Thực hiện Ðề án Sàng lọc trước sinh và sơ sinh ở Hoài Nhơn: Lợi ích thiết thực nhưng ít người tham gia
Qua 4 năm (2011-2014) triển khai đề án “Sàng lọc trước sinh và sơ sinh” tại địa bàn huyện Hoài Nhơn đã mang lại một số kết quả thiết thực. Tuy nhiên, số lượng bà mẹ và trẻ được tầm soát chưa nhiều so với số bà mẹ mang thai và trẻ được sinh ra.
Nhiều hoạt động thiết thực
Đến cuối năm 2014, Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Hoài Nhơn phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Y tế huyện, các ban ngành, đoàn thể ở huyện và địa phương đã triển khai tích cực các nội dung đề án. Trong đó, đã tổ chức 363 buổi nói chuyện chuyên đề, truyền thông nhóm cho phụ nữ có thai, sản phụ, truyền thông lồng ghép tuyên truyền, phổ biến cho trên 5.000 lượt người với các nội dung như lợi ích của việc thực hiện sàng lọc trước sinh và sơ sinh, nhằm phát hiện can thiệp sớm dị tật, bệnh tật ở thai nhi và trẻ sơ sinh; cách thức thực hiện sàng lọc… Ngoài ra, Trung tâm đã tổ chức nhiều hoạt động như đào tạo kỹ thuật siêu âm sàng lọc trước sinh cho bác sĩ, đào tạo nâng cao cho cán bộ y tế thực hiện kỹ thuật lấy máu phụ nữ mang thai và kỹ thuật lấy máu gót chân trẻ sơ sinh, tập huấn kỹ năng, kiến thức cơ bản về sàng lọc trước sinh và sơ sinh cho cán bộ chuyên trách dân số thôn, xã, cộng tác viên dân số, tuyên truyền, vận động đối tượng tham gia sàng lọc trước sinh và sơ sinh…
Nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền vận động, nhận thức của người dân về thực hiện sàng lọc trước sinh và sơ sinh ngày càng nâng lên, nhiều bà mẹ mang thai đã mong muốn được thực hiện sàng lọc để sinh ra một đứa trẻ khỏe mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần. Chị Nguyễn Thị Thúy ở thôn Định Trị, xã Hoài Mỹ, cho biết sau hơn 3 năm lập gia đình mới mang thai nên chị luôn tham gia các lớp tuyên truyền kiến thức cho phụ nữ mang thai do địa phương tổ chức. Qua đó, biết có chương trình sàng lọc trước sinh và sơ sinh chị đã thực hiện sàng lọc ngay từ khi mang thai và sau khi sinh.
Với các biện pháp tích cực, trong 4 năm qua, trên địa bàn huyện Hoài Nhơn có 821 trẻ sơ sinh được sàng lọc và 70 bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh. Qua sàng lọc trước sinh và sơ sinh, có 27 trẻ bị nghi ngờ bất thường. Riêng tại BVĐK khu vực Bồng Sơn đã thực hiện sàng lọc cho 266 trường hợp, trong đó có 23 trẻ bị nghi ngờ bất thường. Cho biết về lợi ích của việc sàng lọc, bác sĩ chuyên khoa I, Nguyễn Thị Gia Vy - Phó Giám đốc BVĐK khu vực Bồng Sơn, cho biết: “Đối với mô hình sàng lọc trước sinh, bà mẹ mang thai dưới 14 tuần được siêu âm đo độ dày da gáy thai nhi, nếu da gáy dày bất thường thì chuyển bà mẹ lên tuyến trên, nơi có đủ trang thiết bị để kiểm tra người mẹ, xét nghiệm nhau thai, chọc ối để phát hiện những dị tật ở thai nhi. Đối với sàng lọc sơ sinh, em bé sinh ra từ 24 - 48 giờ được lấy 2 giọt máu ở gót chân gửi về Bệnh viện Trung ương Huế xét nghiệm, nhằm sớm phát hiện được những dị tật ở trẻ sơ sinh mà mắt thường không nhìn thấy được. Một số dị tật được phát hiện qua sàng lọc trước sinh và sơ sinh thường là bệnh Down, dị tật ống thần kinh, suy giáp bẩm sinh, thiếu men G6PD (gây tán huyết dẫn đến thiếu máu, vàng da), tăng sinh tuyến thượng thận bẩm sinh (rối loạn nhiễm sắc thể giới tính)… sẽ giúp các bác sĩ có biện pháp can thiệp kịp thời đối với những bệnh có thể chữa được và tư vấn tâm lý cho bà mẹ cũng như gia đình”.
Cần hỗ trợ tích cực từ chính quyền, đoàn thể
Mặc dù lợi ích của việc sàng lọc được xác định rõ nhưng hiện nay số bà mẹ mang thai và trẻ sơ sinh được sàng lọc ở Hoài Nhơn chưa nhiều. Chẳng hạn, trong năm 2014, toàn huyện có trên 1.500 bà mẹ mang thai và 2.500 trẻ được sinh ra, nhưng chỉ có 39 bà mẹ được sàng lọc trước sinh và 112 trẻ được sàng lọc sơ sinh. Bà Lê Thị Hồng Vân - Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Hoài Nhơn, cho biết: “Mặc dù đề án có hiệu quả, tuy nhiên số lượng bà mẹ và trẻ được tầm soát còn hạn chế do đối tượng được tầm soát phải nằm trong diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình chính sách, dân tộc thiểu số hoặc ở khu vực xã ven biển. Các đối tượng còn lại không được tầm soát do không có dịch vụ”.
Ông Nguyễn Văn Quang - Chi cục trưởng Chi cục Dân số, cho biết: “Qua 4 năm thực hiện đề án Sàng lọc trước sinh và sơ sinh ở tỉnh ta, đa phần người dân đã nhận thức được lợi ích của việc khám sàng lọc trước sinh và sơ sinh; tuy nhiên vẫn còn một bộ phận ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Bên cạnh đó, qua sàng lọc kết quả xác suất bệnh thấp làm cho nhiều người chủ quan cũng là những khó khăn trong việc triển khai đề án ở địa phương”.
Đề án Sàng lọc trước sinh và sơ sinh đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về Dân số - KHHGĐ. Do đó, rất cần sự hỗ trợ của chính quyền, các ban ngành, hội đoàn thể để tháo gỡ những vướng mắc trong thực hiện đề án, làm cho ngày càng nhiều đối tượng tự giác tiếp cận với các dịch vụ sàng lọc trước sinh và sơ sinh, góp phần nâng cao chất lượng dân số.
MỸ HẠ - ÁNH NGUYỆT