Tăng cường bảo vệ nguồn lợi thủy sản đầm Thị Nại
Những năm qua, các ngành chức năng và chính quyền các xã ven đầm Thị Nại thuộc huyện Tuy Phước, đã có nhiều nỗ lực bảo vệ nguồn lợi thủy sản (BVNLTS), từng bước thực hiện quản lý, giám sát, tuần tra, kiểm soát chống các hoạt động khai thác thủy sản bằng nghề cấm theo quy chế UBND tỉnh ban hành. Trong đó, Hội đồng điều hành liên xã (HĐĐHLX) quản lý BVNLTS đã hoạt động tương đối tích cực.
Đầm Thị Nại là đầm nước lợ - mặn nhiệt đới có diện tích 5.060 ha, là nơi hợp lưu 2 con sông lớn là Hà Thanh và sông Côn, rồi đổ ra biển đông, nổi tiếng là “vườn ươm” các loài thủy sản. Việc bảo vệ môi trường sinh thái vùng đầm là vô cùng cấp bách nên năm 2004 huyện Tuy Phước đã thành lập Đội phòng chống xung điện xiếc máy (XĐXM) và năm 2010 thành lập HĐĐHLX quản lý BVNLTS Bắc đầm Thị Nại gồm các xã: Phước Thuận, Phước Sơn, Phước Hòa và Phước Thắng, duy trì hoạt động cho đến nay.
Ông Lê Duy Trinh, Chủ tịch HĐĐHLX nhiệm kỳ 2013-2014, cho biết: Một nhiệm kỳ hoạt động của HĐĐHLX là 2 năm và từng địa phương thay nhau làm Chủ tịch luân phiên. Được sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của UBND huyện, sự hỗ trợ hoạt động của Hiệp hội thủy sản và Chi cục Khai thác BVNLTS tỉnh, 2 nhiệm kỳ qua, công tác tổ chức được kiện toàn, HĐĐHLX hoạt động ít nhiều có hiệu quả. Hiện HĐĐHLX có 4 nhóm đồng quản lý BVNLTS, mỗi xã có 10 thành viên, riêng xã Phước Sơn địa bàn rộng nên có 12 thành viên. Hàng năm các nhóm đồng quản lý đều xây dựng kế hoạch hoạt động và trình UBND địa phương phê duyệt, hàng tháng họp định kỳ, nắm bắt các vấn đề nổi cộm kịp thời phản ảnh lên HĐĐHLX để báo chính quyền địa phương và Trạm BVNLTS huyện xử lý.
Trong 2 năm 2013 - 2014, HĐĐHLX đã xử lý 128 đối tượng, tháo dỡ 128 công trình lấn chiếm mặt nước với diện tích 200 ha, ngăn chặn 28 trường hợp tái lấn chiếm mặt nước nuôi thủy sản trái phép; phối hợp với Đội phòng chống XĐXM huyện và Chi cục Khai thác BVNLTS tỉnh tuần tra 74 lần, tạm giữ 5 ghe XĐXM, 2 máy kích điện bằng tay, 4 máy hút phễnh; xử lý phạt hành chính 18 đối tượng, nhắc nhở 9 trường hợp sử dụng lưới lồng khai thác thủy sản…
Bên cạnh đó, HĐĐHLX còn tổ chức 104 lần họp dân lồng ghép tuyên truyền các quy định về quản lý, BVNLTS, quy ước cộng đồng về khai thác bền vững NLTS Bắc đầm Thị Nại, Quyết định số 13 của UBND tỉnh bổ sung 2 nghề: bơm hút thủy sản (hút phễnh) và lưới lồng vào danh mục nghề cấm khai thác thủy sản, từ đó vận động nhân dân không tổ chức khai thác các nghề cấm dẫn đến vi phạm pháp luật; đã có hơn 3.063 người tham dự các buổi tuyên truyền. Qua đó, vận động chuyển đổi nghề 90 hộ (Phước Thuận 33 hộ hành nghề XĐXM, Phước Sơn 27 hộ hành nghề xung điện cầm tay, Phước Hòa 30 hộ hành nghề lưới lồng), 38 hộ ký cam kết chuyển đổi nghề và có 16 hộ hành nghề lưới lồng đã chuyển đổi nghề.
Tuy vậy, các đối tượng vi phạm pháp luật chưa dễ dàng từ bỏ nghề; trong khi đó, các chế tài xử lý chưa thật sự hiệu quả và thỏa đáng, chỉ dừng ở mức tuyên truyền và nhắc nhở, nên trong thực tế nghề cấm có xu hướng tái diễn.
Trong thời gian đến, ngành chức năng, chính quyền các địa phương ven đầm cần hỗ trợ mạnh cho HĐĐHLX hoạt động hiệu quả hơn nữa, đồng thời cần có giải pháp lâu dài chống nghề cấm kể cả tháo dỡ, xử lý, tịch thu, tiêu hủy các phương tiện đánh bắt thủy sản có tính chất hủy diệt; kết hợp kiểm soát phương tiện tại bến bãi, xử lý đến nơi, đến chốn các đối tượng vi phạm mới mong ngăn chặn rốt ráo nghề cấm tồn tại dai dẳng, hủy hoại nguồn lợi thủy sản hàng chục năm qua.
TRIỀU CHÂU