Nhật ký nữ nhà báo chiến trường:
Vang vọng quá khứ hào hùng
Như những thước phim sống động, cuốn “Nhật ký nữ nhà báo chiến trường” (tác giả Lệ Thu- NXB Quân đội Nhân dân, năm 2015) ra đời đúng dịp kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975- 30.4.2015) đã tái hiện đầy chân thực về một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc.
Cuốn sách có độ dày 300 trang, gồm 7 phần chính: Đường về, Sống ở Trường Sơn, Xuống đồng bằng, Với quê hương Bình Định, Chiến dịch mùa Xuân 1975, Má về từ nhà lao, Hạ cánh xuống sân bay.
Nhà báo, nhà thơ Lệ Thu thời tác nghiệp ở chiến trường.
* Thưa nhà thơ, nhà báo Lệ Thu, nhiều độc giả thắc mắc vì sao sau 40 năm, bà mới cho ra mắt cuốn “Nhật ký nữ nhà báo chiến trường”, mà không phải là thời điểm ngay sau khi thống nhất nước nhà?
- Cuốn nhật ký này tôi đã cất giữ 40 năm nay, nghĩ nó chỉ là những kỷ niệm buồn vui của riêng mình. Nhưng giờ đây, bỗng nhiên tôi muốn nó được đến với mọi người, để những sự tích anh hùng của những trái tim đau thương, những tâm hồn cao cả ấy được lấp lánh giữa cuộc đời, được sống mãi với thời gian, không bị ai lãng quên, không bị ai làm hoen ố!
* Vì sao bà lại đặt tên cuốn sách là “Nhật ký nữ nhà báo chiến trường”?
- Bản thân tôi cũng là một nữ nhà báo, trực tiếp kháng chiến và sống trong ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết nên tôi hiểu rõ lý tưởng, phẩm chất tốt đẹp và cả những hy sinh, mất mát mà những người chiến sĩ cách mạng đã trải qua. Do đó, “nhật ký” là sự thật, là những gì đập vào mắt tôi và được ghi lại trong tờ giấy pô-luya (loại giấy mỏng thời kháng chiến để mang theo cho nhẹ) hoặc ghi lại bằng trí nhớ, sau đó ghi lại. Còn “nữ nhà báo chiến trường” là chỉ chung cho những cô gái và bao lớp thanh niên đi theo lý tưởng Cách mạng, sẵn sàng hy sinh vì nền hòa bình dân tộc.
Cuốn Nhật ký được ghi lại trung thực một phần rất nhỏ về đời sống gian truân, cơ cực nhưng dũng cảm, phi thường của đồng bào và chiến sĩ ta trên mảnh đất miền Trung (đặc biệt là Bình Định) vào những năm cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Tất nhiên, đây cũng là một “lát cắt” của chính cuộc đời tôi và một số bạn bè, đồng đội từng có mặt nơi chiến trường trong những năm tháng khốc liệt ấy.
* “Điểm nhấn” của cuốn Nhật ký này là gì, thưa bà?
- Tôi xin gói gọn trong 3 từ: “quê hương”, “nhân dân” và “tình người”. Tôi đã dành gần 200 trang để viết về quê hương, con người Bình Định (từ trang 49-247). Những cái tên An Lão, Hoài Nhơn, Hoài Ân, Phù Mỹ, Phù Cát, Tuy Phước... được nhắc đến với cả tấm lòng tri ân, dạt dào tình cảm: “Bàn chân ta đã đặt lên mảnh đất quê hương. An Lão đây rồi. Bình Định ơi, quê hương yêu dấu của ta!” (trang 49). Hay như: “Ôi lòng dân! Trong nguy hiểm, gian nan vẫn một lòng một dạ trung thành. Vậy thì ta còn có lý do nào mà tính toán so đo, còn nỡ lòng nào không đền đáp lại?” (trang 67).
* Thông điệp lớn nhất mà bà muốn gửi gắm đến độc giả thông qua cuốn sách này là gì, thưa bà?
- Chiến tranh chẳng có gì vui, nhưng Tổ quốc thoát khỏi nạn xâm lăng, đồng bào thoát khỏi sự xa cách chia lìa, đất nước hòa bình thống nhất... là hạnh phúc vô biên, là niềm vui bất tận của cả dân tộc và của mỗi cuộc đời, trong đó có cuộc đời tôi và cha mẹ, gia đình tôi.
Cuốn Nhật ký không chỉ đóng vai trò là “thước phim” ghi lại một thời kháng chiến gian khổ, ác liệt, hào hùng. Không chỉ dừng lại ở việc ngợi ca và đồng cảm với những trang đời, số phận. Mà vượt ra khỏi vòng quá khứ ấy là mong muốn thiết tha, kêu gọi mọi người hãy cùng đọc, cùng suy ngẫm và biết tôn trọng quá khứ, tôn trọng lịch sử, tôn trọng nền hòa bình, độc lập hôm nay. Từ đó, sống tốt, sống ý nghĩa hơn, góp phần vào sự đổi thay của quê hương.
* Xin cảm ơn bà!
KIM CƯƠNG (Thực hiện)
Tác giả Lệ Thu tên thật là Trần Lệ Thu (sinh năm 1940, tại xã Phước Hưng, huyện Tuy Phước); hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hội viên Hội Nhà báo Việt Nam. Năm 1964- 1972, làm phóng viên, biên tập viên Đài Tiếng nói Việt Nam. Năm 1973- 1975, làm phóng viên, biên tập viên Đài phát thanh Giải phóng. Năm 1992- 1997, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Bình Định, là Đại biểu Quốc hội khóa IX. Lệ Thu 2 lần đoạt giải A Giải thưởng Đào Tấn-Xuân Diệu.
Tác phẩm đã xuất bản: Thơ Xứ sở loài chim yến (NXB Văn học Nghệ thuật Nghĩa Bình), Niềm vui cửa biển (NXB Tác phẩm mới- 1983), Hương gửi lại (NXB Tác phẩm mới- 1990), Nguyện cầu (NXB Văn học- 1996), Tri kỷ (NXB Hội Nhà văn- 2000), Khoảng trời thương nhớ (Hội VHNT Bình Định), Đến với thơ Lệ Thu (Thơ tuyển và lời bình- NXB Thanh niên- 2000), Mây trắng (NXB Văn nghệ TP Hồ Chí Minh- 2006), Tri âm của đất (NXB Hội Nhà văn- 2009), Điềm đạm Việt Nam (NXB Văn học- 2014), Nhật ký nữ nhà báo chiến trường (NXB Quân đội Nhân dân- 2015).