Nạn khai thác cát trái phép trên sông Hà Thanh:
Hoạt động rầm rộ, xử lý “gọi là”?
Dù chính quyền địa phương và các ngành chức năng đã tổ chức ngăn chặn, nhưng tình hình khai thác cát trái phép trên sông Hà Thanh (đoạn đi qua xã Phước Thành, huyện Tuy Phước) vẫn rầm rộ và công khai. Thực trạng này không khỏi làm người dân hoài nghi: Phải chăng các cấp chính quyền địa phương cùng ngành chức năng của huyện Tuy Phước đã “bó tay”?
Xe tải đang “ăn” cát trên sông Hà Thanh đoạn qua thôn Bình An, xã Phước Thành (ảnh chụp lúc 17 giờ 40 ngày 24.4).
Bến sông lại bị “móc ruột”
Lúc 17 giờ ngày 24.4, chúng tôi có mặt tại bờ sông Hà Thanh (xóm 2, thôn Bình An và Cảnh An 1, xã Phước Thành) để “mục sở thị” nạn khai thác cát trái phép đang diễn ra ồ ạt nơi đây. Dù đã xế chiều, nhưng dưới lòng sông vẫn còn khá nhiều xe tải lớn nhỏ, xe độ chế với hàng chục công nhân đang mải miết “móc ruột” lòng sông để lấy cát. Nhiều đoạn mép sông do bị khai thác cát quá mức đã tạo thành những hố nước sâu ngập cả đầu người, lòng sông cũng nham nhở vết xe cơ giới trên các bờ đắp tạm để vận chuyển cát. Hai bên bờ sông nhiều đoạn bị sạt lở, xâm thực vào các khu dân cư.
Ông T.H, một người dân ở thôn Bình An, xã Phước Thành, xót xa: “Tình trạng mạnh ai nấy khai thác cát vô tội vạ trên sông Hà Thanh đã có từ lâu, nhưng rầm rộ như thế này thì kéo dài đã 2 - 3 tháng nay. Mỗi ngày ở đoạn sông này có chừng 50 lượt xe đến lấy cát đi. Lúc đầu họ lấy ở giữa sông, rồi tiến sát vào gần bờ, gây ra nhiều hố sâu nguy hiểm. Dân kêu khan cả hơi nhưng chẳng thấy ai kiểm tra, ngăn cấm!”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, quy hoạch mỏ cát, những vị trí có thể khai thác cát không có đoạn sông này. Việc tùy tiện khai thác cát trái phép, bừa bãi đã tạo nên những hậu quả hết sức tai hại.
Trước tiên, việc tập trung khai thác cát một chỗ đã tạo nên những hố sâu, trở thành những cái bẫy rất nguy hiểm. Nhưng tác hại lớn và lâu dài của việc khai thác cát bừa bãi là làm thay đổi dòng chảy, tạo nên những dòng xoáy bất thường, gây nguy cơ sạt lở bờ sông, nguy hại đến các khu vực dân cư và các công trình khác.
Lẽ nào “bó tay” mãi?
Vì sao nạn khai thác cát khá bừa bãi trên sông Hà Thanh cứ tái diễn, dù cử tri ở địa phương nhiều lần kiến nghị các ngành chức năng của huyện và tỉnh cần có biện pháp ngăn chặn?
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Thành Đạt, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Thành, thừa nhận: Hệ lụy từ việc khai thác cát trái phép trên sông Hà Thanh thời gian qua là rất rõ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến dòng chảy của sông, làm xâm thực đến vườn tược của dân. Nhưng nói thật là cấp xã như chúng tôi thì đành “bó tay”, không thể ngăn chặn và xử lý dứt điểm được (!?).
Cũng theo ông Đạt, để ngăn chặn tận gốc nạn khai thác cát trái phép trên sông Hà Thanh, cần phải có sự ra tay quyết liệt, thường xuyên từ cấp tỉnh và huyện. Cần xử lý “mạnh tay” đối với các đối tượng cố tình vi phạm. Bởi thời gian qua, xã cũng đã cố gắng làm hết sức mình để ngăn chặn vấn nạn này nhưng hiệu quả thấp, ngăn chặn nơi này, thì họ chuyển đến nơi khác. Thẩm quyền của cấp xã chỉ dừng lại ở mức xử phạt hành chính nên không thể ngăn chặn hiệu quả.
Trong khi đó, ông Huỳnh Thanh Phương, chuyên viên Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Tuy Phước, cho rằng: “Về mặt quản lý Nhà nước, để xảy ra tình trạng kể trên là lỗi của chính quyền sở tại. Thực tế, thời gian qua, việc quản lý của địa phương bộc lộ nhiều bất cập, lỏng lẻo; đáng chú ý, công tác thanh, kiểm tra chưa được xã duy trì thường xuyên và việc xử lý khi phát hiện vi phạm cũng chưa kiên quyết”.
Mặc dù, vấn nạn khai thác cát trái phép trên sông Hà Thanh diễn ra rầm rộ và công khai từ đầu năm 2015 đến nay; song qua… nhiều lần ra quân kiểm tra, UBND xã Phước Thành cũng chỉ xử lý được 3 trường hợp vi phạm với số tiền hơn 5 triệu đồng.
Ông Phương cho biết thêm: Để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý triệt để nạn khai thác cát trái phép trên sông Hà Thanh, Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước đã quyết định thành lập Tổ kiểm tra liên ngành để tổ chức kiểm tra đột xuất tại hiện trường. Hiện nay, công tác này đang được Tổ kiểm tra duy trì thường xuyên. Tuy nhiên, khi tổ công tác ra quân thì các đối tượng khai thác cát dừng hoạt động, nhưng sau khi tổ công tác rút đi, mọi hoạt động tái diễn trở lại! Không những thế, đối tượng khai thác cát trái phép phần lớn là lao động có gia cảnh khó khăn, họ khai thác chủ yếu bằng thủ công nên việc bắt và xử lý cũng gặp nhiều khó khăn.
Có một điểm mà cả cán bộ huyện lẫn cán bộ xã cùng ta thán ấy là - việc ngăn chặn nạn “cát tặc” quá khó khăn! Trong khi đó, theo nhiều người dân thì cả chính quyền xã và ngành chức năng của huyện Tuy Phước đều chưa làm hết trách nhiệm. Theo họ, lãnh đạo huyện nên tự mình xuống cơ sở nắm chắc tình hình thực tế. Chỉ khi nắm chắc và chính xác thực tế thì mới có cơ sở triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Bên cạnh việc ra quân chốt chặn tại những khu vực các đối tượng khai thác cát trái phép, lực lượng chức năng phải chốt chặn tại con đường độc đạo từ bãi cát dẫn đến QL 1A để bắt giữ, xử lý những xe vận chuyển cát khai thác trái phép đưa đi tiêu thụ. Theo suy nghĩ mà nhiều người dân tâm tư, nạn khai thác cát trái phép ở khu vực này rầm rộ, công khai là vậy mà chính quyền và ngành chức năng cứ để kéo dài quá lâu, ắt là có chuyện bất thường trong ngặn chặn và xử lý.
TRỌNG LỢI