Chè lá ngái
* Truyện ngắn của Bùi Thị Thương
Cái xóm chài nhỏ, nghèo, và buồn. Cái buồn khắc khoải in sâu vào từng miếng tre, thớ gỗ, in sâu vào từng hạt cát, con sóng và từng người nơi đây. Xóm chài lầm lũi. Có hơn vài chục nóc nhà. Nhà bê tông, nhà gạch có, nhà tranh có... xen lẫn với nhau, tựa lưng vào bờ biển dài tưởng chừng như vô tận.
Con người ở đây cũng không nhiều. Vài chục hộ gia đình bên nhau qua bao nhiêu năm tháng. Có gia đình đến hai ba thế hệ cùng chung sống dưới một nóc nhà tranh. Ở đây cũng có chính sách xã hội, vận động xây nhà, cho vay vốn làm ăn... nhưng người ta bảo lợp tranh cho mát, ông bà bao đời đã vậy, lợp tôn nóng, không quen. Có tiền, người ta sắm con xe chạy qua chạy lại quanh xóm. Cái xóm thì đi bộ một xíu đã hết các nhà, giờ đi xe máy chỉ tổ mỗi lần qua mấy bãi cát dài phải leo xuống đẩy đi mệt đứt cả hơi. Xe lại tốn xăng, không chạy bằng nước biển được. Thế là, con xe được đem về dựng trong vách nhà, ủ bằng miếng mành tủ. Lúc đầu người ta dựng bên chái hiên, nhưng cuối cùng nơi ấy người ta tận dụng để lưới đánh cá, phơi cá. Mà dựng ngoài sân thì xót của, nên nó được đưa vào trong nhà, bên phía góc bếp. Chắc nó cũng buồn!
Cuộc sống thầm lặng và trôi theo con nước. “Ở đấy có một người điên”. Người ta bảo thế. Người ta kháo nhau. Người ta bàn tán. Người ta xì xào. Các bà, các chị bên cạnh những mớ cá, nắm rau, lại có chuyện để nói, có chuyện để bàn. Bao nhiêu câu chuyện thêu dệt xen lẫn vào nhau, nhịp nhịp theo tiếng sóng vỗ bờ.
Tên điên ấy là một người đàn ông. Hắn đâu chừng ba mươi tuổi. Hắn vừa mới đến đây. Hắn sống trên mảnh đất bỏ hoang gần khu nghĩa địa, sát bờ đá ôm lấy vòng eo biển. Hắn đến khi nào chả ai biết. Chỉ biết rằng vào một buổi sáng đẹp trời người ta thấy hắn đứng trên bờ vách đá cheo leo nhìn về phía nào đó xa xăm lắm. Thế rồi hắn buông mình xuống nước. Nước ở khu vực ấy khá sâu, sâu lắm, sâu như đáy mắt của một người phụ nữ buồn. Mọi người xúm xít đến, hò kêu í ới, người lấy gậy, kẻ lấy dây, lấy thúng... bơi ra chỗ có người nhảy. Người ta nghi hắn tự tử. “Chết chi cho oan uổng dữ bây, sống mà còn trả nợ cho đời nữa chứ!”- Một cụ già móm mém nói. Người ta không thấy hắn đâu nữa, người ta xì xồ: “Nhảy xuống đó sống thế quái gì được nữa mà đòi...”. Trong lúc người ta thương tiếc cho phận người ngắn ngủi, cho người muốn sống thì không được sống, kẻ có mạng sống thì đem ra mà tự tử. Đáng buồn! “Ê cái gì kia?”, một người chỉ tay về phía mặt nước nơi xa. Hắn ngóc đầu lên, hồ hởi nhìn đám người lạ mặt đang nhìn mình chòng chòng. Hắn đưa mắt và bơi về phía bờ, bên mình là bịch ốc còn nhung nhúc chen lấn nhau.
