành những nội dung thi đua trong quá trình thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước”.
Tiếp theo xã An Hưng là lễ hội VH-TT xã An Trung sẽ được tổ chức vào ngày 6 và 7.5, thị trấn An Lão ngày 18 và 19.5. Sau đó huyện An Lão sẽ thành lập đoàn diễn viên, vận động viên tham gia Ngày hội VH-TT các dân tộc thiểu số tỉnh Bình Định lần thứ XIII-2015 được tổ chức tại huyện An Lão vào cuối tháng 6 tới.
Ðã hơn 20 năm qua, UBND huyện An Lão đã ban hành Kế hoạch chi tiết tổ chức Lễ hội VH-TT các dân tộc trên địa bàn huyện. Trong đó, cấp xã luân phiên mỗi năm tổ chức Lễ hội ở 2 xã, thị trấn và 5 năm tổ chức quy mô cấp huyện.
Bài, ảnh: HOÀNG NAM QUỐC