Tập truyện ngắn “Làng ven sông ngày ấy”
Làng ven sông ngày ấy (Nxb Hội Nhà văn, 2015) là tập truyện ngắn thứ ba, sau tập Trăng mười sáu (1998), Một thoáng hoa hồng đỏ (2002) của nhà văn Trần Quang Lộc. Tập sách tập hợp 12 truyện ngắn gói gọn trong 190 trang sách. Ngoài hai truyện có bối cảnh ở nước ngoài, là truyện Người đẹp Trử La thôn, kể về câu chuyện Việt Vương Câu Tiễn - Tây Thi - Phạm Lãi theo tích Tàu mà ai cũng biết, và truyện Trên chuyến tàu khuya kể chuyện một vụ cướp bi hài ở xứ Noc-man-đi ở phương Tây xa xôi, tập truyện xoay quanh hai chủ đề chính: Làng quê ngày ấy và chuyện văn chương.
Ở mảng làng quê là những câu chuyện về làng ven sông ngày ấy, với những cuộc tình đầy thơ mộng, nhưng không thiếu bi kịch, chuyện mưu sinh, làm ăn trong thời buổi kinh tế thị trường vất vả (Làng ven sông ngày ấy, Mai muộn, Tiền, Lan trinh nữ…). Tác giả có những đoạn văn mượt mà, trữ tình về làng quê thanh bình thuở nào… nhưng cũng ẩn chứa nhiều bất trắc. Đó là những câu chuyện về văn chương. Đây là những trang viết tâm huyết của Trần Quang Lộc, vì có những truyện gần như là “tự truyện” (Nửa đời nhìn lại), là lời tâm sự về nghề văn của mình (Chuyện bây giờ mới kể). Và hai chủ đề trên quán xuyến trong từng truyện khác…
Với tập truyện thứ ba này của mình, Trần Quang Lộc khát khao một sự cách tân ngay ở truyện của mình, như một nhân vật trong truyện đã nói: “…Văn chương nước nhà cần phải cách tân, phải hiện đại để tiếp tục tồn tại và theo kịp các loại hình nghệ thuật khác trên thế giới. Nhưng cái khó là cách tân ra sao, hiện đại như thế nào để vừa đáp ứng nhu cầu bạn đọc có trình độ cảm thụ khác nhau, vừa giữ được khí cốt, hồn phách của dân tộc” (Nửa đời nhìn lại). Làng ven sông ngày ấy giúp cho Trần Quang Lộc thực hiện được một phần nhỏ cái khát vọng ấy…
KHẢ XUÂN