Cẩn trọng với… răng giả
Các bác sĩ BVÐK tỉnh vừa thực hiện thành công 2 ca nội soi gắp dị vật tại thực quản. Ðáng chú ý, trong cả 2 trường hợp, dị vật đều là… răng giả.
Ngày 13.4, bà Huỳnh Thị Cảnh (66 tuổi, phường An Tân, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) được đưa vào BVĐK tỉnh trong tình trạng đau tức ngực, khó thở. Các bác sĩ nhanh chóng tiến hành nội soi qua đường miệng thì phát hiện hàm răng giả với 4 cái răng tại vị trí thực quản. Bằng dụng cụ qua máy nội soi, các bác sĩ đã gắp thành công hàm răng giả ra ngoài. Sau khi lấy răng giả ra, bà Cảnh thấy khỏe rất nhiều, đau ngực giảm hẳn, uống sữa và ăn được cháo.
Bác sĩ Võ Thành Nam Bình, Trưởng khoa Nội tiêu hóa (BVĐK tỉnh), cho hay: “Lần nội soi đầu tiên cho bệnh nhân Cảnh thấy dị vật tại thực quản, nhưng vẫn chưa hình dung là dị vật gì vì xung quanh bã thức ăn bám đầy. Lần thứ hai, sau khi bơm rửa các mảng bám, phát hiện hàm răng giả có hai đầu móc chặt vào đoạn trên của thực quản, gây loét, xước hai đầu điểm nối. Khi nội soi gắp răng giả, chỉ cần sơ suất là móc kim loại có thể gây thủng, làm chảy máu ồ ạt, nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân”.
“Nếu trong nhà có người lớn tuổi dùng răng giả, người nhà nên kiểm soát họ có bao nhiêu bộ răng giả, vì người lớn tuổi thường không nhớ mình có nuốt bộ răng giả nào hay không”
Bà Cảnh cho biết, trước đây, do bị gãy 4 chiếc răng, nhìn thiếu thẩm mỹ nên đã đi đúc răng giả. Khi dùng răng giả thấy rất chắc chắn nên nghĩ không có chuyện gì xảy ra. Trước khi vào BVĐK tỉnh khoảng 20 ngày, bà cảm thấy đau tức ngực, đi khám và uống thuốc. Khi uống vào thì nôn liên tục, đau tức ngực dữ dội nhưng vẫn chủ quan cho rằng uống thuốc bị nghẹn chứ không nghĩ là răng giả bị rơi ra.
“Sau đó, không chịu được cơn đau, tôi nhập viện tại thị xã An Khê, qua siêu âm các bác sĩ chẩn đoán tôi bị hội chứng trào ngược dạ dày thực quản, điều trị 7 ngày tình trạng bệnh vẫn không đỡ. Tôi xin chuyển viện nhưng các bác sĩ bảo chỉ là bệnh lý dạ dày nên không cho chuyển. Tôi xuất viện về nhà nhưng ngày càng đau tức ngực, ăn uống khó khăn nên đã đi khám tại BVĐK tỉnh Bình Định, qua nội soi bác sĩ bảo có dị vật tại thực quản cần nhập viện ngay”, bà Cảnh kể lại.
Trường hợp của bà Cảnh không phải là cá biệt. Chỉ 4 ngày sau đó, bệnh nhân Nguyễn Văn T. (56 tuổi, ở xã Mỹ Châu, huyện Phù Mỹ) cũng được đưa vào BVĐK tỉnh với các cơn đau nhói ở ngực do nuốt phải răng giả vào tối 16.4. Các bác sĩ đã tiến hành nội soi và gắp dị vật thành công.
Bác sĩ Võ Thành Nam Bình cho biết thêm: “Trước kia, Khoa Nội tiêu hóa đã gắp răng từ thực quản thành công cho rất nhiều người, nhưng thường bệnh nhân chỉ nuốt 2 cái răng giả và không kèm theo vật sắc nhọn gây nguy hiểm. Nhưng với trường hợp bà Cảnh thì có đến 4 răng giả và hai bên đầu móc chặt, nếu đâm trúng mạch máu thì rất nguy hiểm”.
Đáng chú ý, có những người khi nằm ngủ quên tháo răng ra nên đã nuốt luôn trong khi ngủ say. Cũng có trường hợp do ăn vội vã hay ăn những đồ ăn dai nên trong khi nhai, chiếc răng giả rơi ra. Bệnh nhân nghĩ đó là thức ăn rồi nuốt, đến khi phát hiện ra thì đã muộn.
Bác sĩ Võ Thành Nam Bình lưu ý, nếu trong nhà có người lớn tuổi dùng răng giả, người nhà nên kiểm soát họ có bao nhiêu bộ răng giả, vì người lớn tuổi thường không nhớ mình có nuốt bộ răng giả nào hay không. Như trường hợp bệnh nhân Cảnh đã nuốt hàm răng giả nhưng không nhớ, vì bà Cảnh có đến 2 bộ răng giả, bộ này mất thì bà dùng bộ kia. Hơn nữa, không nên cho người lớn tuổi sử dụng hàm răng giả sắc nhọn, vì nếu rơi ra rất nguy hiểm.
“Những người sử dụng răng giả nên thận trọng trong khi ăn uống, nên nhai kỹ, nuốt chậm, không ăn uống vội vã, không vừa ăn vừa nói, không để xảy ra tình trạng nuốt sặc hay hít sặc. Khi ăn và khi ngủ nên tháo răng giả ra vì một số người bị lỏng chân răng, răng giả không bám chặt vào hàm và rơi ra, dễ lọt vào đường ăn và đường thở. Người dùng răng giả nên đi kiểm tra răng thường xuyên, vệ sinh răng miệng sạch sẽ… Cần thay mới khi răng đúc đã hết thời gian sử dụng theo quy định”.
Bác sĩ VÕ THÀNH NAM BÌNH, Trưởng khoa Nội Tiêu hóa, BVĐK tỉnh
THU PHƯƠNG