Cuộc thi Nghệ thuật Sân khấu Tuồng và Dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc năm 2013:
Dấu ấn Bình Định
tại cuộc thi Nghệ thuật Sân khấu Tuồng và Dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc năm 2013 đang diễn ra tại Quảng Nam, hai đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp của Bình Ðịnh đã tạo được dấu ấn riêng đối với khán giả và các bạn nghề.
Diễn ra từ 18-26.5, Cuộc thi Nghệ thuật Sân khấu Tuồng và Dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc năm 2013 thu hút 11 đơn vị tham gia với 15 vở diễn (6 vở ca kịch và 9 vở tuồng). Không phải liên hoan, hội diễn kiểu “ai cũng có phần”, cuộc thi này là một “đường đua” thực sự.
Đua tài
Tính đến hết ngày 22.5, đã có 7 đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp thể hiện 8 vở diễn. Vở diễn nào cũng có cái hay, cái đáng xem, đáng học hỏi, nhưng thực sự nổi bật, được bạn nghề đánh giá cao thì rất ít. Với hai đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp Bình Định, vở “Đêm sáng phương Nam” (tác giả Văn Trọng Hùng, Đoàn Thanh Tâm) và “Khúc ca bi tráng” (kịch bản văn học Văn Trọng Hùng, chuyển thể dân ca Đoàn Thanh Tâm) dù nói về thời kỳ phong trào Tây Sơn phát triển mạnh với chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút, hay ở giai đoạn lụi tàn của một triều đại oai hùng cũng đều chuyển tải tư tưởng nhân văn, một góc nhìn riêng của hậu thế đối với lịch sử. Điểm chung của góc nhìn ấy là đề cao vai trò nhân dân, lấy nhân dân làm nền tảng để xây dựng và bảo vệ đất nước, đề cao những người tướng lĩnh có tài và có tâm vì dân vì nước, dù họ “phò chúa” nào, xây dựng tinh thần hòa hợp đoàn kết dân tộc. Đây là góc nhìn nghệ thuật mang chiều sâu tư tưởng mà ít kịch bản vở diễn dự cuộc thi lần này có được.
“Chọn viết kịch bản và dàn dựng về các nhân vật lịch sử là chấp nhận thử thách với các đề tài khó và đòi hỏi phải có sự “cao tay”. So với tốc độ của một vở diễn ca kịch truyền thống, “Khúc ca bi tráng” nhanh và có nhiều chi tiết được khai thác rất đắt, chuyển tải rõ nét tâm lý nhân vật và chủ đề tư tưởng chung. Vở diễn được dàn dựng công phu và thực sự gây xúc động. Tôi rất thích đoạn cuối vở diễn, khi mọi người về thế giới bên kia thì mọi thứ đều được cởi bỏ. Điều còn lại cuối cùng chỉ là vì dân…”.
Nhà thơ, nhà báo ÐẶNG HUY GIANG, Ủy viên Hội đồng Thơ Việt Nam
“Vở diễn “Khúc ca bi tráng” đã thành công với những thể nghiệm mới, diễn xuất của các diễn viên xuất sắc. Dù có đạt huy chương hay không, tôi thấy Đoàn cũng đáng tự hào vì không phụ sự tin tưởng của các cấp lãnh đạo và nhân dân trong việc khẳng định bề dày truyền thống, chất lượng cao của nghệ thuật bài chòi Bình Định”.
Ông TRẦN VĂN TỚI, nguyên Trưởng Ðoàn Ca kịch Bài chòi Bình Ðịnh
Hai đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp của Bình Định đều được sắp lịch diễn vào buổi sáng, nên phải chờ đoàn diễn tối hôm trước xong mới tiếp quản sân khấu hội trường Trung tâm Văn hóa tỉnh Quảng Nam. Chuyển đạo cụ, lắp đặt trang thiết bị, cảnh trí sân khấu xong thì cũng đã 2 giờ sáng.
Nhà hát tuồng Đào Tấn đã biểu diễn thành công vở “Đêm sáng phương Nam” vào sáng 19.5, chuyển tải tốt quá trình chinh phục lòng dân của anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ và các tướng lĩnh nhà Tây Sơn. NSND Minh Ngọc đã hóa thân vai diễn Nguyễn Huệ rất xuất sắc, lột tả chiều sâu những cung bậc nội tâm đầy tính nhân văn, bản lĩnh của một vị tướng tài đức vẹn toàn. Vai diễn Lưu Phước Trung của NSND Xuân Hợi thành công khi lột tả được một nhân vật “ngu trung” phải chịu nhiều đau đớn, giằng xé nội tâm. Vai diễn Tổng Ngưu của nghệ sĩ Đoàn Thanh Tâm gây ấn tượng cho người xem về một nhân vật hèn hạ, gian xảo...
