Sáng mãi những cánh én anh hùng
Giữa những ngày vui nhân kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Đội Chim Én (Huyện đội Hoài Nhơn) được vinh dự đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Từ rất lâu, Đội Chim Én là niềm tự hào của người dân xứ dừa Hoài Nhơn nói riêng và đất Võ Bình Định nói chung.
Năm 1969, sau thất bại “chiến tranh cục bộ” ở chiến trường miền Nam, Đế quốc Mỹ chuyển sang chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” với các chiến dịch “bình định cấp tốc”. Lính Mỹ và Ngụy mở các cuộc càn quét lớn, dựng lên các khu dồn dân, củng cố bộ máy ngụy quyền và tổ chức bọn ác ôn kìm kẹp nhân dân, chống phá cách mạng. Đối phó với thủ đoạn mới của địch, ta chủ trương đẩy mạnh công tác diệt ác, phá ách kìm kẹp, phát triển du kích mật, an ninh mật, tự vệ mật, thành lập các đội quyết tử trong lòng địch với lực lượng chủ yếu là thiếu nhi hoạt động hợp pháp.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Cao Thắng (bên phải) trao danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho đội Chim Én, Huyện đội Hoài Nhơn. Ảnh: ÁNH NGUYỆT
Tại Hoài Nhơn, sau trận thiếu niên Huỳnh Văn Tuấn diệt được tên Thi (mật báo viên), tháng 7.1969, Ban chỉ huy Huyện đội giao nhiệm vụ cho hai đồng chí trợ lý quân báo Nguyễn Đức Tuận và Ngô Thành Đông xây dựng đội quyết tử quân nhỏ tuổi. Huyện đội Hoài Nhơn quyết định lấy ngày 22.12.1969 là ngày thành lập đội quyết tử quân nhỏ tuổi và đổi tên gọi thành đội Chim Én.
Tuổi nhỏ làm việc... lớn
Ông Nguyễn Đức Tuận, Đội trưởng đội Chim Én, nhớ lại: “Ngày đó, tất cả các em đang ở tuổi 12 đến 14. Nhưng lớn lên trên quê hương cách mạng, trong những gia đình giàu truyền thống yêu nước, lại chung lòng căm thù giặc, các em đều mạnh dạn tham gia đội khi được vận động. Vào đội chưa lâu thì các chiến sĩ nhỏ tuổi phải chịu nỗi đau lớn cùng với toàn Đảng, toàn quân, toàn dân - Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời. Nhớ lời Bác dặn, đội Chim Én quyết tâm “noi gương, nối chí Bác Hồ, lập công đền ơn Bác”, “thề quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh””.
Chiến công đầu tiên của đội Chim Én là tiêu diệt tên ác ôn khét tiếng Nguyễn Huân - trưởng ấp Ngọc An (xã Hoài Thanh) kiêm giám thị trại giam chi khu quận lỵ Tam Quan.
Sáng 14.3.1970, các đội viên Phạm Thị Đào, Võ Phước và Nguyễn Thị Yến trà trộn trong đám đông tại khu dồn dân ga Ngọc An tiếp cận mục tiêu. Đào đã bắn 3 phát súng, hạ gục tên Huân tại chỗ. Cùng lúc, Phước và Yến tung lựu đạn vào bọn tùy tùng và lính gác để yểm trợ cho Đào rút lui. Nhưng địch đã kịp phát hiện, nổ súng. Đào hy sinh. Phước và Yến bị bắt. Địch dùng mọi thủ đoạn để mua chuộc, dụ dỗ, tra tấn nhưng cả hai chiến sĩ đều không khai nửa lời. Bọn ác ôn lôi Phước và Yến ra bắn, rồi kéo lê xác trên quốc lộ, vùi xuống hố gần khu Sở Mỹ (thuộc xã Hoài Hảo).
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thị Thu Hà (bên trái) thăm gia đình Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Võ Phước nhân 40 năm giải phóng Bình Định.
Cùng ngày, Nguyễn Công Lịnh - một chiến sĩ của đội Chim Én - cũng phối hợp với du kích xã Hoài Thanh diệt gọn một hội đồng tề tại thôn Mỹ An và anh dũng hy sinh.
Tại lễ truy điệu và mai táng 4 chiến sĩ đã hy sinh, Huyện ủy và Huyện đội Hoài Nhơn đã phát động phong trào thi đua diệt ác theo gương của các thiếu niên quyết tử Chim Én. Ông Phạm Thái (55 tuổi, ở thôn Lâm Trúc 1, xã Hoài Thanh) - em trai liệt sĩ Phạm Thị Đào - vẫn nhớ rõ không khí tang thương xen lẫn quyết tâm trả thù cho đồng đội, đồng bào của các đội viên Chim Én và chiến sĩ ta trong giây phút ấy. Ông kể: “Sự hy sinh của chị tôi và đồng đội không làm đội Chim Én sờn lòng, sợ hãi. Các anh nắm chặt lấy tay tôi, bảo rằng: “Em cứ yên tâm. Các anh sẽ đánh trả bọn chúng để trả thù cho các em!””.
Lực lượng đội Chim Én được bổ sung và chia thành từng tổ (3-4 đội viên/tổ), liên tục mở rộng hoạt động khắp các xã phía Bắc huyện Hoài Nhơn và chi khu quận lỵ Tam Quan dưới sự chỉ huy của đồng chí Tuận và Đông. Tháng 4.1970, thiếu niên Lê Văn Thoại, Nguyễn Anh Sĩ, Võ Thanh Sơn tiêu diệt tên thiếu úy đại đội trưởng bảo an ở thôn Phụng Du (xã Hoài Hảo), thu được 1 súng AR15. Giữa tháng 6.1970, Sĩ, Sơn, Thoại tiếp tục diệt được một tên trung úy bảo an tại gò ông Ninh (xã Hoài Hảo), thu được một súng ngắn. Cuối tháng 6.1970, Võ Thanh Hồng, Nguyễn Văn Gia cùng Sơn, Sĩ diệt tên ấp phó an ninh tại Định Công (xã Hoài Mỹ).
