Nông sản... ế!
Chuyện các loại nông sản của nước ta, từ cây công nghiệp có giá trị cao, sản lượng lớn như tiêu, điều, cà phê, mủ cao su cho đến lúa gạo, thủy sản; các loại rau màu như hành tây, cà chua, bắp cải, hay cây ăn trái như xoài, vải, nhãn…, bị lâm vào cảnh “được mùa rớt giá” từ lâu đã không còn là chuyện lạ. Tuy nhiên, chuyện dưa, hành ế “rộ” lên trong những ngày qua đã khiến dư luận ồn ào, nóng sốt hơn các lần trước.
Có thể nói, việc sản xuất - tiêu thụ nông sản bấp bênh, gây thiệt hại cho nông dân xảy ra với nhiều hàng nông sản cho thấy sự "không bình thường” trong việc tổ chức sản xuất và tiêu thụ nông sản ở nước ta. Nói đến nông sản là nói đến sản xuất nông nghiệp, nói đến nông dân - lực lượng đang chiếm số đông trong cơ cấu dân số của nước ta. Vì vậy, một khi nông sản ế hay “mất mùa”, “thất giá” thì chắc chắn đời sống của số đông này sẽ khó khăn. Đó là vấn đề không thể không quan tâm vì nó liên quan trực tiếp đến sự ổn định của tình hình kinh tế - xã hội.
Bên lề việc hành ế, dưa ế vừa rồi, một số tổ chức và cá nhân đã tự phát kêu gọi cộng đồng chung tay “giải cứu” dưa hấu Quảng Nam, hành tím Sóc Trăng. Ngay cả một số công chức của Bộ Công Thương cũng có sáng kiến tổ chức bán dưa tại sân trụ sở Bộ nhằm kêu gọi ủng hộ người trồng dưa. Các việc làm nói trên rất có ý nghĩa, nhưng đối với một vấn đề vĩ mô như chuyện sản xuất và tiêu thụ nông sản, thì nó chỉ có giá trị chuyển tải thông điệp với cộng đồng chứ không phải giải pháp có tính căn cơ.
Bởi lẽ, sản xuất chỉ thực sự bền vững khi gắn kết được với thị trường tiêu thụ, điều hòa tốt quan hệ cung cầu để tránh tình trạng lúc thừa mứa, khi thiếu hụt dẫn đến tiêu thụ khó khăn, giá cả bấp bênh… Và để làm được điều đó thì các Bộ, ngành có liên quan với vai trò và chức năng của mình, phải là cơ quan chủ trì những công việc ở tầm vĩ mô “ngoài tầm với” của nông dân là định hướng sản xuất, xúc tiến thương mại, cung cấp thông tin về giá cả và thị trường…
Thực tế cho thấy, việc dự báo thị trường, định hướng sản xuất của các cơ quan quản lý và người sản xuất đều chưa tốt là nguyên nhân của tình trạng nông sản “được mùa rớt giá”. Không chỉ những cây ngắn ngày như ớt, dưa hấu, hành, tỏi mà cả các loại cây dài ngày, có giá trị cao như cao su, tiêu, điều… cũng đều có thể bị lâm vào cảnh “nay trồng mai chặt” bất cứ lúc nào do lối sản xuất tự phát của người nông dân. Có không ít trường hợp, dù đã được các cơ quan chức năng nhắc nhở, cảnh báo nguy cơ thua thiệt mà nông dân phải chịu nếu họ cứ tùy tiện sản xuất. Nhưng khuyến cáo thì cứ khuyến cáo, còn việc quyết định trồng hay không lại là việc khác, vì nông dân có toàn quyền tự chủ sản xuất. Một khi nông dân vẫn cứ theo phong trào, thấy trồng cây gì có lãi là làm, thì chuyện càng được mùa, càng rớt giá là tất yếu. Và, khi “sự đã rồi” thì phần thua thiệt không chỉ nông dân là người trực tiếp phải gánh chịu, mà còn gây nên những hệ lụy tiêu cực về kinh tế - xã hội.
Nói tóm lại, để sản xuất khỏi lâm vào nghịch cảnh “được mùa rớt giá” thì cần phải có sự điều chỉnh mạnh mẽ, kiên quyết chấm dứt lối sản xuất nhắm mắt chạy theo “phong trào” bất chấp quan hệ cung - cầu và các biến động của giá cả, thị trường… Bên cạnh sự hỗ trợ sản xuất thông qua các chính sách vĩ mô của Nhà nước, bản thân nông dân cũng phải thay đổi tư duy, chấm dứt “thói quen” sản xuất tự phát, thường xuyên phá vỡ quy hoạch, thì mới có cơ sở để hi vọng đến… một lúc nào đó người nông dân sẽ bỏ lại phía sau những câu chuyện buồn “nông sản ế” và có những mùa vui trọn vẹn.
Hải Đăng