Hạnh phúc trong bộn bề vất vả
Khi cả thế giới đón chào Ngày của Mẹ (10.5), nhiều người bà, người mẹ vốn cả đời lam lũ, giờ ở vào tuổi đáng được nghỉ ngơi, vẫn đang cố gắng mưu sinh để chăm lo cho gia đình. Với họ, hạnh phúc đơn giản là được hy sinh, một cách lặng thầm, cho gia đình, con, cháu.
Chị Nguyễn Thị Ngọc (ngồi giữa), công nhân Công ty TNHH Đức Toàn, trong một buổi trao tặng quà cho công nhân khó khăn.
1.
Tôi gặp chị Nguyễn Thị Ngọc, 45 tuổi, công nhân Công ty TNHH Đức Toàn (KCN Phú Tài) trong một buổi trao tặng quà cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn. Trông chị gầy guộc, già hơn nhiều so với tuổi của mình. Khi nhận quà, chị cứ quệt nước mắt, ngồi ngẩn ngơ. Thấy lạ, tôi bắt chuyện hỏi thăm. Chị kể suốt 8 năm làm công nhân, chưa bao giờ chị dám nghỉ 1 ngày vì sợ không lo được cho các con ăn học. Lương công nhân 4 triệu đồng/tháng, chị chắt bóp lắm mới đủ nuôi hai con đang học lớp 12 và lớp 8 ăn học. Lần đầu được nhận quà, cũng là nhận sự quan tâm, chia sẻ của mọi người, chị cảm thấy mủi lòng nên khóc. Chị tâm sự: “Chẳng may lấy phải người chồng chỉ biết say xỉn, tôi đành một mình gồng lên mà lo cho các con”. Dạo này thấy sức khỏe giảm sút nhiều, chị dự định khi con trai lớn học xong THPT thì cho con đi làm công nhân phụ gia đình, nhưng con chị lại mong muốn được học Đại học vì luôn đạt học sinh giỏi. Chị lại tự nhủ, thôi mình còn sức thì cố gắng đi làm, vay mượn để giúp con trai thực hiện ước mơ.
2.
Nếu cuộc sống cứ nhàn nhã đi qua, nhiều người con khó lòng hiểu hết sự hy sinh của mẹ, cho đến khi chính họ làm cha, làm mẹ. Hàng ngày, cứ vào khoảng 7 giờ tối, bà Nguyễn Thị Gái, 90 tuổi (ở KV7, phường Lê Lợi, TP Quy Nhơn) lại lê bước đi khắp các ngả đường bới rác nhặt phế liệu. Bà Gái có 5 người con đều đã lập gia đình. Cách đây 7 năm, người con gái thứ 4 lỡ thì ở cùng bà quyết định làm mẹ đơn thân, nào ngờ đứa trẻ sinh ra bị tàn tật, chậm phát triển. Vậy là, dù tuổi già sức yếu, bà vẫn cố lê bước, kéo theo sau bịch đựng phế liệu, chỉ mong kiếm đủ hai chục ngàn đồng cho cháu mua thuốc uống. Bà kể: “Các con cháu cứ trách sao tôi làm vậy chi để mọi người dị nghị. Tôi nghĩ khác, cả đời vất vả lo cho con cháu, giờ nghỉ ngơi là phải, nhưng gia đình khó khăn, thương con, thương cháu, lại còn sức thì tôi đi làm, không phân biệt nghề gì”.
3.
Dù cuộc sống không trọn vẹn, chịu nhiều vất vả, khổ cực khi chăm sóc cho con nhưng nhìn con mình mỉm cười, tự lập, tôi đã phần nào được an ủi. Đó là suy nghĩ mà tôi cảm nhận được từ bà Trần Thị Lụa, ở thôn Lý Chánh, xã Nhơn Lý, TP Quy Nhơn. Sau khi con rể gặp tai nạn, con gái bà là chị Nguyễn Thị Hoa, 37 tuổi, phát bệnh thần kinh, bị gia đình chồng ruồng rẫy. Bà Lụa lẳng lặng đón con gái và 4 đứa cháu ngoại về chăm sóc suốt 2 năm qua. Nhờ bà chăm sóc, chạy chữa nên chị Hoa đỡ bệnh, khi khỏe đã có thể đi làm thêm kiếm sống. Ngôi nhà nhỏ nằm lọt thỏm sâu trong góc núi ở Nhơn Lý chỉ rộng chừng 30 m2 ấy gần muốn đổ, bà Lụa vẫn cố gắng chống mấy cây sào, che thêm vài miếng bạt để có chỗ cho con, cháu nương nhờ. Hàng ngày, bà vừa chăm con, cháu, vừa đi lượm cá, làm đủ việc để lo cho gia đình. Bà Lụa kể: “Chỉ mong có được sức khỏe, phụ con gái bệnh tật, bất hạnh chăm lo cho các cháu ăn học đàng hoàng, trở thành người tốt”.
Cuộc sống vẫn còn nhiều phụ nữ bất hạnh hơn cả bà Gái, bà Lụa, chị Ngọc. Cả cuộc đời họ chỉ có một mục tiêu duy nhất là làm sao sống lương thiện, lao động để lo cho gia đình một cách tốt nhất có thể. Họ than thở đấy, trách cứ số phận đấy, nhưng rồi lại đứng lên, rũ nỗi buồn lại phía sau để tiếp tục mưu sinh. Nghị lực và tình yêu của những người mẹ chỉ cho họ cách tìm kiếm và nhận lấy niềm vui, niềm hạnh phúc nhỏ nhoi trong những bộn bề vất vả.
BÙI NGHĨA