Vắc-xin ngừa sốt rét cho kết quả ban đầu hứa hẹn
Cuộc thử nghiệm một loại vắc-xin ngừa bệnh sốt rét do Anh bào chế vừa cho kết quả ban đầu tích cực.
Loại vắc-xin này do Trường Đại học Oxford nghiên cứu bào chế, nhằm ngừa chủng ký sinh trùng sốt rét nguy hiểm nhất. Kết quả thử nghiệm trên 121 đối tượng nghiên cứu là nam giới tại Kenya cho thấy vắc-xin có hiệu quả bảo vệ tới 67%.
Kết quả đáng khích lệ này đã được ghi nhận cùng với một loại vắc-xin ngừa sốt rét khác, sau 20 năm nghiên cứu.
Các cuộc thử nghiệm gần đây của loại vắc-xin còn lại ở giai đoạn phát triển xa hơn cho thấy nó có tác dụng bảo vệ ở trẻ em.
Tại vùng Hạ Sahara thuộc châu Phi, mỗi ngày, khoảng 1.300 trẻ em chết vì bệnh sốt rét. Giới khoa học muốn tìm ra một loại vắc-xin bảo vệ đối tượng có nguy cơ cao nhất này.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), năm 2013, có 198 triệu người trên thế giới mắc sốt rét và khoảng 584 ngàn ca tử vong vì căn bệnh này.
Trong khi đó, các nhà khoa học đã mất hơn 20 năm nghiên cứu nhưng chưa đạt được tiến bộ thật sự nào trong cuộc chiến chống sốt rét.
Có tất cả 4 chủng ký sinh trùng gây bệnh sốt rét. Hiện chưa rõ vắc-xin do Trường Oxford bào chế có khả năng chống lại tất cả 4 chủng trên hay chỉ 1 chủng nguy hiểm nhất.
Theo kết quả thử nghiệm được công bố trên tạp chí khoa học Science Translational Medicine, các nhà khoa học Anh đã sử dụng 2 loại vi rút, trong đó có chủng vi rút ở tinh tinh, để kích thích hệ miễn dịch của cơ thể người sản sinh ra tế bào có khả năng chống lại ký sinh trùng sốt rét.
Đây là loại vắc-xin "vector vi rút" mới lạ, tấn công ký sinh trùng trên cơ thể người sống.
Sau 8 tuần theo dõi các đối tượng nghiên cứu, nhóm khoa học của trường Oxford nhận thấy nguy cơ nhiễm sốt rét của họ giảm 2/3.
Nhóm nghiên cứu đang tiến hành thử nghiệm vắc-xin trên trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh tại Burkina Faso để kiểm tra tính an toàn và hiệu quả của loại vắc-xin này.
Tố Uyên (Theo BBC)