Hắn đi thẳng vào bờ. Im lặng, ngồi trước cái chòi tranh của mình. Người ta lũ lượt ra về, ngang qua mặt hắn, hắn lầm lì đập bể mấy con ốc để lấy ruột bên trong. Hắn không thèm nhìn. Không đếm xỉa đến ai. Cơ mặt hắn vẫn thế. Nguyên xi, không có gì thay đổi. Mấy con ốc còn sống bò đi tứ tung, cố gắng thoát thân khỏi bàn tay người điên ấy. Chúng bò càng nhanh hắn càng hứng khởi đập bốp bốp hòn đá lên mình chúng, chúng bẹp lép, ngắc ngoải, nước dãi văng ra nhầy nhớp. Chắc đến lúc chết chúng cũng không hiểu vì sao mình chết?!
Trời chưng hửng nắng. Cái nắng vàng ruộm cả mái nhà tranh. Nắng hắt xuống mặt biển, chói. Cái nắng lớn dần, hầm hập nóng. Nắng đậu xuống, bò mơn man trên da thịt của mấy chàng trai đang hì hục kéo lưới. Tên điên có mặt trên biển khá sớm, không biết từ lúc nào? Hắn ngồi tư lự. Chỉ có ánh mắt nhìn là không thay đổi. Hắn không giao tiếp với ai. Một vài người mạnh dạn tiến về phía hắn hỏi chuyện. Đáp lại chỉ là ánh nhìn của hắn. Cái nhìn như bảo: “Đừng đụng đến tui”. Dần dà, không ai dám đến gần hắn nữa. Hắn có thói quen kì lạ là chơi với còng biển. Hắn cố tình moi những hang còng to, múc nước đổ vào đó rồi bịt các lỗ hang bên cạnh lại và ngồi canh chừng. Hễ có chú còng nào ngơ ngác mò ra lấy không khí là y như rằng hắn túm lấy nó, đưa sát mặt dòm dòm, ngắm nghía, thầm thầm thì thì như đang nói chuyện. Rồi hắn nhìn, cái nhìn như nghi ngờ, như xem đó có phải là người quen lâu ngày không gặp?
Trời dần buông về chiều. Những tia nắng cuối ngày cũng thôi không còn nghịch ngợm. Chúng nằm nghiêng nghiêng trên vách đá dựng đứng. Cái nơi con nước chảy, có những dòng xoáy mạnh. Có nhiều cái chết ở đó. Dân xóm chài cho rằng nơi đó có “ma gia”. Các đôi trai gái cũng thôi không dám dẫn nhau đến đây mà tình tự. Chỉ duy có tên điên ấy là thường xuyên đến đây, lặn tôm ốc. Hắn bơi giỏi như rái. Hắn lực lưỡng và khỏe mạnh. Hắn đẹp. Hắn đàn ông. Đó là nhận xét của bao người phụ nữ tò mò lén lút nhìn trộm hắn.
Chiều, những người đàn ông buông dầm, thả neo, lên bờ đánh chén. Rượu ngà ngà say, người ta hát: “Ai mua trăng tui bán trăng cho, chẳng bán tình duyên ước hẹn thề...”. Hát thì hát thế, chứ chả biết cái câu hát này ở đâu ra, mà cũng chả biết ý nghĩa của nó. “Ông này bị man man, trăng thì bán khỉ gì được, có cá tôm thì bán chứ... Ai mua tôm tui bán tôm cho... Hề hề...”- “Ê, vô làm ly cho ấm”, một người gọi khi hắn đi ngang qua bãi cá. Hắn uống. Uống sượng sùng. Gương mặt vẫn bình thản. “Đi đâu đây?”. Hắn đưa cái bịch ra trước mặt. “Mấy con sứa biển này độc lắm đó, dẫm vào là chết tươi nhặt về làm gì?”. Không ai biết được, đêm đêm hắn đi dọc bờ biển nhặt xác những con sứa, con nhím biển có gai độc về phơi và đốt đi. Hắn im lặng và uống. Trăng cũng chếnh choáng say. “Ê, hát nghe chơi vui ông bạn”, một người đàn ông gầy gò vỗ vai hắn. Hắn nhìn trăng, môi mấp máy thành lời: “Tôi nhặt ánh vàng rơi bên biển... Dát mái nhà tranh để em thôi tìm những mộng mơ xa xứ” - “Đây là nhạc gì mà kì vậy?” - “Thơ”, hắn thở hắt ra, đưa tay lật ngược con ba ba biển nằm ngửa bên cạnh. Ba ba bò về phía biển...
