Biển Quy Nhơn: Khúc tự tình 40 năm
Từ trên cao nhìn xuống, bờ biển Quy Nhơn trải dài từ Mũi Tấn đến Ghềnh Ráng một dải cong cong duyên dáng. 40 năm trước, nơi đây từng chứng kiến sự tháo chạy của địch quân khi bộ đội tiến vào giải phóng hoàn toàn thị xã Quy Nhơn. 40 năm sau, biển Quy Nhơn từ một cô gái lấm lem đang trở thành thiếu nữ thanh lịch.
“Chứng nhân” của lịch sử
Ở tuổi 84, ông Phan Trọng Thể (ở 109 Hai Bà Trưng, TP Quy Nhơn), nguyên Chủ nhiệm chính trị Tiểu đoàn D50, vẫn còn nhớ những thời khắc ông cùng đồng đội được Tỉnh ủy giao cho nhiệm vụ giải phóng Quy Nhơn vào những ngày cuối tháng 3.1975. “Việc đánh chiếm diễn ra rất thuận lợi vì quân địch bỏ chạy thoát thân. Đúng 24 giờ ngày 31.3, cờ giải phóng được kéo lên ở Tòa thị chính. Khoảng 10 giờ sáng ngày 1.4.1975, chúng tôi nhận thông tin toàn bộ quân còn lại của Sư đoàn bộ binh 22 từ đường 19 tháo chạy về Quy Nhơn, chờ tàu thủy ở ngoài khơi vào đón. Tiểu đoàn D50 ngay lập tức triển khai, phân công các đại đội chặn đánh trên toàn tuyến, không cho địch tràn vào nội thành”.
Bị chặn đánh bất ngờ, xe bọc thép và bộ binh địch co cụm lại dọc theo bờ biển cố thủ chờ tàu thủy đến cứu. Chiếc xe bọc thép có cài sẵn bom chở viên đại tá, sư đoàn phó Sư đoàn bộ binh 22 đã phát nổ ngay khu vực phường Trần Phú bây giờ, tạo thành một hố sâu khổng lồ. 2 xe tăng chạy xuống biển Quy Nhơn bị mắc cạn. Trận địa pháo của trung đoàn Núi Một cùng với hỏa lực của Tiểu đoàn D50 đã bắn chìm 1 xà lan cùng nhiều tàu thuyền lớn nhỏ khác. Thấy vậy, tàu địch vội lùi xa, bỏ mặc xe bọc thép và bộ binh chết chìm.
Đến giờ, ông Phan Trọng Thể vẫn không thể quên những gì diễn ra trên biển Quy Nhơn vào ngày 1.4.1975: “Cảnh tượng địch quân chen lấn nhau tháo chạy, cố gắng bám víu để lên được tàu thật hết sức hỗn loạn. Đến 16 giờ, tiếng súng mới thực sự im hẳn. Phải mất cả tuần lễ sau mới dọn dẹp sạch tàn tích trên biển”. Đến đây, ông lại nói tiếp: “Những năm thời bao cấp, rồi cả sau đó nữa, biển Quy Nhơn vẫn chưa thoát khỏi sự nhếch nhác dẫu nó là một bờ biển đẹp. Nhưng mừng là vài năm trở lại đây đã thấy khác...”.
Thân thương một dải hình trăng khuyết
Từ tầng 11 khách sạn Hải Âu nhìn xuống, biển Quy Nhơn cong cong hình trăng khuyết uốn lượn từ mũi Tấn về phía Ghềnh Ráng. Biển Quy Nhơn, từ một diện mạo nhếch nhác, những năm gần đây, dưới sự nỗ lực của tỉnh và chính quyền TP Quy Nhơn, đang dần trở thành thiếu nữ thanh lịch.
Một buổi sáng tháng tư trời xanh, nắng nhẹ, tôi gặp ông Ba (60 tuổi, ở nhà số 2 đường Trần Bình Trọng, TP Quy Nhơn) đang ngồi hóng mát dưới cội bông giấy cổ thụ hồng rực rỡ, ven đường Nguyễn Huệ. “Cái gốc cây bông giấy này lâu lắm rồi, chắc cũng sáu, bảy chục tuổi rồi đấy. Thời gia đình tui tản cư chạy loạn Mậu Thân - 1968 từ Huế vào Quy Nhơn đã thấy nó rồi. Dưới đó một chút là quán bar dành cho lính Mỹ”. Rồi ông chỉ về phía khách sạn Ý Linh hiện nay: “Còn đây là khu nhà ăn của sĩ quan chế độ Sài Gòn. Thời đấy, bãi biển đoạn này hoang vắng lắm, cả khu vực này được bố trí cho sĩ quan cao cấp, không có nhà dân. Dân Khu 2 sống ở khu nhà rầm dưới kia, ngay chỗ gọi là eo Nín Thở đó. Thời đó, cái gì cũng tấp ra đó, đủ thứ rác rến đến nhà vệ sinh lộ thiên, nên ai đi ngang cũng bịt mũi. Rồi nữa, đó là nơi thâm u, xa khuất của thị xã, một bên là biển, một bên là đoạn cuối của sân bay, vắng người. Hồi đó đường đi chưa thông qua phía Ngô Mây như bây giờ nên mỗi lần có việc phải đến khu vực này, dân lương thiện ai cũng mướt mồ hôi, sợ có kẻ gian hăm dọa, hãm hại. Sau ngày giải phóng, người dân hay tận dụng chỗ đất trống để phơi hải sản, mùi tanh hôi bốc lên ngùn ngụt. Riết rồi chết danh eo Nín Thở luôn từ đó”, giọng ông xa xăm nhưng có phần hơi têu tếu khi nhớ về chuyện xưa.
