Ở cuối dòng sông Lại
Buổi sáng. Vào mùa biển yên gió lặng. Khi triều xuống, đứng ở cầu Lại Giang trên tỉnh lộ 639 nơi nối liền hai xã Hoài Hương và Hoài Mỹ của huyện Hoài Nhơn, nhìn về phía cửa An Dũ - nơi cuối nguồn sông Lại, lẩn khuất trong hơi sương mờ ảo là những người dầm mình giữa lòng sông cần mẫn cào nhủi bắt từng con ốc gạo nhỏ bé. Cái nghề mọn này đã nuôi sống nhiều thế hệ người dân nơi cuối nguồn sông.
Mang trong lòng 2 nguồn nước từ dòng Kim Sơn và An Lão vắt vẻo, uốn lượn suốt chiều dài hơn 40 km từ hai huyện trung du, miền núi Hoài Ân và An Lão, khi về đến thôn Phú Văn, xã Ân Thạnh, huyện Hoài Ân hợp lưu thành sông Lại.
Ông Nguyễn Hấn cùng vợ là bà Phan Thị Quảng đang xáo chọn ốc trên cửa An Dũ sau một buổi lao động miệt mài.
Nghề truyền thống
Sông Lại là một trong những con sông lớn của Bình Định, từ bao đời cần mẫn, chắt chiu từng hạt phù sa bồi đắp cho ruộng vườn, bãi bắp, nương dâu bốn mùa xanh tốt. Đến hạ nguồn, sông êm đềm trôi giữa đôi bờ biêng biếc tre xanh, rồi hòa vào lòng biển Đông bao la.
Đến cửa An Dũ một ngày tháng tư, chúng tôi bắt gặp không khí nhộn nhịp của bà con địa phương tất bật vào mùa cào ốc gạo. Cửa An Dũ khá rộng, bờ Bắc là thôn Thạnh Xuân của xã Hoài Hương; bờ Nam là thôn Bắc Lý của xã Hoài Hải. Buổi sáng, khi triều xuống và mặt trời vừa ló dạng, người dân, đa phần là phụ nữ, người già dầm mình nhủi ốc gạo dưới dòng sông xanh.
Cái nhủi là một dụng cụ thủ công đơn giản, được làm bằng 2 ống nứa hoặc tre cỡ ngón tay trỏ dài 1,5 m căng với một tấm lưới mắt nhỏ tạo thành hình tam giác vuông có đáy. Phần đầu của bộ nhủi tiếp xúc trực tiếp với cát dưới đáy sông rộng khoảng 60 cm được căng cố định qua lưới bằng một cọng sắt phi 8. Khi nhủi, đưa dụng cụ ngập xuống đáy sông rồi tay phải đẩy cần nhủi về phía trước, thao tác vừa tiến, vừa lùi không để mặt tiếp xúc cắm sâu dưới cát. Đi chừng khoảng 5-7m thì dừng lại nhấc nhủi lên xốc vài lượt cho cát lọt xuống nước, còn lại trút tất cả vào chiếc thau nhựa nổi bồng bềnh được cột chặt phía sau thắt lưng. Cứ thế, họ miệt mài cần mẫn với công việc đến khi mặt trời đứng bóng và cũng là thời điểm nước triều lên, mọi người mới thu dọn đồ nghề, kéo nhau lên bờ.
Bà Trần Thị Tú, tuy tuổi đã thất tuần nhưng vẫn gắn bó với chiếc nhủi để mưu sinh nơi vùng cửa sông.
Những cảnh đời sông nước
Cả người ướt sũng nước, ông Nguyễn Hấn nói: “Trước đây tôi đi bạn nhưng 3-4 năm gần đây bị bệnh gai cột sống mãn tính không thể trụ nổi với biển khơi nên quay sang nghề cào ốc. Làm nghề này, nếu chịu khó và làm thâu đêm thì có thể thu nhập khoảng vài ba trăm ngàn đồng”.
Anh Trần Văn Nhi, ở Bắc Lý, chia sẻ: “Tui theo mẹ đi cào hến từ năm lên mười tuổi và bám nghề đến nay đã gần 30 năm. Những ngày vào vụ, trung bình vợ chồng tui nhủi được khoảng 6 - 8 kg ốc/ngày, cùng với giăng lưới bắt thêm tôm, cá, thu nhập được 500 - 700 ngàn đồng. Tuy không giàu nhưng cũng bảo đảm cuộc sống gia đình và nuôi con cái ăn học”.
