Nghệ sĩ Lê Công Lễ:
“Mạch ngầm hát bội vẫn chảy trong tôi”
Đó là chia sẻ của nghệ sĩ tuồng nghiệp dư Lê Công Lễ, sinh năm 1969, tại thôn Xuân An, xã Cát Tường (Phù Cát) - một nghệ sĩ giàu tâm huyết với nghề.
Vinh dự được UBND tỉnh đề nghị Bộ VH-TT&DL xét tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực văn hóa phi vật thể lần thứ nhất- năm 2015, nghệ sĩ Lê Công Lễ không chỉ được biết đến “hát hay, diễn tài” mà còn “viết giỏi”. Anh luôn nhận được sự mến mộ của đồng nghiệp, khán giả yêu thích tuồng.
Nuôi dưỡng “mạch ngầm”
Nghệ sĩ Công Lễ may mắn được học hỏi nghệ thuật hát bội từ những người thầy tên tuổi như: Nhưng Chiện (ông nội), Bầu Hương (thuộc gánh hát Suối Tre, Phù Cát). Sau giải phóng, anh theo học Bầu Đắc, tham gia Đoàn tuồng Đồng Ấu - Suối Tre; tiếp đến là NSƯT Trần Hưng Quang, Đoàn tuồng Nghĩa Bình (Đào Tấn bấy giờ), NSND Võ Sỹ Thừa, NSƯT Hoàng Ngọc Đình, NSƯT Phạm Hoàng Chinh... Trong đó, thầy Võ Sỹ Thừa có sức ảnh hưởng lớn nhất đến nghiệp tuồng của Công Lễ.
Năm 1985, Lê Công Lễ vào Đoàn tuồng Thực Nghiệm 3 (Nhà hát tuồng Đào Tấn). Đây được xem là bước ngoặt trong sự nghiệp hát bội của anh. Tại đây, anh được sinh hoạt và tiếp cận với những nghệ sĩ chuyên nghiệp, những “cây cổ thụ” tuồng. Lâu dần, chất tuồng ngấm sâu, bám rễ trong anh.
Nghệ sĩ Lê Công Lễ tỏ ra có thế mạnh ở những vai kép rằn, kép xanh, kép xéo. Nhưng 20 năm trở lại đây, anh chuyển sang thể nghiệm và thành công ở kép đỏ, kép trắng. Những vai diễn thành công của anh có thể kể đến như: Cao Quân Bảo (Tam Hạ Nam Đường), Tiết Cương (Hộ Sanh Đàn)...
Lê Công Lễ may mắn có cơ hội gần gũi và thụ giáo NSND Võ Sĩ Thừa. Hằng ngày, tận mắt những kịch bản tuồng, những trang viết “thấm sự đời” của thầy, anh tập tành viết. Trong kho tàng kịch bản của thầy Thừa có những vở diễn có kịch bản, có cốt truyện nhưng lại không có lời, Lê Công Lễ trăn trở suy nghĩ và sáng tạo lời nhân vật, góp phần phục dựng những vở tuồng như: Tam Hạ Nam Đường - năm 2006, Mảnh đất quê hương - năm 2014, Phạm Lãi biệt Tây Thi, Chàng Cóc cưới vợ...
Hạnh phúc khi được diễn, được viết
Hiện Công Lễ đang sinh hoạt tại Đoàn tuồng không chuyên Ánh Dương (trực thuộc Phòng VH - TT&TT huyện Tuy Phước) và thường xuyên đi lưu diễn nhiều nơi trong và ngoài tỉnh. Ông Phan Văn Hiến, Trưởng Đoàn tuồng Ánh Dương, nhận xét: “Công Lễ là một nghệ sĩ tài năng và giàu tâm huyết. Anh như con ong cần mẫn hút nhụy, làm mật, tỏa hương cho đời. Nhờ có anh mà Đoàn tuồng Ánh Dương có nhiều vở diễn hay, mới mẻ, thu hút nhiều người xem và nhận được nhiều giải thưởng có giá trị ở các kỳ Liên hoan sân khấu tuồng không chuyên”.
Trong quá trình hoạt động nghệ thuật, nghệ sĩ Lê Công Lễ đã nhận được nhiều giải thưởng: Huy chương Vàng của Bộ VH-TT tại Hội thi sân khấu tuồng không chuyên- năm 2006; Bằng khen của Bộ VH-TT tại Liên hoan Sân khấu không chuyên khu vực phía Nam- năm 2001; Bằng khen của Cục VH-TT tại Liên hoan tuồng không chuyên toàn quốc- năm 2006 và 2 Bằng khen của UBND tỉnh tại Liên hoan nghệ thuật sân khấu truyền thống.
46 tuổi đời với 39 tuổi nghề, Công Lễ vẫn nuôi dưỡng và tạo sự lan tỏa “mạch ngầm” hát bội cho các thế hệ mai sau. Nhiều người trẻ ở địa phương và các xã lân cận, nghe danh tiếng thầy Lễ đã tìm đến tận nhà xin học. Tùy vào tố chất từng em mà Công Lễ có cách “hướng” học trò theo những vai nhất định. Có khi, thầy trò thức nguyên đêm để tập diễn theo kịch bản mà anh mới viết xong. Chính sự tận tâm của anh với nghề đã truyền cảm hứng để học trò của mình không ngừng nỗ lực, sáng tạo trên bước đường nghệ thuật.
Anh Nguyễn Công Khải, 26 tuổi, ở cùng địa phương, một trong những học trò tâm đắc của nghệ sĩ Công Lễ, tâm sự: “Mặc dù tôi đang sinh hoạt ở Đoàn tuồng không chuyên Tiến Thành (tỉnh Đắk Lắk) nhưng vẫn không nguôi nhớ về Bình Định. Nơi ấy, có người thầy Lê Công Lễ đã dìu dắt tôi ngay từ những bước chập chững vào nghề”.
Nghệ sĩ Công Lễ trăn trở: “Đứng trước thực trạng sân khấu tuồng đang có nguy cơ thiếu hụt lực lượng trẻ và thiếu kịch bản tuồng, tôi đã cố gắng “truyền lửa” cho những thế hệ học trò và thử sức ở một “địa hạt” mới- sáng tác kịch bản tuồng. Hằng ngày, tôi vẫn cầm cây cuốc, cái cày ra đồng lo việc đồng áng; nhưng “mạch ngầm” hát bội vẫn chảy trong tôi! Hễ ai kêu diễn là tôi lại hăng hái tham gia. Bởi niềm hạnh phúc lớn nhất của đời tôi là được đứng trên sân khấu, được hát, được diễn và được viết”.
KIM CƯƠNG