Còn ông Lê Kim Đình, 74 tuổi, chủ quán sinh tố Kim Đình có tiếng ở Quy Nhơn, cho biết thêm, năm 1976, ông mua lại ngôi nhà từ một sĩ quan chế độ Sài Gòn. Thời ấy, bãi biển ngay trước nhà ông đầy tàn tích của chiến tranh với những hố cát sâu, rộng đến 5-10 mét, hoang sơ đến sợ. Dần dà, ông trồng thêm một số cây dừa, cây phi lao để lấy bóng mát và làm nơi mua bán. Cư dân ngày một nhiều thêm.
Với tôi, một cư dân phố biển được sinh ra sau ngày giải phóng, vẫn nhớ như in biển Quy Nhơn chao chát nắng gió khi cùng đám bạn trong xóm ngụp lặn vào những buổi chiều. Ngày đó trên sóng biển thường xuyên dập dềnh rác không là rác. Và, cũng như mọi cư dân của thành phố, tôi khấp khởi theo dõi tiến trình lột xác, chuyển mình của biển Quy Nhơn.
Ấy là năm 2001 dự án đường ven biển Xuân Diệu được khởi động, phải giải tỏa trên 2.500 hộ dân sống ở khu vực này. Cái khó khăn nhất là thu xếp nơi tái định cư cho các hộ dân rồi cũng giải quyết được. Con đường đã nên vóc, nên hình, nhưng còn thiếu nhiều thứ, vẫn tồn tại sự nhếch nhác khi tàu bè cập bờ, thuyền, thúng, quần áo lẫn cá khô bày ra trên vỉa hè đường Xuân Diệu. Tháng 6.2014, chính quyền tỉnh và TP Quy Nhơn đã di dời toàn bộ thuyền bè, chồ, rớ neo đậu tại bãi biển Quy Nhơn, cải tạo bãi tắm... quyết tâm biến nơi này thành một điểm dừng chân đáng nhớ của du khách. Việc này đã tác động không nhỏ đến một bộ phận người dân sinh sống bằng nghề biển nơi đây, nhưng để thu hút khách du lịch nhiều hơn, để Quy Nhơn là một điểm đến du lịch thú vị thì đây là việc làm cần thiết.
Khi “lọ lem” trở thành thiếu nữ
Một ngày nọ, khi đưa máy ảnh chụp cảnh biển Quy Nhơn, tôi ngỡ ngàng nhận ra biển quê mình nay sao khác lạ, như một nàng lọ lem lột xác thành thiếu nữ thanh lịch. Vỉa hè đi bộ lát đá trải dài từ Mũi Tấn đến tận eo Nín Thở. Một bờ biển sạch sẽ với những chiếc dù tranh, ghế tắm nắng mời chào du khách, thúc giục họ tháo dép, thả chân trần trên bãi cát thoai thoải, hay hòa mình vào làn nước biển trong xanh. Ông Nguyễn Nên Danh, Giám đốc Công ty Cổ phần Môi trường Đô thị Quy Nhơn, cho biết, hiện mỗi ngày Công ty vẫn phải thu gom từ 2-7 mét khối rác thải ven biển dọc tuyến đường Xuân Diệu, chỉ còn bằng 1/3 so với thời điểm trước khi di dời tàu thuyền.
Năm 2014, ngành du lịch Bình Định đón gần 2,1 triệu lượt khách, tăng trên 23% so với năm 2013. Năm 2015 này, ngành đang hy vọng đến con số 2,5 triệu lượt khách, tăng 20% so với năm trước. Lẽ dĩ nhiên, không phải chỉ mỗi biển Quy Nhơn mà còn phải thêm nhiều thứ khác nữa mới thu hút du khách đến Bình Định. Nhưng chính xác thì, biển Quy Nhơn là “mặt tiền” của thành phố, vẫn là điểm du khách đến nhiều nhất.
Quy Nhơn biển chiều nay, những thảm xanh công viên dọc biển ngút mắt. Bãi cát sạch thoai thoải, cong cong, trải dài. Những nam thanh nữ tú chơi bóng chuyền, tắm biển hay thong thả để lại dấu chân trên cát cho sóng biển liếm vào. Eo Nín Thở vẫn tên xưa, dáng cũ, vẫn mặn mòi vị biển, nhưng nay thanh sạch, bình yên, vẫn là chốn hẹn hò của bao cặp đôi yêu nhau xiết chặt vòng eo cùng... nín thở.
“Sóng vẫn đập vào eo biển, chiều nay hay ngày trước/ Và lòng tôi, theo tiếng sóng của em, cũng chạy dài theo bãi cát/ Lang thang quanh những vùng yên lặng/ Dừng chân ở chiếc quán đông người”... (Trích bài thơ “Sóng vẫn đập vào eo biển” của cố nhà thơ Lê Văn Ngăn).
NGUYỄN SƠN
Biển Quy Nhơn ngày nay lộng lẫy, đẫy đà chứ không còn hấp dẫn nên thơ và êm ả như xưa nữa. Nếu có ai đi xa, lâu ngày trở về chỉ thốt lên: " thay đổi quá".