Oang oang ở nơi công cộng
Trưa nắng, chuyến xe buýt giờ tan tầm trở nên chật chội bởi một nhóm học sinh vừa lên xe. Mặc kệ cho cái không khí bức bối và vẻ mệt mỏi của nhiều người khác trên xe, nhóm học sinh vẫn vô tư đùa giỡn, cười nói. Nhân viên xe buýt lên tiếng nhắc nhở, nhóm bạn trẻ mới chịu trả lại sự yên tĩnh cho chuyến xe. Nhưng chỉ chừng 5 phút, tiếng khúc khích cười, tiếng gọi nhau, giựt tóc, kéo ba lô... trở lại và có phần dữ dội hơn. Chùm hợp âm ấy khiến những hành khách khác lắc đầu. Anh nhân viên bán vé tỏ vẻ mệt mỏi.
Lần khác. Ở một quán cà phê. Nhiều vị khách tỏ vẻ khó chịu khi một nhóm bạn trẻ thản nhiên bàn tán, oang oang về một chủ đề nào đó. Người ngồi gần đó khó mà trao đổi được với bạn bè khi mà tiếng cười, tiếng vỗ tay của các bạn trẻ cứ liên phanh chen vào. Một ông khách hết kiên nhẫn, bước đến nhắc khéo, nhờ các bạn “điều chỉnh âm lượng” cho phù hợp. Ông khách vừa quay lại bàn, nhóm bạn lại nói to hơn.
Tật nói to xuất hiện khá nhiều. Khổ nỗi, người có tật này lại thường xuyên “phô diễn” ở các nơi công cộng. Dù là đang ở cơ quan, trên xe buýt, thậm chí cả trong rạp chiếu phim, người có tật vẫn cứ oang oang như thường. Thứ “bệnh kinh niên” khó chữa này làm phiền đến nhiều người nhưng bản thân chủ nhân lại chẳng bận tâm về sự phiền phức đó. Môi trường sống yên tĩnh, trong lành của nhiều người bị phá vỡ là vì vậy.
Ứng xử một cách có văn hóa ở nơi công cộng là điều cần được chú trọng. Đó là một cách thể hiện sự văn minh, tôn trọng người khác và cộng đồng. Do đó, mỗi người cần phải tự nâng cao hơn nữa ý thức bản thân, quan sát và cảm nhận nhiều hơn để có được hành vi đúng mực. Song song đó, người lớn cần làm gương, chấn chỉnh và hướng dẫn cách ứng xử phù hợp để người trẻ có thói quen sống có văn hóa và văn minh.
HÀ THANH