Lễ hội Làng Sen – điểm nhấn tháng 5
Thành phố Vinh đã sẵn sàng cho các hoạt động Lễ hội Làng Sen.
* Ông có thể cho biết những hoạt động do Cục Văn hóa Cơ sở trực tiếp, hoặc phối hợp cùng các đơn vị thực hiện trong dịp kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại?
- Trong chuỗi chương trình hoạt động kỷ niệm 125 Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, không thể không nói đến Lễ hội Làng Sen, sẽ diễn ra từ ngày 16 đến 19-5 tại TP Vinh, tỉnh Nghệ An. Từ ý tưởng tổ chức Tiếng hát Làng Sen do UBND tỉnh Nghệ Tĩnh đề xuất (tháng 2-1982, Bộ trưởng Bộ Văn hóa khi đó là ông Nguyễn Văn Hiếu đã đồng tình), những người khởi xướng đã hằng mong muốn Tiếng hát Làng Sen sẽ trở thành "Lễ hội Làng Sen". Cứ như vậy, hằng năm, tỉnh Nghệ Tĩnh đã tổ chức Tiếng hát Làng Sen. Để chuyển Tiếng hát Làng Sen trở thành Lễ hội Làng Sen, tháng 3-1989, Nhà văn hóa TƯ (đồng chí Phùng Xuân Bính là giám đốc) đã phối hợp với UBND tỉnh Nghệ Tĩnh thí điểm tổ chức Lễ hội Làng Sen lần đầu tiên tại xã Kim Liên, huyện Nam Đàn với nội dung hoạt động chủ yếu là Tiếng hát Làng Sen. Đến năm 1990, nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh nhật Bác, được sự đồng ý của Bộ Văn hóa, UBND tỉnh Nghệ Tĩnh phối hợp với Nhà văn hóa TƯ tổ chức Lễ hội Làng Sen toàn quốc lần thứ nhất. Kể từ đó, cứ 5 năm một lần, Lễ hội Làng Sen lại được tổ chức với phạm vi toàn quốc. Và trong Lễ hội Làng Sen không thể không có Tiếng hát Làng Sen. Năm nay, Bộ VH-TT&DL đã giao Cục Văn hóa Cơ sơ chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Nghệ An tổ chức Lễ hội Làng Sen. Trong đó, Cục Văn hóa Cơ sở phối hợp với Sở VH-TT&DL tỉnh Nghệ An tổ chức Liên hoan Tiếng hát Làng Sen năm 2015. *Ông có thể chia sẻ thêm thông tin về Liên hoan Tiếng hát Làng Sen năm nay? - Như đã phân tích, Liên hoan toàn quốc "Tiếng hát Làng Sen" lần đầu tiên được tổ chức vào năm 1982, sau đó, Liên hoan được nâng cấp thành Lễ hội Làng Sen, tổ chức hằng năm theo quy mô cấp tỉnh, và 5 năm một lần phạm vi toàn quốc. Trong Lễ hội Làng Sen, Liên hoan Tiếng hát Làng Sen vẫn được duy trì, tạo ra điểm nhấn mỗi dịp kỷ niệm sinh nhật Bác Hồ, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị tư tưởng, văn hóa Hồ Chí Minh. Hiện tại đã có 30 tỉnh, thành phố đăng ký tham gia chương trình với chủ đề ca ngợi Đảng, Bác Hồ, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh thông qua các thể loại ca, múa, nhạc… Chương trình sẽ diễn ra từ ngày 17 đến 19-5 tại Nhà văn hóa Lao động tỉnh Nghệ An. * Được biết Cục Văn hóa Cơ sở cũng đã tổ chức cuộc thi sáng tác tranh cổ động chào mừng kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, thưa ông? - Cục Văn hóa Cơ sở là đơn vị phát động cuộc thi, qua đó, BTC đã tuyển chọn các tác phẩm, làm đĩa CD gửi các Sở VH-TT&DL địa phương làm tư liệu tuyên truyền. Trung tuần tháng 5, tại Nghệ An, triển lãm tranh cổ động tấm lớn tuyên truyền kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng sẽ được tổ chức… * Đây là những pano tranh cổ động tấm lớn, nên rất cần có sự chọn lọc kỹ càng để đạt được hiệu quả tuyên truyền? - Chúng tôi muốn nhấn mạnh: Nguồn tư liệu do Cục Văn hóa Cơ sở cung cấp rất phong phú, nhưng tuyển chọn tranh nào, hình ảnh nào, các nhà quản lý địa phương cần có sự chọn lựa phù hợp với nhiệm vụ chính trị của địa phương để đạt hiệu quả, mục đích của từng đợt tuyên truyền.