Sang đầu năm 1971, Võ Thị Huy phối hợp với Sơn và Sĩ diệt tên Lại ác ôn ở xã Hoài Hảo. Tháng 2.1971, Sĩ và Sơn diệt tên Lê Ở, trung đội trưởng nghĩa quân ở Ngọc An (xã Hoài Thanh). Thừa thắng xông lên, Huy cùng Sĩ, Sơn và Võ Thị Liên diệt tên Ninh, phụ tá an ninh xã Hoài Thanh...
Bên cạnh nhiệm vụ diệt ác trừ gian, đội Chim Én còn làm liên lạc hợp pháp, theo dõi tình hình địch, trinh sát mục tiêu, tạo điều kiện cho các đơn vị bộ đội chủ lực, lực lượng vũ trang chống âm mưu “bình định”... Đến cuối năm 1971, đội Chim Én đã độc lập tác chiến, diệt 9 tên ác ôn, làm bị thương nhiều tên khác, phá 2 khu dồn góp phần đưa dân về làng cũ làm ăn. Thời điểm này, ngoài các đội viên đã thương vong trong chiến đấu, số đội viên còn lại đã đến tuổi trưởng thành và chuyển sang hoạt động bất hợp pháp, bổ sung lực lượng trinh sát Huyện đội, tham gia tác chiến ở nhiều mặt trận.
Ghi danh anh hùng
Với những hoạt động và chiến đấu góp phần xứng đáng vào thắng lợi của quân dân Hoài Nhơn nói riêng và Bình Định nói chung, đội Chim Én trở thành điển hình xuất sắc trong phong trào diệt ác phá kìm, nhổ dồn bức chốt những năm 1969 - 1972. Nhằm biểu dương thành tích của đội Chim Én, tỉnh ta đã đề nghị Nhà nước xét tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Ngày 27.4 vừa qua, thừa ủy nhiệm của Chủ tịch nước, đồng chí Phan Cao Thắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã trao danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho Đội thiếu niên diệt ác Chim Én. Khoảnh khắc này trở thành niềm tự hào với tất cả những thành viên đội Chim Én, với thân nhân đội Chim Én, nhân dân Hoài Nhơn và Bình Định.
Là một trong số những người thành lập, xây dựng lực lượng và chỉ huy đội Chim Én, ông Nguyễn Đức Tuận xúc động khi được tham dự Lễ đón nhận danh hiệu anh hùng. Ông chia sẻ: “Thật ý nghĩa khi 40 năm sau ngày thống nhất đất nước, chúng tôi được vinh dự đón nhận danh hiệu này. Chúng tôi tự hào vì những con người trẻ tuổi, gan dạ đã làm được những nhiệm vụ lớn lao vì Tổ quốc, vì quê hương. Đất nước ta, quê hương ta có nhiều anh hùng tuổi thiếu niên nhưng một đội thiếu niên được phong anh hùng thì hiếm lắm!”.
“Tinh thần diệt ác phá kìm, dám hy sinh vì Tổ quốc, dân tộc của những thiếu niên đội Chim Én, Huyện đội Hoài Nhơn xứng đáng được vinh danh Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Tự hào về thành tích này, thế hệ trẻ cần noi gương cha anh, sống, học tập và lao động xứng đáng là con em của những anh hùng”.
Ông NGUYỄN DUY QUÝ, Nguyên Quyền Bí thư Tỉnh ủy; Phó Bí thư Huyện ủy Hoài Nhơn và Chính trị viên Huyện đội Hoài Nhơn giai đoạn kháng chiến chống Mỹ.
Ngồi ở hàng ghế đại biểu, nhiều thành viên của đội Chim Én cùng chung một cảm giác xúc động, bồi hồi. Đã 45 năm kể từ ngày vào đội quyết tử quân nhỏ tuổi, những người còn sống nay đã lên chức ông, chức bà. Nhưng tại giây phút đáng tự hào ấy, những mái đầu hoa râm thấy mình trẻ lại. Ông Võ Thanh Sơn bảo: “Gặp lại nhau, 10 anh em còn sống vẫn đoàn kết, thân tình. Chúng tôi sống lại những ngày thiếu niên, cùng đồng đội đi diệt tề, ác ôn và hạnh phúc vỡ òa khi những chiến công, những hy sinh của một thời trẻ tuổi, vô tư, quả cảm đã được ghi nhận”.
Sống mãi trong lòng quê hương
Những ngày tháng Tư lịch sử, về với Hoài Nhơn, trò chuyện với những nhân chứng sống của đội Chim Én, chúng tôi chợt thấm thía những câu thơ của Tố Hữu: “Ôi Việt Nam xứ sở lạ lùng/ Đến em thơ cũng hóa những anh hùng”. Góp phần dệt nên chiến thắng của Mùa xuân năm 1975 có những cánh én bé nhỏ của xứ dừa Hoài Nhơn. Tên tuổi và chiến công của đội Chim Én trở thành những tấm gương sáng, sống mãi trong lòng quê hương, dân tộc.
Và như Bác Hồ từng nói: “Trẻ con anh hùng chứng tỏ cả dân tộc anh hùng”, đội Chim Én góp thêm dấu son, khẳng định truyền thống yêu nước, ngoan cường, anh hùng của dân tộc ta.
NGUYỄN MUỘI