Bất an với thực phẩm
Không khó để nhận ra nỗi bất an của người dân qua chương trình giao lưu trực tuyến với chủ đề “Sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng rau, thịt an toàn”, do Sở Y tế, Sở NN&PTNT, Sở Công Thương, Sở TT-TT phối hợp tổ chức sáng 8.5. Phần lớn trong số 41 câu hỏi được trả lời tại chương trình này bày tỏ sự e ngại, lo lắng trước nguy cơ mất an toàn thực phẩm, cùng những bất cập trong công tác quản lý.
Trả lời câu hỏi của bạn Thanh Diệu: “Cá bị ngâm phân urê có dấu hiệu như thế nào? Tại sao tình trạng cá bị ngâm phân vẫn diễn ra thường xuyên ở chợ?”, ông Nguyễn Thanh Hưng - Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông sản, lâm sản và thủy sản (Sở NN&PTNT) lưu ý, cá ướp urê nhìn rất tươi, mắt cá trong, mang cá đỏ tươi hơn bình thường. Tuy nhiên, khi ấn tay vào thân cá thì thấy thịt cá mềm, mình cá lõm xuống do độ đàn hồi kém, ngửi cá không có mùi tanh... “Tình trạng cá bị ngâm phân vẫn diễn ra thường xuyên ở chợ là do nhận thức của người dân chưa hiểu hết tác hại của urê đối với sức khỏe con người về lâu dài. Họ chạy theo lợi nhuận trước mắt nên bất chấp các quy định của Nhà nước vẫn lén lút sử dụng”, ông Hưng nhận định.
Qua các câu hỏi của bạn đọc, ông Nguyễn Thanh Hưng cũng thừa nhận một thực tế là hoạt động kiểm tra, kiểm soát hàm lượng tồn dư chất bảo vệ thực vật trong các loại rau quả tại các chợ còn nhiều bất cập. Đồng thời thông tin, hiện nay toàn tỉnh chỉ có 3 cơ sở giết mổ gia cầm tập trung ở TP Quy Nhơn (2 cơ sở) và thị xã An Nhơn (1 cơ sở). Theo bà Lê Thị Vân, Trưởng phòng Thanh tra - Pháp chế (Chi cục Thú y), tỉnh ta chưa có cơ sở giết mổ gia súc tập trung là trở ngại lớn để triển khai công tác thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện, ngăn chặn tình trạng một số cơ sở giết mổ đã bơm nước vào bò, heo để kiếm lời bất chính, cũng như gây khó khăn cho công tác kiểm dịch thú y - như phản ánh của bạn Nguyễn Nhật Trường và bạn Lê Thị Trà.
Còn bạn đọc Huỳnh Ngọc Phúc thì thẳng thắn bày tỏ: “Mất an toàn thực phẩm là vấn đề đáng lo ngại, tuy nhiên tôi thấy các cơ quan chức năng vẫn chưa vào cuộc chấn chỉnh, nếu có cũng dừng lại ở việc phạt hành chính, phạt xong thì việc cũ tái diễn. Hàng rong vẫn bày bán ở vỉa hè, ngay cạnh bãi rác...”.
Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Lê Văn An cho rằng, để giải quyết triệt để những tồn tại đó, cần có sự vào cuộc quyết liệt của UBND cấp xã, cùng sự tham mưu tích cực của trạm y tế. Đặc biệt là trong hoạt động hướng dẫn các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố thực hiện nghiêm các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định tại Thông tư 30/2012/TT-BYT ngày 5.12.2012 của Bộ Y tế. Đồng thời, các cơ quan chức năng phải xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định của pháp luật.
NGUYỄN VĂN TRANG
Ngày nào Tôi đi tập thể dục tuyến đường Trần Hưng Đạo cũng thấy 3-4 chiếc ba gác chở da heo, mỡ bẫn, xương heo vừa mới mổ đi nghênh ngang . Không biết dùng để làm gì?Cơ quan cấp thành phố hy vọng sự vào cuộc của Phường. Còn Phường thì chờ vào Thành phố. Chưa tính chuyện nhũng nhũng để thờ ơ.