Hoài Thanh: Dân vận khéo để xây dựng nông thôn mới
Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền xã Hoài Thanh, huyện Hoài Nhơn đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, huy động tối đa mọi nguồn lực, từ đó đạt được một số kết quả nhất định trong xây dựng nông thôn mới (NTM). Trong thành công đó, có vai trò hết sức quan trọng của công tác dân vận.
Từ năm 2002 đến 2010, Hoài Thanh được đánh giá là xã xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi chậm nhất huyện. Dù chính quyền địa phương đã cố gắng, toàn xã chỉ mới xây dựng được 11 km. Vậy mà, từ năm 2010 đến nay, xã đã xây dựng được 22,2 km đường nông thôn, 2,7 km kênh mương bê tông, nâng cấp, cứng hóa mở rộng 4,1 km các tuyến đường...
Cụ bà Nguyễn Thị Lực (bên trái), dù thuộc hộ nghèo vẫn dành dụm đóng góp tiền xây dựng NTM.
Khó vạn lần, dân liệu cũng xong
Ông Nguyễn Văn Thuận, Chủ tịch UBND xã Hoài Thanh, cho biết, trong xây dựng NTM, địa phương xác định trọng điểm là công tác dân vận để vận động nhân dân đồng tình hưởng ứng. Các công trình, phần việc trong xây dựng NTM ở địa phương đều có tiến độ thi công nhanh, đặc biệt là bảo đảm chất lượng vì người dân ý thức rất rõ các công trình đó là do chính họ góp tiền xây dựng để phục vụ cho chính đời sống của họ. Các ban của xã và chính quyền thôn bầu ra đội ngũ cán bộ am hiểu về xây dựng NTM, đủ năng lực vận động thuyết phục quần chúng, đối thoại, trả lời cho dân những điều họ vướng mắc.
Hứng khởi giới thiệu về những con đường liên thôn được bê tông hóa, rộng rãi, sạch sẽ và đèn điện thắp sáng về đêm, ông Phan Thu, bí thư chi bộ thôn An Lộc 2, Hoài Thanh, cho biết: “Trong năm 2014, toàn bộ 315 hộ dân của thôn đồng lòng đóng góp 320 triệu đồng, vượt chỉ tiêu 100%, để làm đường. Được vậy là nhờ thôn công khai từng việc, từng nội dung với dân để bà con thấy rõ hiệu quả đóng góp, để họ tin, lần sau lại tiếp tục hưởng ứng. Thôn cũng nắm rõ điều kiện kinh tế của từng hộ, xác định mức đóng góp để họ có thể tham gia nhưng không ảnh hưởng quá lớn đến cuộc sống hiện tại”.
Ở thôn An Lộc 2, kể chuyện người dân đóng góp xây dựng NTM, câu chuyện về cụ bà Nguyễn Thị Lực luôn là chuyện đầu tiên. Bà cụ Lực, 70 tuổi, thuộc diện hộ nghèo, hàng ngày kiếm sống bằng việc bứt lá giang, bán được khoảng 20.000 đồng. Dù được thôn cho miễn đóng góp, nhưng cụ vẫn lẳng lặng dành dụm, mỗi ngày vài ngàn từ tiền bán lá giang, đến cuối năm, đem đóng gần 1 triệu đồng cho việc xây dựng NTM, như bao hộ gia đình khác. Thôn An Lộc 2 đã tặng giấy khen, biểu dương tấm lòng của cụ Lực. Còn cụ bà thì bộc trực: “Tôi thấy mình dù nghèo cũng phải cố đóng góp cùng mọi người mới vui. Có con đường mới, việc đi lại của mọi người dễ dàng hơn, thôn xóm giờ khang trang, sạch sẽ”.
Khoác áo mới cho thôn, xóm
Với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân hưởng thụ”, phong trào xây dựng NTM ở Hoài Thanh đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của nhân dân. Nhiều hộ gia đình như ông Nguyễn Mạnh Thất (74 tuổi, thôn Mỹ An) hiến 704 m2 đất ở để làm trường mẫu giáo; ông Lê Ngọc Định (73 tuổi, thôn An Lộc 2) hiến 400 m2 đất ruộng và cây trồng để làm đường liên thôn… Đến nay, toàn xã thực hiện được 11/19 tiêu chí xây dựng NTM. Tổng giá trị người dân địa phương đóng góp xây dựng NTM là 2,1 tỉ đồng. Trong đó, người dân tự chặt bỏ trên 2.300 cây ăn quả các loại; hiến gần 9.800 m2 đất để làm đường; tự phá bỏ trên 1.760 m tường rào, 1.225 m2 ruộng hoa màu.
“ Tôi thấy mình dù nghèo cũng phải cố đóng góp cùng mọi người mới vui. Có con đường mới, việc đi lại của mọi người dễ dàng hơn, thôn xóm giờ khang trang, sạch sẽ ”
Cụ bà NGUYỄN THỊ LỰC, 70 tuổi, ở thôn An Lộc 2, thuộc diện hộ nghèo
Bên cạnh những kết quả đạt được, được Bộ GTVT khen thưởng vì phong trào thi đua phát triển giao thông nông thôn năm 2013, xã Hoài Thanh còn lãnh đạo thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn hóa, đẩy mạnh phát triển ngành nghề dịch vụ, giữ gìn ANTT và vệ sinh môi trường. 100% hộ gia đình trong thôn tích cực thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với xây dựng NTM. Đến nay có 70% số thôn trong xã đạt khu dân cư văn hóa, 100% cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa và trên 97% số hộ đạt gia đình văn hóa. Ðặc biệt, trong các cuộc vận động ủng hộ người nghèo, xây dựng Quỹ “Ðền ơn đáp nghĩa”, nhân dân trong xã đều có ý thức trách nhiệm tự giác ủng hộ.
Có thể thấy, công tác dân vận ở Hoài Thanh đã có tác động không nhỏ đến quá trình xây dựng NTM, làm cho người dân hiểu và chia sẻ với chính quyền bằng hành động cụ thể, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM ở xã.
HẢI YẾN