Cụ Hà Phước Toàn, 83 tuổi, ở TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, nhận xét: “Quảng Nam cũng là vùng đất hâm mộ tuồng, có nhiều đoàn tuồng không chuyên phát triển trước đây. Xem nhiều vở diễn từ đầu cuộc thi, mới thấy vở diễn của Nhà hát tuồng Đào Tấn rất hay, cách diễn, cách hát của các diễn viên Bình Định cũng ở trình độ cao”.
Sáng 22.5, vở diễn “Khúc ca bi tráng” của Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định đã thu hút lượng khán giả đông nhất so với các buổi sáng trước đó. Vở diễn đã gây ấn tượng mạnh cho người xem bằng sự đồng điệu giữa NSND Hoài Huệ và họa sĩ Hoàng Phong để thể nghiệm ý tưởng mới: không tắt đèn chuyển cảnh, chỉ có những bức tường thành chuyển động linh hoạt, phục vụ rất hiệu quả cho những cảnh diễn trong tiếng hát hậu trường và dàn đồng ca.
Lao tâm khổ tứ với vai trò đạo diễn, nhưng NSND Hoài Huệ vẫn chứng tỏ được bản lĩnh của một “nghệ sĩ lớn” khi hoàn thành xuất sắc vai diễn Võ Tánh đầy chất anh hùng, thương dân, thương binh sĩ. Diễn viên trẻ Hoài Tâm được đánh giá cao khi “vượt lên chính mình” hát chuẩn hát hay, diễn xuất rất tốt nhân vật Trần Quang Diệu đầy khí phách. Các vai diễn Ngô Tùng Châu (NSƯT Tấn Hào), Bùi Thị Xuân (NSƯT Băng Châu), Ngọc Du (NSƯT Hồ Thu) cũng đã lột tả thành công nhân vật, nhận được những tràng pháo tay tán thưởng của người xem.
Đoạn cuối vở diễn, đông đảo khán giả và cả ban giám thảo đã cùng lặng im để rồi vỗ tay tán thưởng “cái kết vĩ thanh”, khi Trần Quang Diệu và Võ Tánh sau mấy trăm năm đã gặp lại ở thành Hoàng Đế, cùng uống rượu bình thơ, ngắm trăng trong nỗi niềm đồng cảm: “Cả một đời vì trăm họ giang sơn. Dẫu khác chúa nhưng không khác lòng yêu dân yêu nước. Trải năm tháng những gì mất được, mặc đời sau thiên hạ luận bàn”.
HOÀI THU
Nói chung tên tiêu đề cho vở dân ca rất hay,nội dung vở diễn nếu hiểu theo góc độ lịch sử Võ Tánh là một tướng tài của quân Nguyễn, cho nên Gia Long thà hy sinh lính nhưng quyết phá vây cứu Võ tánh và Ngô Tùng Châu. Võ Tánh nhắn ra cho Gia Long thà hy sinh một mình tôi mà ccứu được giang sơn, ông hiến kế cho Gia Long nhân quân Tây Sơn đang tập trung tại đây ắt Phú Xuân bỏ trống, nhân cơ hội này kéo quân đánh lấy, Chúa Nguyễn nghe theo và lấy Phú Xuân một cách dễ dàng. Trận hãm Thành của Trần Quang Diệu đã bị Võ Tánh lợi dụng. Biết Trần Quang Diệu xuất thân là đứng đầu thảo khấu, là bậc quân tử nên trọng chữ tín nên ra điều kiện nếu mở cửa thành Trần Quang Diệu phải tha tôi chết cho đám thuộc hạ của ông, khi nhận được tin Trần Quang Diệu giữ lời với mình ông ta và Ngô Tùng Châu không đầu hàng mà lên dàn tự thiêu. Quân lính được tha về quê quán. Tây Sơn bị mắc mưu này mà mất rồi từ đó đại bại .Thực chất Trần Quang Diệu bị Võ Tánh lừa mà thôi.