“Sóng trắng”
Tác phẩm “Sóng trắng” của Nguyễn Văn Giai (bút danh Việt Thương) được NXB Văn học ấn hành cuối năm 2014, là tập truyện ký hay gọi là “nhật ký”, “hồi ký” cũng được. Bởi vì tập sách dày 790 trang được viết theo thể truyện ký, kết cấu theo từng chương (gồm 33 chương) và gần 20 trang sách Thay cho lời kết, nhưng trong mỗi chương lại được viết theo lối nhật ký, được ghi chép cụ thể theo từng ngày tháng (bắt đầu với chương 1 vào ngày 12.7.1964 và kết thúc ở chương 33 vào ngày 8.1.1970).
Tác giả Nguyễn Văn Giai (1933-2010) vốn là cựu sinh viên trường Đại học Quốc gia Lô-mô-nô-xốp (Liên Xô), nguyên là giảng viên công tác tại khoa Sư phạm Ngữ văn trường Đại học Vinh nhiều năm, nguyên là chủ nhiệm khoa Ngữ văn trường Đại học Quy Nhơn.
Ông có nhiều năm gắn bó với trường Đại học Vinh. Đây cũng chính là bối cảnh văn học của tập truyện ký này. Với cách thể hiện của tập sách là nhật ký, có thể nói đây là tác phẩm có giá trị về tư liệu rất cao, đã ghi lại được một cách xúc động và chân thực những năm tháng xưa với tất cả vui buồn của một thời gian, một giai đoạn khó khăn nhất của trường Đại học sư phạm Trung Đô, tức trường Đại học sư phạm Vinh, giai đoạn Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc.
“Sóng trắng” không chỉ khắc họa những gian khổ của thầy trò trường Đại học Vinh mà qua đó còn mô tả chân thực mối quan hệ giữa con người với con người trong khó khăn chung của đất nước cũng như trong hạnh phúc riêng tư của mỗi người. Nổi bật lên vẫn là, ở đâu có tuổi trẻ, ở đó có tiếng cười, ở đâu có thanh niên ở đó có tình yêu đôi lứa. Qua từng trang sách, cũng là từng trang “nhật ký”, khát vọng của tuổi trẻ, tính lãng mạn của con người trong khó khăn, gian khổ, khát vọng vươn tới tương lai tươi sáng… lại được thể hiện rõ nét. Là “nhật ký”, truyện ký, tập sách cũng khắc họa thành công những kiểu nhân vật: một bên là đại diện cho sự đoàn kết, sự phát triển (Đăng, Huynh, Việt, Thành…) và một bên là đại diện cho thói quan liêu, ích kỉ, đam mê quyền lực (Lễ, Bằng, Công, Bích…).
“Sóng trắng” là thành quả tinh thần của 35 giảng viên Nguyễn Văn Giai - Việt Thương đứng trên bục giảng được bạn bè, đồng nghiệp, học trò nhớ tới như một con người luôn sống nghĩa tình, thủy chung, nhân hậu với mọi người và hết lòng với công việc.
KHẢ XUÂN