Hắn không nói chuyện với ai sau cái lần đọc thơ trong hơi men đó. Người ta khen hắn biết làm thơ. Thơ như nhạc, cái thể loại xa lạ quá với dân xóm chài này. Người ta thấy hắn giỏi. Các bà các chị lén nhìn mỗi khi hắn đi ngang qua. Hắn thích ăn chè, người ta nói vậy. Và hắn chỉ thích mỗi chè của hàng cái Thư. Hắn ăn mỗi món “chè lá ngái”, cái thứ chè con Thư tập tành nấu, dù nấu rất ít nhưng bữa nào cũng ế hàng dăm bảy chén. Mỗi lần ế là hắn ăn bằng hết. Người ta nói hắn nghiện chè, hay nghiện Thư, ai mà biết được? Cái con bé cứ chúm chím cười, duyên dễ sợ! Nhìn nó cũng thấy ngọt, ngọt như “chè lá ngái”của nó vậy. Nhưng cái đẹp của nó ở cái xóm chài này cũng không khác gì mấy so với cái đẹp của con tôm, con cá. Ế hàng, nó gánh vào xóm: “Ai chè lá ngái không nào?”. Hắn cầm cái tô đón đầu gánh chè. Nó giật mình, suýt hoảng. Nó hỏi: “Chè hả?”. Hắn gật đầu, ăn một lúc hết 5 chén. Sụt sùi. Trả tiền. Cúi mặt đi thẳng vào nhà. Nắng chiều làm mặt hắn ửng lên trông thấy. Cứ như thói quen, mỗi chiều dù ế hàng hay không, Thư cũng dành lại vài chén. Đi ngang nhà hắn cố rao thật to: “Ai chè lá ngái hôn!”. Tiếng rao ngọt lịm lòng người, dù rằng đường về nhà Thư ngang qua nhà hắn sẽ xa hơn nhiều.
Cũng không hiểu vì sao dạo này hắn ra biển muộn. Chắc mấy con còng nhớ hắn lắm. Hắn đứng trước cổng mỗi chiều. Tay mân mê cái vành tô mẻ mất một miếng. Nghe tiếng rao, tiếng quang gánh, tiếng chén va vào nhau tanh tách. Cơ mặt hắn giãn ra. Hắn gọi: “Chè...”. Thư không thích ăn ốc. Nhưng Thư đổi chè cho hắn lấy những con ốc còn sống. Thư dặn hắn để nó sống cho mình. Mỗi lúc về ngang qua mỏm đá nơi hắn lặn ốc, Thư thả mấy con ốc xuống ghềnh. Phải chăng Thư sợ ghềnh hết ốc, hắn sẽ không ăn chè của Thư nữa? Biển xô ghềnh đá... Mấy con ốc vui mừng bên biển.
***
Chàng trai và cô gái yêu nhau, họ đẹp đôi biết mấy! Họ yêu nhau bên biển mỗi chiều, nhìn nhau và nhập nhoạng vào đêm. Cô gái nói: “Em muốn là còng biển, sẽ trở về với đất liền, xe cát biển đông...”. Một buổi chiều gió, cô ra biển vớt rong biển về nấu chè, món chè rong biển. Cô đã không trở về. Chàng trai chân trần chạy dọc bờ biển tìm con còng gió lạc loài.
Chàng đến một xóm chài nhỏ, cố tìm nơi không có còng để tìm quên. Quên quá khứ. Nhưng chàng vẫn nhìn vào con còng gió. Nhìn vào mắt nó, để xem phải đôi mắt người quen xưa chăng? Con còng chợt cắn vào môi hắn... “Ai chè lá ngái hông?”...
Giật mình. Hắn đang mơ. Một giấc mơ của quá khứ hay hiện tại? Mồ hôi ướt đầm lưng áo. Hắn chạy nhanh ra biển thả mình vào sóng. Sóng mơn man, mơn man…
B.T.T