Bệnh tâm thần - dấu hiệu và cách phòng ngừa
Việc phát hiện sớm bệnh tâm thần đóng vai trò quyết định trong kết quả điều trị bệnh. Nếu không kịp thời phát hiện, bệnh không những khó điều trị mà có khi không thể khỏi được.
Tâm thần là bệnh do rối loạn hoạt động của não bộ gây nên những biến đổi về tư duy, hành vi, cảm xúc, nhận thức. Bệnh tâm thần có 300 mã bệnh khác nhau. Nguyên nhân thường gặp như căng thẳng tâm lý kéo dài, các biến chứng khi mang thai và sinh đẻ, nhiễm độc hóa học, các bệnh gây tổn thương về não bộ như chấn thương sọ não, viêm não, tai biến mạch máu não và yếu tố di truyền.
Theo số liệu của Bệnh viện Tâm thần tỉnh, trong năm 2014 có 28.029 lượt bệnh nhân đến khám, chiếm tỉ lệ cao ở lứa tuổi trưởng thành. Đây là lứa tuổi lao động chính của xã hội, gây suy giảm khả năng lao động, ảnh hưởng đến các hoạt động giao tiếp trong gia đình và cộng đồng. Đến khám đông nhất không phải là các bệnh loạn thần nặng mãn tính mà là các bệnh tâm căn có liên quan đến stress và dạng cơ thể, với 13.663 trường hợp, chiếm 48,7% trong tất cả số lượt bệnh nhân khám. Trong đó, có 10.580 trường hợp mắc tâm căn suy nhược, bệnh động kinh cũng hay gặp với 1.331 trường hợp, rối loạn cảm xúc phân liệt với 1.320 trường hợp.
Dấu hiệu sớm của người mắc bệnh tâm thần có thể là hội chứng suy nhược như rối loạn giấc ngủ, ăn kém ngon, mệt mỏi, mất quan tâm thích thú. Cách ly với xã hội, bạn bè, giảm giao tiếp, thời gian ở trong phòng một mình nhiều hơn; suy giảm hiệu suất làm việc và học tập; lời nói khác lạ như đang nói tự nhiên ngắt quãng hay lời nói trở nên bí hiểm. Thay đổi về hành vi, có thể suốt ngày nằm trên giường, có người trở nên ít ở nhà, hay đi lang thang. Cảm xúc thờ ơ; những ý nghĩ kỳ lạ cho rằng mình ở thế giới khác về, mình là người cõi trên, cho rằng thức ăn có độc, có ai đó hại mình. Có người vui vẻ quá mức, múa hát làm huyên náo, có người bồn chồn đứng ngồi không yên, đập phá, xung động tấn công… Chính những yếu tố này người thân của bệnh nhân thường cúng bái trước khi nhập viện điều trị.
Bệnh tâm thần cũng như các bệnh khác nếu có kiến thức về bệnh có thể phòng ngừa được. Hạn chế và loại trừ các sang chấn tâm lý, tạo môi trường lành mạnh. Trong gia đình cần tránh những mâu thuẫn, những xung đột giữa cha mẹ hoặc anh chị em, giáo dục con đúng phương pháp, không quá nghiêm khắc hoặc quá chiều chuộng. Trong đơn vị tập thể cần tránh những mâu thuẫn căng thẳng kéo dài, luôn xây dựng tình đoàn kết giúp đỡ nhau. Đối với những người bị thất vọng, bị đau khổ cần có thái độ quan tâm, an ủi, đối xử đúng mức giúp tìm cho họ lối thoát. Đối với bệnh tâm thần chưa rõ nguyên nhân thì phát hiện bệnh sớm, điều trị kịp thời đề phòng biến chứng và tiến triển mạn tính. Đối với bệnh tâm thần mạn tính cần tích cực điều trị và phục hồi chức năng, hạn chế tái phát.
BS NGUYỄN THỊ ĐỊNH