Nghề làm câu kiều
Thôn Bình Thái (xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước) lâu nay được mọi người biết đến qua lễ hội cầu ngư được tổ chức vào ngày 16.2 âm lịch hàng năm. Nhưng ít ai biết được rằng nơi đây có một nghề truyền thống đã được người dân nơi đây duy trì qua nhiều thế hệ, đó là nghề làm câu kiều.
Nghe đến câu kiều, có lẽ những người giàu trí tưởng tượng nhất cũng khó mà hình dung rằng, đây là một ngư cụ dùng để đánh bắt cá. Câu kiều có hình dạng cũng giống như một tấm mành trúc treo cửa, đầu là một thanh mò o dài khoảng hai gang tay nằm ngang, dọc thanh mò o được đục lỗ để mắc nhiều lưỡi câu, mỗi lưỡi câu được nối với các phao bằng xốp thông qua các sợi cước. Khi thả câu kiều thì tùy vào vùng nước nông hay sâu mà người thả buộc thêm vào lưới một sợi dây (hay gọi là dây dọi) thả xuống biển cho tới khi các lưỡi câu chạm đáy.
Ông Huỳnh Thanh Dũng, Trưởng thôn Bình Thái, cho biết: “Thôn có 258 hộ với hơn 1.200 nhân khẩu. Nghề làm câu kiều này đã có từ rất lâu rồi, có lẽ bắt đầu từ khi người trong thôn sắm ghe để đi biển. Cho đến nay, cũng không ai biết vì sao lại có tên là câu kiều nữa, trước ông bà gọi sao thì giờ mọi người cứ kêu là vậy”.
Trước đây, hầu hết các hộ trong thôn đều có ghe và đều làm câu kiều, nhưng nay cả thôn chỉ còn khoảng 20 ghe, kéo theo số lượng người chuyên làm câu kiều giảm dần, chỉ còn khoảng chục hộ. Anh Phan Ngọc Thanh, 48 tuổi, nhà ở xóm 3, người đã có thâm niên hơn 20 năm gắn bó với nghề, chia sẻ: “Thời cha tôi cũng đã làm câu kiều rồi, nhưng hồi đó chủ yếu để phục vụ cho việc đánh bắt cá của gia đình. Sau đó, nhiều người ở những vùng khác như Tam Quan, Phú Yên thấy đánh bắt bằng câu kiều hiệu quả nên đến hỏi mua, từ đó gia đình không đi biển nữa mà chỉ làm câu kiều để bán thôi”.
Thường thì một ghe khi đi biển cần khoảng 150 - 200 nẹp câu kiều. Những ghe sử dụng câu kiều hoạt động ở gần bờ, cách bờ khoảng 3 - 4 hải lý, bởi đây là vùng biển nông, nẹp sau khi thả có thể xuống chạm tới đáy. Điểm đặc biệt là khi thả nẹp câu kiều thì không phải tốn mồi câu, các loại cá như cá đuối, cá lỵ, cá lạc khi bơi ngang qua rất dễ mắc vào lưỡi câu. Anh Thanh vui vẻ cho biết thêm: “Mỗi ngày hai vợ chồng tôi làm được 4 nẹp câu kiều, bán với giá 160- 180 ngàn đồng/nẹp, tùy loại nhỏ hay lớn, sau khi trừ chi phí thì lời chừng 300 ngàn đồng. Cũng nhờ có nghề làm nẹp câu kiều này mà gia đình tôi có cuộc sống tương đối ổn định, con cái được học hành đến nơi đến chốn”.
Nẹp câu kiều loại lớn hay nhỏ đều có cùng số lượng lưỡi câu là 160 chiếc/nẹp, chỉ khác nhau về kích thước của cọng inox dùng để làm lưỡi câu. Việc làm nẹp câu kiều phải trải qua hơn 10 công đoạn tỉ mỉ, công phu, tất cả đều bằng thủ công.
Đầu tiên, thợ làm câu kiều cắt cọng inox ra thành từng đoạn ngắn, dùng búa đập dẹp và cắt nhọn ở cả hai đầu. Sau đó, họ dùng bàn tay khéo léo của mình, thông qua một chiếc nỏ tự chế, uốn cọng inox cong lại rồi chặt làm đôi để được hai lưỡi câu. Tiếp theo là công đoạn làm nguội với các công việc như mài lưỡi, chặt ngạnh, buộc dây tiên, tóm lưỡi (móc lưỡi câu lên thanh mò o)... Công đoạn cuối cùng của làm nẹp câu kiều là cắt và buộc phao vào lưới. Việc cắt phao cũng đòi hỏi phải chính xác về kích thước: phao dài đúng 4 phân, ngang 1,5 phân; khi buộc phao vào dây thì khoảng cách giữa các phao với nhau là 7 lưỡi câu.
Gia đình anh Phan Văn Bình, nhà ở xóm 3, đã có 3 đời gắn bó với nghề làm nẹp câu kiều, tâm sự: “So với các nghề khác thì nghề làm câu kiều tuy nhọc công hơn nhưng được cái có việc làm quanh năm, ngồi trong mát làm, rảnh lúc nào thì mình làm lúc đó. Cả nhà tôi có 3 người làm, chủ yếu làm theo đơn đặt hàng của khách, trung bình một ngày làm được khoảng 5 nẹp, trừ chi phí tính ra mỗi người có thu nhập hơn 100 ngàn đồng”.
Bên cạnh việc dùng để đánh bắt cá, biết được tính năng của câu kiều là khi thả lưỡi câu sẽ nằm ở sát dưới đáy nước nên nhiều gia đình có người thân bị chết đuối ở các ao, hồ cũng tìm đến thôn Bình Thái mua nẹp câu kiều về để tìm xác người thân hoặc cậy người trong làng tìm giúp. “Nhiều lúc sau khi tìm được xác người thân, gia chủ bồi dưỡng tiền nhưng những người làm công việc này đều không lấy, chủ yếu giúp họ tìm được xác càng sớm càng tốt” - Trưởng thôn Bình Thái Huỳnh Thanh Dũng chia sẻ.
NGUYỄN HỒNG PHÚC
Mình xin số điện thoại hoặc địa chỉ anh Phan Ngọc Thanh. Mình rất thích kiểu câu cá này mà không biết mua ở đâu.