Trời chiều đã nghiêng bóng, nhưng chị Huỳnh Thị Tuyền vẫn còn một mình ngâm mình dưới dòng nước lặng lẽ xáo rửa từng rổ ốc nhỏ. Chị bộc bạch: “Tôi mới biết làm nên còn luộm thuộm không nhanh bằng mọi người, vì mấy tháng nay chồng tôi đi biển bị phía Malaysia bắt giam đến giờ vẫn chưa về nước. Ở nhà, 3 mẹ con túng quẫn quá không biết làm gì ra tiền để đắp đổi qua ngày. Trong lúc khốn khó được chị em trong xóm hướng dẫn và cho mượn dụng cụ bắt ốc nên hàng ngày tôi cũng kiếm được 5-7 chục ngàn lo cơm gạo, mắm muối cho hai đứa nhỏ”.
Trong ngôi nhà nhỏ cạnh bờ sông thuộc thôn Thạnh Xuân, những làn gió từ sông, từ biển thổi vào mát rượi như thể xua tan bớt nỗi nhọc nhằn, bà Trần Thị Tú (72 tuổi) đang tỉ mẫn ngồi nhặt từng hạt sạn, làm sạch sản phẩm rồi phân loại ốc để bán cho chủ vựa. Bà tâm sự: “Sau khi ông nhà bạo bệnh qua đời, một mình tôi phải bươn chải nuôi 3 con nhỏ, nhưng công việc ở quê khó kiếm, kinh tế gia đình luôn thiếu trước, hụt sau. Nhưng may nhờ ở cạnh cửa sông, nguồn lợi thủy sản cũng khá dồi dào nên hàng ngày tôi lặn lội ra đây mò bắt cua, ốc trang trải cuộc sống đã hơn 30 năm.
Thời gian hành nghề bắt ốc gạo không cố định do phụ thuộc vào con nước, chỉ khi thủy triều xuống, gió êm thì ốc mới nổi. Nếu điều kiện thời tiết thuận lợi, buổi sáng làm từ 7 giờ đến 11 giờ, chiều từ 14 giờ đến 16 giờ, có những ngày làm đến 22 giờ đêm mới nghỉ. Thu nhập cũng tùy theo khả năng từng người, nếu như có kinh nghiệm và sức chịu đựng tốt thì trung bình trong ngày họ nhủi được từ 5 đến 6 kg ốc; ít thì cũng được 3 - 4 kg. Tùy theo kích cỡ, ốc lớn đều có giá từ 60.000 - 80.000 đồng/kg; ốc nhỏ khoảng 20.000 - 30.000 đồng/kg.
Nghề làm ăn trên sông nước tuy dễ kiếm tiền nhưng cũng nhiều vất vả, hiểm nguy, khi bà con không hề được trang bị bất kỳ phương tiện bảo hộ nào, ngay cả áo phao cũng không có, nhất là những người phụ nữ dễ bị viêm nhiễm bệnh phụ khoa. Bà Phan Thị Quảng, vợ ông Nguyễn Hấn, cho biết: “Năm 2014 vừa qua, tôi phải nằm viện điều trị mất mấy tháng ròng vì bị thương hàn nhiễm nước. Biết công việc này ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe nhưng vì cuộc sống nên bà con ở đây phải chấp nhận”.
Cuộc sống vẫn tiếp tục
Tuy mức sống của bà con theo nghề sông nước thủ công, thô sơ không thể sánh cùng với những hộ có điều kiện phương tiện khai thác, kinh doanh hoặc làm các dịch vụ khác, nhưng tằn tiện thì cũng sống được, nuôi con cái ăn học thành đạt
Ông NGUYỄN VĂN HIẾT, Trưởng thôn Thạnh Xuân chia sẻ
Ông Nguyễn Văn Hiết, Trưởng thôn Thạnh Xuân, chia sẻ: Toàn thôn hiện có 505 hộ, trong số đó có 31 hộ nghèo. Trong số này có nhiều hộ vẫn theo nghề truyền thống khai thác thủy sản dưới sông, kể cả nghề chồ rớ. Tuy mức sống của bà con theo nghề sông nước không thể sánh cùng với những hộ có điều kiện phương tiện khai thác, kinh doanh hoặc làm các dịch vụ khác, nhưng tằn tiện thì cũng sống được, nuôi con cái ăn học thành đạt”.
Mặt trời khuất dần sau dãy núi Hương. Bóng hoàng hôn tím biếc tràn trên mặt nước cửa An Dũ. Những người dân ở 3 thôn Thạnh Xuân, Công Lương, Bắc Lý nơi vùng cửa sông này vẫn dầm mình trong dòng nước xà hai cố nhủi những vợt ốc cuối ngày. Phía trên kia đê chắn sóng Thạnh Xuân Đông lại có hàng chục người tiếp tục ra giữa dòng sông mang theo đèn pin bắt ốc đêm.
Cuộc mưu sinh trên sông nước tuy vất vả nhưng nó gắn bó với người dân chân chất, bình dị nơi đây tự bao đời, ngày và đêm, vào mùa biển yên gió lặng, khi nước triều xuống. Và cuộc sống vẫn cứ tiếp tục nơi cuối nguồn sông Lại.
BẢO SƯƠNG - ÁNH NGUYỆT