Còn mãi tiếng Pơ lơn khơn giữa đại ngàn
Nói đến các loại nhạc cụ của đồng bào các dân tộc miền núi, nhiều người thường nghĩ đến dàn cồng chiêng, tiếng đàn T’rưng..., riêng tôi - một người sống lâu năm ở vùng núi Hoài Ân, lại ấn tượng về một cây đàn mà đồng bào Bana luôn tự hào về nó: đàn Pơ lơn khơn.
Chuyện kể về cây đàn Pơ lơn khơn
Già làng Đinh Dăng (80 tuổi, ở làng O10 xã Đak Mang) kể rằng, từ thuở xa xưa, nơi đại ngàn này có một làng Bana do Già Pơ làm tộc trưởng. Ông luôn tự hào đã tìm được vùng đất trù phú cho dân làng sinh sống. Thế rồi, bao mùa rẫy đi qua, cứ tới mùa thu hoạch thì luôn bị lũ chim ác không biết ở đâu bay về phá sạch, dân làng thu không được bao nhiêu. Cái đói lại cứ quẩn quanh. Già Pơ đã nghĩ đủ mọi cách để đuổi lũ chim nhưng không thành. Già buồn chán và ý muốn dời làng.
Trong một đêm cúng Giàng, chếnh choáng cùng men rượu cần, Già Pơ nghe được lời của thần rừng mách bảo. Sáng dậy Già Pơ đã làm theo lời thần rừng dạy. Già cùng con cháu mỗi người cầm một thanh gỗ nhỏ gõ vào chân cầu thang nhà sàn, bỗng nghe từ đó phát ra tiếng vang vào vách núi lan xa, lan ra xa dần rồi vọng ngược trở về, âm điệu lúc trầm lúc bổng, lúc lại réo rắt du dương thật quyến rũ lòng người. Còn lũ chim ác hốt hoảng, nhốn nháo vụt cánh bay đi khỏi vùng rẫy của làng. Từ đó mùa màng của dân làng không bị lũ chim ác phá nữa, dần dần làng được ấm no, trù phú hơn… Cứ vậy, dân làng dùng những thanh gỗ loại cây này để làm dụng cụ đuổi chim muông, thú rừng giữ rẫy của mình luôn được mùa.
Qua nhiều đời, nhiều thế hệ, nhờ sự sáng tạo, bổ khuyết của con người, loại công cụ này được cải tạo thành nhạc cụ và được đồng bào đặt tên là Pơ lơn khơn.
Âm thanh núi rừng
Cây đàn Pơ lơn khơn có cấu tạo thật đơn giản. Theo ông Đinh Hơ Nao - một nghệ nhân làm đàn này ở làng O6 Đak Mang, cho biết: Cây đàn thường có 6 thanh, được gọi từ lớn đến nhỏ là thanh mẹ, chị, em, con, cháu, chắt. Khi làm đàn người ta phải chọn làm sao cho các thanh gỗ phải ở cùng một cây có tên là Lonhlay (tính từ gốc đến ngọn rồi mới đến nhánh). Thanh mẹ là đoạn dài nhất cỡ 150 cm, sau khi đã đẽo gọt thì đường kính còn 15 cm. Tiếp theo ngắn và nhỏ hơn thanh mẹ là thanh chị, rồi kế đó là thanh em, con, cháu, chắt…
Theo ông Đinh Hơ Nao, hiện nay ở Đak Mang người biết làm đàn không nhiều nhưng may là còn nhiều người biết chơi đàn. Lũ trẻ nghe tiếng đàn này cũng thích lắm, hiện ông đang chỉ dạy cho vài trẻ đam mê.
Anh Đinh Văn Ngớp, cán bộ văn hóa xã Bok Tới, cho biết: “Ở Bok Tới cũng còn nhiều người biết làm và chơi loại đàn Pơ lơn khơn, nhưng người chơi hay nhất hiện nay là Yá Chánh. Yá đã chơi loại đàn này từ khi bà 15 tuổi, đến nay đã hơn 80 tuổi nhưng ngón đàn của Yá vẫn còn quyến rũ lắm! Yá chẳng những đàn hay mà còn nhiều tâm huyết truyền dạy cho lớp trẻ giữ mãi tiếng đàn này!”.
Nghe tôi chuyển lại lời khen của cán bộ Ngớp, Yá Chánh cười ngượng nghịu nhưng đôi mắt lại ánh lên niềm vui: “Mình có giỏi gì đâu. Cán bộ Ngớp nó khen quá lời đấy! Mình chỉ biết là cái miệng mình nó thích hát từ khi biết nói. Cái tai mình thích nghe tiếng đàn của cha mình đuổi chim muông và thú rừng đến phá hoại cây trồng từ lúc nào mình không nhớ nổi. Khi mình 15 tuổi, mình đã được cha truyền dạy đánh và làm đàn Pơ lơn khơn rồi! Bây giờ mình sợ lớp trẻ nó mê cái đàn điện mà quên cái đàn Pơ lơn khơn nên mình cố thôi !”.
Điều Yá nói đúng thật, đã không ít hơn 20 lần liên tục tham gia biểu diễn đàn Pơ lơn khơn trong những ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc miền núi tỉnh, hội diễn văn hóa văn nghệ huyện Hoài Ân. Ở xã, ở làng hầu như tiếng đàn của Yá lúc nào cũng vang vọng, làm xúc động lòng người qua những tiết mục độc tấu, hòa tấu các bài dân ca Bana. Yá truyền dạy cho nhiều người biết đàn như A Bút, Đinh Khin, Đinh Khiêm trở thành những hạt nhân của đội văn nghệ quần chúng xã.
Gìn giữ và phát huy
Đàn Pơ lơn khơn là nhạc cụ không thể thiếu trong sinh hoạt văn hóa, đời sống tinh thần của người Bana ở Hoài Ân. Trong những dịp lễ hội của đồng bào Bana, Hre ở các xã vùng cao Hoài Ân, đàn Pơ lơn khơn hòa âm cùng với cồng chiêng, tiếng đàn Pơ ren, Tơ rưng và những làn điệu dân ca Bana, điệu ca lêu, ca choi trữ tình… tạo nên âm thanh vang vọng núi rừng.
Để tiếng đàn Pơ lơn khơn cùng các nhạc cụ dân tộc luôn vọng mãi trong đời sống, trong những năm qua, huyện Hoài Ân đã chú trọng việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc Bana, Hre thông qua tổ chức ngày hội Văn hóa - Thể thao cho các dân tộc 3 xã vùng cao trong huyện. Tuy nhiên, đó mới chỉ là cách để “giữ”, còn để phát triển thì cần sự quan tâm của nhiều cấp ngành, có chế độ khuyến khích động viên các nghệ nhân trong việc truyền dạy lại cách làm đàn, chơi đàn Pơ lơn khơn cho thế hệ mai sau.
VÕ CHÍ HÀ