Nhập nhằng vụ tranh chấp đất rừng
Cho rằng gia đình ông Trần Văn Hảo, SN 1966, trú ở thôn Vạn Hòa, xã Ân Hảo Ðông, huyện Hoài Ân tìm cách hợp thức hóa giấy tờ, tư lợi trên vùng đất do người dân khai hoang, vỡ hóa, nhiều hộ dân địa phương gửi đơn khiếu nại đến ngành chức năng đề nghị kiểm tra, xử lý.
Đất thuộc rừng phòng hộ thành đất sản xuất (!)
Một số hộ dân ở thôn Vạn Hòa, xã Ân Tường Đông, trình bày: Khoảng năm 1980, họ cùng nhau khai hoang, canh tác trên vùng đất có tục danh Hố Nứa - nay là thửa đất 459, khoảnh 12a, tiểu khu 55, tờ bản đồ số 1 thuộc thôn Vạn Hòa, xã Ân Hảo Đông để trồng mì, chuối nhằm cải thiện đời sống kinh tế.
Đến năm 1984, khi Nhà nước có chủ trương xây dựng hồ chứa nước Hội Long, UBND xã Ân Hảo (nay là hai xã Ân Hảo Đông và Ân Hảo Tây) ra thông báo: Người dân địa phương không được sản xuất tại vùng đất trên nhằm phát triển thành rừng phòng hộ, giữ nước cho hồ chứa, chống sự xói mòn làm bồi lấp lòng hồ.
Chấp hành chủ trương này, người dân giao toàn bộ diện tích đất khai hoang, vỡ hóa để trồng rừng tái sinh. Thế nhưng, đến năm 2004, ông Trần Văn Hảo lại được ngành chức năng cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất tại vùng đất thuộc diện tích đất rừng phòng hộ (nơi người dân đã khai hoang trước đây) và đưa nhân công vào đốt dọn thực bì để trồng keo lai.
“Vùng đất đang tranh chấp giữa các hộ dân khiếu nại và gia đình ông Trần Văn Hảo là đất thuộc rừng phòng hộ, theo bản đồ địa chính của chính quyền địa phương. Hiện, UBND xã Ân Hảo Ðông đang gửi văn bản đề nghị UBND huyện Hoài Ân thu hồi Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất của gia đình ông Hảo hoặc có hướng xử lý kịp thời nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng, công bằng xã hội cho các bên có liên quan”.
Ông NGUYỄN ÐÌNH HƯNG, Chủ tịch UBND xã Ân Hảo Ðông
Sau khi khai thác được 2 đợt, ông Hảo vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ người dân địa phương vì họ cho rằng đây là vùng đất cấm canh tác, sản xuất. Quá bức xúc, vào ngày 2.5.2014, ông Nguyễn Văn Mười (SN 1955), ông Nguyễn Thành Danh (SN 1957), ông Đặng Thành Hóa (SN 1956), đều là người dân trú ở thôn Vạn Hòa, xã Ân Hảo Đông nhổ một số cây keo mới trồng và ngăn cản không cho nhân công do gia đình ông Hảo thuê làm việc.
Lý giải trước sự việc trên, ông Nguyễn Văn Mười trần tình: “Chúng tôi đổ nhiều mồ hôi, công sức để khai hoang vùng đất này, rồi khi Nhà nước có chủ trương thu hồi thì người dân đều chấp hành theo. Thế mà đùng một cái, ông Hảo lại được lấy không vùng đất mà chúng tôi đã nhọc công khai hoang. Theo tôi, việc cấp đất thuộc rừng phòng hộ là không đúng theo quy định của pháp luật. Chúng tôi rất mong các cấp có thẩm quyền kiểm tra, xem xét lại vụ việc để đảm bảo công bằng”.
Cần giải quyết “thấu tình đạt lý”
Ngày 9.6.2014, UBND xã Ân Hảo Đông có buổi làm việc giữa ông Trần Văn Hảo và các hộ dân có liên quan.
Theo đó, ông Hảo trình bày, thửa đất mà gia đình ông đang canh tác được UBND huyện Hoài Ân cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất ngày 21.6.2014, số 01640 và số 01642 với tổng diện tích hơn 6,6ha; khi nào ngành chức năng có văn bản thu hồi diện tích đất lâm nghiệp trên thì gia đình ông chấp hành, còn hiện tại gia đình ông đang canh tác, sản xuất hợp pháp. Còn các hộ dân thì đề nghị ngành chức năng thu hồi đất đã giao quyền cho gia đình ông Hảo.
Kết thúc buổi làm việc, ông Nguyễn Hữu Tứ, Phó Chủ tịch UBND xã Ân Hảo Đông, kết luận: Diện tích đất lâm nghiệp đang tranh chấp thuộc diện tích rừng phòng hộ. Để giải quyết vụ việc, trước mắt các bên có thể tự hòa giải, thỏa thuận, không để xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp. Ngoài ra, trong thời gian tranh chấp, hai bên không được canh tác, sản xuất tại vùng đất trên. Nếu hai bên vẫn không đạt được thỏa thuận thì có quyền khiếu nại đến cơ quan thẩm quyền cấp trên.
Không thống nhất với kết luận trên, ông Trần Văn Hảo gửi đơn khởi kiện các hộ dân đến TAND huyện Hoài Ân để yêu cầu chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật.
Ngày 13.2.2015, TAND huyện Hoài Ân tuyên bản án số 05/2015/DS-ST công nhận đất đã giao quyền cho gia đình ông Hảo sử dụng là đúng mục đích, tại thời điểm được giao đất (năm 2004) không có người dân nào phản đối, tranh chấp và chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn.
Ông Đặng Thành Hóa, một trong những hộ dân khiếu nại, cho rằng: “Nếu gia đình ông Hảo được canh tác, sản xuất được tại vùng đất thuộc rừng phòng hộ thì người dân chúng tôi cũng vào khai thác được. Chẳng mấy chốc, lòng hồ chứa nước bị bồi lấp, rồi nước cung cấp cho sinh hoạt, nước tưới cho sản xuất của hàng ngàn hộ dân trong địa phương cũng không còn”. Hiện, các bị đơn là các ông Nguyễn Văn Mười, Nguyễn Thành Danh, Đặng Thành Hóa tiếp tục làm đơn kháng cáo gửi TAND tỉnh để yêu cầu phúc thẩm.
Thiết nghĩ, trong vụ việc này, cơ quan tòa án và chính quyền nên kiểm tra, xem xét lại việc cấp đất cho hộ cá nhân canh tác, sản xuất trên đất rừng phòng hộ như ở trên là có phù hợp không.
PHÚC LỘC
Có lẽ có sự chia chát giữa cán bộ cấp lâm bạ và gđ ông Hảo mới xảy ra tình trạng như vậy. Thử hỏi nếu là rừng phòng hộ được nhà nước quản lý thì làm sao có chuyện cấp lâm bạ cho hộ cá nhân sản xuất? Cần xử lý cán bộ đã cấp sai lâm bạ.