Tạo việc làm cho người khuyết tật ở Vân Canh
Ðược làm việc, tự lực vươn lên trong cuộc sống là khát vọng chính đáng của người khuyết tật. Thấu hiểu tâm nguyện đó, Chi hội khuyết tật Niềm Tin (huyện Vân Canh) đã tổ chức nhiều hoạt động tạo việc làm cho người khuyết tật địa phương.
Từ năm 2008, Chi hội khuyết tật Niềm Tin mở nhiều lớp nghề cho người khuyết tật. Sau các lớp đào tạo nghề mộc dân dụng, làm chổi đót, sửa chữa máy tính, tin học..., gần đây, Chi hội phát triển mô hình đan lát thủ công. 40 người khuyết tật và người thân của người khuyết tật tham gia học nghề và làm việc đã có khoản thu nhập nho nhỏ để chăm lo cho gia đình.
Niềm vui việc làm
Chị Nguyễn Thị Thanh Xuân (46 tuổi, ở thôn Tân Quang, xã Canh Hiển) bị teo cơ bẩm sinh, đi lại khó khăn. Cuộc sống thêm phần vất vả khi con gái của chị (năm nay 14 tuổi) bị liệt 2 tay, 2 chân và mắc chứng co giật. Hằng ngày, ngoài chăm con, chị Xuân hầu như chẳng còn thời gian để làm thêm được việc gì. Chi phí sinh hoạt gia đình đều dựa vào chồng với nghề làm thuê, làm mướn.
Tháng 7.2014, chị Xuân quyết định tham gia lớp học đan lát do Trường Trung cấp nghề thủ công mỹ nghệ Bình Định mở lớp. Buổi tối, gửi con cho chồng, chị Xuân đến lớp học nghề. Học được vài tuần, chị đã có thể thực hành trên sản phẩm và kiếm được một khoản nho nhỏ. Chị và các học viên khác vui lắm! Hầu hết họ đều là người khuyết tật nhưng còn đôi tay khỏe, khéo léo. Sản phẩm làm ra sắc sảo không kém người bình thường.
“Sau 3 tháng học nghề, tôi tốt nghiệp và nhận hàng về làm tại nhà. Bận chăm con nên trung bình 2 đến 3 ngày, tôi mới làm xong một sản phẩm. Đến lúc giao sản phẩm, tôi nhận được 50 ngàn đồng/sản phẩm. Thu nhập vài trăm ngàn đồng/tháng cũng giúp tôi lo được tiền sữa, thuốc cho con. Chỉ mong ước sao, thời gian đến, tôi có được các dụng cụ như súng bắn đinh, khò phục vụ cho công việc. Bởi hiện tại, mỗi lần đến công đoạn dùng máy, tôi đều phải chạy qua nhà người có máy để dùng ké, khá bất tiện, tốn thời gian và khó chăm con”, chị Xuân tâm sự.
Học và làm ra sản phẩm hơn nửa năm nay, cô gái Phan Thị Như Hòa (19 tuổi) đang say sưa kể về niềm vui lao động. Hòa cho biết: “Vì tay em bị run nên phải 4 ngày, em mới đan xong một sản phẩm. Một tháng, em đan được nhiều nhất là 15 cái ghế thôi. Số tiền khoảng 750 ngàn đồng/tháng, em phụ mẹ trả tiền điện, mua sắm vài thứ cho bản thân và để dành. Đến nay, em đã dành dụm được 2 triệu đồng rồi”.
Thuyết phục doanh nghiệp
Để có được việc làm ổn định cho người khuyết tật trên địa bàn, Chi hội khuyết tật Niềm Tin đã nỗ lực trong xây dựng mối quan hệ và tạo Niềm Tin cho doanh nghiệp. Theo anh Khiêm, những ngày đầu, nhiều chủ doanh nghiệp lo ngại về việc người khuyết tật sẽ làm thất thoát, hư hao nguyên liệu. Để hạn chế mối nghi ngại ấy, tăng sự tin tưởng, lãnh đạo Trường Trung cấp nghề thủ công mỹ nghệ Bình Định đã “có lời” khẳng định về khả năng làm được việc và sự cẩn thận, tỉ mỉ của người khuyết tật với doanh nghiệp. Những sản phẩm đầu tiên được làm ra và bàn giao lại cho doanh nghiệp cũng chứng tỏ điều đó. Vậy nên, hiện nay, Chi hội khuyết tật Niềm Tin đã làm việc được với 4 doanh nghiệp trong lĩnh vực sản phẩm đan lát.
Trao đổi về những lao động khuyết tật đang nhận nguyên liệu và làm ra sản phẩm cho đơn vị mình, ông Cô Văn Đến, Giám đốc Công ty TNHH Châu Á (TP Quy Nhơn) có ý kiến: “Sản phẩm do người khuyết tật làm ra có phần chậm hơn so với lao động thường nhưng không kém phần sắc sảo. Đến nay, chúng tôi vẫn tin tưởng giao nguyên liệu cho nhóm người khuyết tật tại huyện Vân Canh. Đây cũng là một cách để chúng tôi giúp họ có việc làm và thu nhập, ổn định hơn cuộc sống”.
“Hiện nay, 2 nhóm đan lát (chủ yếu ở Canh Hiển và Canh Vinh) đang có công việc khá ổn định. Vì gặp khó khăn trong đi lại nên chúng tôi đã vận động người nhà của người khuyết tật hỗ trợ trong bốc dỡ nguyên liệu, chở nguyên liệu về điểm gia công và chở sản phẩm trở về điểm tập kết để có thể hạn chế thấp nhất chi phí cho bốc dỡ, vận chuyển, từ đây tăng thu nhập trên mỗi đơn vị sản phẩm cho người khuyết tật. Khó khăn lớn nhất hiện nay vẫn là thiếu các loại máy móc phục vụ trong quá trình đan lát để giúp người khuyết tật hạn chế di chuyển, tăng năng suất lao động”, anh Khiêm cho biết thêm.
Ngoài nghề đan lát thủ công, Chi hội khuyết tật Niềm Tin đang mở một lớp đào tạo nghề mộc mỹ nghệ. Có hai người khuyết tật đang theo học tại lớp. Ông Lê Văn Sứ (51 tuổi, ở xã Canh Hiển) - một trong hai thành viên của lớp, bị hư mắt phải - chia sẻ: “Học viên có thể kiếm được khoảng 40 ngàn đồng/ngày nhờ vào bán các sản phẩm mỹ nghệ nho nhỏ như gạt tàn thuốc...” .
Theo anh Nguyễn Trần Khiêm, hai thành viên đang theo học nghề mộc mỹ nghệ sẽ là nhân tố nguồn để sau này có thể nhân rộng nghề ra với nhiều người khuyết tật hơn. Thời điểm hiện tại, việc xây dựng mô hình mộc mỹ nghệ cho đông đảo người khuyết tật trên địa bàn là chưa thể. Bởi, hiện tại, Chi hội chưa tìm ra được nguồn nguyên liệu, đầu ra, lại thiếu nhiều máy móc, thiết bị. Kết nối được với doanh nghiệp, trang bị tương đối các máy móc cần thiết... đang là điều mong mỏi của Chi hội khuyết tật Niềm Tin để tạo thêm nhiều việc làm cho người khuyết tật.
NGUYỄN MUỘI