Cảnh giác với nguy cơ cháy rừng trong mùa khô
Thời tiết khô hạn kéo dài là thời điểm dễ xảy ra cháy rừng. Hiện nay, ở tỉnh ta, vùng rừng ở các huyện: Tuy Phước, Hoài Nhơn, Vân Canh, Phù Cát và thị xã An Nhơn đang đối diện với nguy cơ này. Song, nhiều địa phương và chủ rừng vẫn chưa thật sự quan tâm đến công tác phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR).
Tỉnh ta có gần 311.000 ha đất có rừng, theo thống kê của ngành kiểm lâm, trong vài năm gần đây, nạn cháy rừng trên địa bàn tỉnh xảy ra ngày càng nghiêm trọng, số vụ cháy rừng tăng theo từng năm. Năm 2014, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 57 vụ cháy rừng làm thiệt hại gần 415 ha rừng. Từ đầu năm đến nay, đã xuất hiện nhiều đám cháy nhỏ. Nếu không có biện pháp phòng chống kịp thời, nguy cơ xảy ra những vụ cháy rừng là rất lớn.
Thời tiết hanh khô kéo dài, vì vậy, công tác chủ động PCCCR cần được quan tâm đúng mức.
- Trong ảnh: Chi cục Kiểm lâm tỉnh tổ chức diễn tập PCCCR tại xã Bình Thành, huyện Tây Sơn.
Nhiều khu vực dễ cháy
Khảo sát tại khu rừng giáp ranh giữa huyện An Lão và Vĩnh Thạnh vào những ngày đầu mùa khô, chúng tôi thấy nhiều người dân vào rừng phát dọn và đốt thực bì chuẩn bị trồng rừng nhưng không tuân thủ các quy định về PCCCR. Ngoài ra, còn có một số người vào rừng đốt than trái phép, mồi lửa đốt ong, khai thác dầu rái... rất chủ quan với “giặc lửa”, chỉ cần sơ suất nhỏ, lửa có thể cháy lây lan sang rừng trồng và rừng phòng hộ ở khu vực này.
Dọc theo các cánh rừng thuộc một số khu vực gần núi Bà Hỏa, núi Vũng Chua (TP Quy Nhơn) có khá nhiều hộ gia đình xâm chiếm đất trái phép xây cất nhà ở ngay trong khu vực giáp ranh với rừng. Hằng ngày các hộ gia đình ở đây đốt lửa nấu cơm, đốt rác... Đó chính là những nguy cơ cao dẫn đến cháy rừng.
Tương tự, một số rừng trồng ở các khu vực như: dãy núi Dông Bồ - Gò Cầy thuộc 2 xã Hoài Hải, Hoài Mỹ (huyện Hoài Nhơn); khu vực rừng có tục danh Ngòi, gần đường đèo Hải Giang, thuộc thôn Hải Giang, xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn) hay khu vực núi Đá Đen, thuộc địa bàn thôn Bình An 2, xã Phước Thành (huyện Tuy Phước), hầu như không có chòi canh lửa nào được xây dựng. Mỗi ngày có đến hàng trăm người ra vào rừng tự do để chăn bò, săn bắn chim thú nhưng không thấy lực lượng chức năng nhắc nhở, kiểm soát. Đó là chưa kể nhiều địa điểm du lịch sinh thái ở huyện An Lão, mỗi ngày cũng thu hút khá nhiều khách du lịch ghé thăm, đốt lửa nấu nướng trong rừng.
Nguy cơ cháy rừng vào mùa hanh khô là rất cao nhưng công tác PCCCR chưa được các đơn vị, chủ rừng và người dân quan tâm. Theo thống kê của ngành Kiểm lâm, hiện có trên 50% chủ rừng không trang bị, hoặc có trang bị nhưng thiếu các công cụ PCCCR, như: bình chữa cháy, bình nước, vỉ dập lửa, cào cỏ... Thậm chí có chủ rừng khi thiết kế trồng rừng, không xây dựng các công trình PCCCR như: đường băng cản lửa, hồ dự trữ nước, chòi canh lửa...
Ông Huỳnh Văn Xuân, Trưởng phòng Quản lý bảo vệ rừng, thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh, nhìn nhận: “Ý thức PCCCR của một bộ phận người dân sống khu vực gần rừng còn rất kém, họ chưa hiểu hết tầm quan trọng của rừng đối với cuộc sống của họ. Hơn nữa, nhiều người vào rừng dùng lửa đốt rẫy, xông khói đuổi ong... mà không chú ý dập tắt lửa, đến khi lửa phát thành đám cháy lớn thì không thể chữa cháy kịp”.
Khu vực núi Bà Hỏa (TP Quy Nhơn) được xem là nơi dễ xảy ra cháy rừng mỗi khi vào mùa khô.
- Trong ảnh: Vụ cháy rừng “lịch sử” trên núi Bà Hỏa xảy ra ngày 9.8.2014 đã thiêu rụi 20 ha rừng.
Cảnh giác, chủ động PCCCR
Theo ông Huỳnh Ngọc Bảo, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, ngay từ đầu năm 2015, đơn vị đã xây dựng và triển khai phương án PCCCR; tổ chức diễn tập PCCCR cho cán bộ kiểm lâm, các cơ quan chức năng và người dân địa phương. Ngành kiểm lâm cũng xác định, công tác PCCCR không chỉ riêng đối với ngành mà còn là trách nhiệm của chính quyền và người dân.
Ông Huỳnh Văn Xuân cho biết thêm: Với các trang thiết bị chữa cháy hiện có khó thể dập tắt được các đám cháy rừng một khi đã xảy ra cháy. Do vậy, biện pháp khả thi là chủ động xây dựng và triển khai các phương án cảnh báo, dự báo cháy rừng, thường xuyên kiểm tra, kiểm soát tại các khu vực có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao; tăng cường công tác giáo dục ý thức PCCCR đến những người dân sống ở các khu vực gần rừng; tuyên truyền liên tục bằng loa phóng thanh, họp tổ nhân dân tự quản kết hợp lồng ghép nội dung PCCCR. Hơn nữa, đơn vị đã phân công cán bộ trực tại văn phòng, chốt, trạm, các vùng trọng điểm. Ngoài ra, các chủ rừng cũng trực ở những khu vực trọng điểm, các chòi canh, bố trí phương tiện, trang thiết bị sẵn sàng ứng phó. Đối với những khu rừng dễ cháy, lực lượng kiểm lâm tiến hành khoanh vùng các trọng điểm (diện tích, đối tượng, địa điểm…) để cử cán bộ mở sổ theo dõi, tính toán cấp dự báo cháy rừng hằng ngày, kịp thời thông báo để người dân nắm rõ.
Có thể thấy rằng, sự chuẩn bị chu đáo trong công tác PCCCR là hết sức cần thiết; nhưng việc quan tâm loại bỏ các điều kiện gây cháy rừng từ phía con người mới là biện pháp quan trọng nhất. Vì vậy, mọi người trong cộng đồng đều phải có trách nhiệm với công tác PCCCR, nhất là các khu vực dân cư sống gần rừng, sống nhờ vào rừng…
TRỌNG LỢI