Nâng cao chất lượng dân số các vùng đồng bào dân tộc thiểu số: Chuyển biến tích cực
Từ năm 2010, tỉnh ta đã triển khai mô hình nâng cao chất lượng dân số ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số: Bana, Chăm, Hre trên địa bàn tỉnh. Đến nay, sau 5 năm triển khai mô hình, chất lượng dân số, đời sống nhân dân các vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã có những chuyển biến tích cực.
Đa dạng cách làm
Đến nay, mô hình nâng cao chất lượng dân số đã triển khai tại 22 xã, thị trấn có đông đồng bào dân tộc thiểu số tại 4 huyện: Vân Canh, Vĩnh Thạnh, An Lão và Hoài Ân. Các địa phương đã xây dựng được 98 câu lạc bộ (CLB) nâng cao chất lượng dân số với 1.364 thành viên tham gia. Sự hoạt động các CLB đã cung cấp nhiều kiến thức, thông tin về SKSS-KHHGĐ, thực hiện Luật Hôn nhân và Gia đình, về chăm sóc sức khỏe cho người già… Để mô hình được triển khai đầy đủ, các xã đã đưa việc thực hiện các nội dung nâng cao chất lượng dân số vào tiêu chí xây dựng Gia đình văn hóa. Ban chỉ đạo công tác dân số các địa phương sâu sát tìm hiểu các tập quán, phong tục của mỗi dân tộc để có cách tuyên truyền phù hợp.
Cùng với xây dựng các CLB, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh mở các lớp tập huấn kiến thức nâng cao chất lượng dân số cho những người làm công tác dân số các địa phương. Riêng năm 2014, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh phối hợp với Trung tâm đào tạo - bồi dưỡng của Tổng cục DS-KHHGĐ tổ chức mở lớp tập huấn nghiệp vụ về thực hiện Luật Hôn nhân và Gia đình, cảnh báo tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết… cho 38 học viên và lãnh đạo Trung tâm DS-KHHGĐ phụ trách mô hình ở các huyện và cán bộ chuyên trách DS-KHHGĐ của 22 xã. Đồng thời, tổ chức 4 lớp tập huấn công tác tuyên truyền, tư vấn các biện pháp về giảm tỉ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cho 1.332 chuyên trách, cộng tác viên dân số; tổ chức 165 buổi nói chuyện chuyên đề, tư vấn tại cộng đồng về tác hại của nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết nhằm nâng cao chất lượng dân số cho đồng bào dân tộc thiểu số với 6.070 lượt người nghe…
Bà Trần Thị Ngọc Như- Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Vân Canh, cho biết: “Để tuyên truyền về mô hình hiệu quả, cán bộ dân số huyện đã phối hợp với các cơ quan đoàn thể, nhất là Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ và các già làng uy tín nói chuyện cho người dân nghe. Tuyên truyền trên đài phát thanh, làm pa-nô biểu ngữ, trực tiếp nói chuyện, tư vấn… Trong những buổi tuyên truyền trực tiếp, cán bộ dùng hình ảnh trực quan minh họa, cùng hỏi-đáp với người dân, nên thu hút được đông đảo người dân tham gia, nhất là các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh sản, và những bạn trẻ sắp kết hôn”.
Để thuận tiện trong giao tiếp với bà con dân tộc thiểu số, các cán bộ làm công tác y tế và DS-KHHGĐ ở huyện được học tiếng Bana, Hre, Chăm, giúp họ làm tốt công tác tuyên truyền và chăm sóc sức khỏe người dân. Bác sĩ Hứa Tự Thảo - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Qua các đợt đi khám chữa bệnh và cấp thuốc cho đồng bào, nhận thức về việc chăm sóc sức khỏe của họ ngày càng tăng không chỉ ở giới trẻ mà cả người già. Nhất là sản phụ, tỉ lệ người đến bệnh viện và Trung tâm Y tế huyện để sinh rất cao”.
Chất lượng dân số dần nâng lên
Nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nhận thức của người dân tộc thiểu số về chất lượng dân số ngày càng nâng lên, nhiều bà mẹ trẻ muốn con ít để chăm sóc chúng khỏe mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần. Mặc dù con trai đầu lòng được 3 tuổi, vợ chồng chị Mang Thị Nghệ (23 tuổi) người dân tộc Chăm, ở làng Suối Mây, thị trấn Vân Canh quyết định đến Trung tâm Y tế huyện đặt vòng tránh thai. Chị Nghệ tâm sự: “Lúc trước mình không hiểu biết nhiều về chăm sóc con, nhờ được các cán bộ tuyên truyền cho biết, trẻ con sinh ra bây giờ cần được ăn sáng, uống sữa thì mới phát triển tốt, nếu sinh nhiều con thì mình không đủ điều kiện để chăm sóc con tốt được”. Cũng tại khoa Sản Trung tâm Y tế huyện Vân Canh, chị Đoàn Thị Khánh (42 tuổi) người dân tộc Chăm, ở làng Cà Xim trong lúc chờ điều dưỡng viên tắm cho cháu ngoại vừa sinh 1 ngày, cho biết: “Đây là cháu ngoại thứ 2 của tui rồi, lần nào con gái cũng sinh ở Trung tâm Y tế để được các bác sĩ chăm sóc tốt hơn, lúc mang thai, con gái tôi cũng thường đến đây khám siêu âm, bác sĩ cho thuốc bổ uống theo từng thời kỳ nên gia đình rất yên tâm”.
Nói về lợi ích mô hình nâng cao chất lượng dân số các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, ông Nguyễn Văn Thạch - Phó chi cục trưởng Chi cục Dân số, tâm đắc: “Qua 5 năm thực hiện mô hình nâng cao chất lượng dân số cho một số dân tộc thiểu số, nhận thức của đồng bào ngày được nâng cao. Trong thời gian tới, cán bộ làm công tác dân số tiếp tục phát huy các kết quả đạt được trong công tác chăm sóc sức khỏe cho người già, cung cấp kiến thức về hôn nhân - gia đình, SKSS-KHHGĐ cho các đối tượng trong độ tuổi kết hôn. Bên cạnh đó, sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền về Luật Hôn nhân và Gia đình, chống tình trạng tảo hôn trong đồng bào dân tộc thiểu số tại các làng”.
MỸ HẠ