* Bên cạnh đó, sẽ còn rất nhiều hoạt động văn hóa hấp dẫn được tổ chức dịp này…?
- Đúng vậy. Có thể kể đến chương trình nghệ thuật khai mạc Lễ hội Làng Sen tại Quảng trường Hồ Chí Minh, Triển lãm mỹ thuật - nhiếp ảnh chủ đề Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Tuần lễ phim về Bác Hồ… Đặc biệt là các hoạt động của Ngày hội Văn hóa các dân tộc miền Trung năm 2015 cũng sẽ diễn ra đúng dịp này với tiêu chí bảo đảm chất lượng nghệ thuật, sinh động, hấp dẫn, để lại ấn tượng tốt đẹp. Các chương trình đều được các đơn vị đầu tư công phu, chắc chắn sẽ góp phần tạo nên những ngày hội đáng nhớ dịp lễ trọng này.
* Từ nay đến cuối năm, Cục Văn hóa Cơ sở còn tổ chức những hoạt động nào chào mừng các ngày lễ lớn, thưa ông?
- Chúng tôi đã phát động cuộc thi sáng tác tranh cổ động tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, tuyên truyền chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Để đạt hiệu quả tuyên truyền, cần chọn được những bức tranh giá trị nhất với chất lượng tốt nhất, bảo đảm chất lượng nghệ thuật và định hướng tuyên truyền.
Một mảng việc khác chúng tôi đang tiến hành, đó là rà soát, chuẩn bị tổ chức hội nghị tổng kết lễ hội đầu Xuân Ất Mùi, dự kiến tổ chức vào tháng 6. Mục tiêu của hội nghị lần này là phải đưa ra được nhận xét, đánh giá chính xác về những thành công cũng như hạn chế của mùa lễ hội 6 tháng đầu năm, qua đó, có những giải pháp quản lý tốt hơn, bảo đảm thực hiện tốt Chỉ thị của Ban Bí thư và Công điện của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý lễ hội.
* Cảm ơn ông về những thông tin trao đổi!
Tổ chức cầu truyền hình trực tiếp với chủ đề “Bác Hồ tình yêu bao la”
Theo Kế hoạch số 92/KH-UBND về việc tổ chức các hoạt động kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19.5.1890 – 19.5.2015) của UBND TP Hà Nội, chương trình cầu truyền hình trực tiếp với chủ đề "Bác Hồ tình yêu bao la" do UBND TP Hà Nội, UBND tỉnh Nghệ An, UBND TP Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức sẽ diễn ra vào tối 18-5 tại 3 địa điểm: Thủ đô Hà Nội, tỉnh Nghệ An và TP Hồ Chí Minh. Sáng cùng ngày, lễ kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ diễn ra vào lúc 9h30 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia với khoảng 3.500 đại biểu tham dự. Chương trình nghệ thuật - thể thao ca ngợi Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng được tổ chức vào tối 19-5 tại Quảng trường Cách Mạng Tháng Tám, vườn hoa Lý Thái Tổ, Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long... Ngoài ra, trên khắp địa bàn 30 quận, huyện, thị xã của Thủ đô cũng sẽ diễn ra các hoạt động biểu diễn văn hóa nghệ thuật, chiếu phim về Bác Hồ. Thành phố cũng sẽ tiến hành chỉnh trang, tu sửa, cải tạo một số di tích lịch sử cách mạng, kháng chiến gắn với cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong dịp này.
Theo Mai Hoa (Hà Nội mới)