Thực hiện Chương trình XDNTM: Cần có giải pháp nâng cao đời sống vật chất của người dân
Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, trong đó có sự đóng góp quan trọng của người dân, đến cuối năm 2014 toàn tỉnh đã có 7 xã đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới. Tuy vậy, để người dân thực sự là chủ thể, có nhiều đóng góp để thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM), ngành chức năng và chính quyền các địa phương cần phải thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao thu nhập của người dân.
Xã Hoài Mỹ (Hoài Nhơn) đã có nhiều nỗ lực trong việc kết nối nông dân với doanh nghiệp để xây dựng vùng sản xuất lúa giống chất lượng cao.
- Trong ảnh: Nông dân tham quan cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa giống tại xã Hoài Mỹ.
Lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt các cấp ủy Đảng, chính quyền, hội - đoàn thể triển khai các biện pháp cụ thể, sớm đưa Chương trình XDNTM vào cuộc sống. Thực tế cho thấy, bên cạnh việc tuyên truyền, nhằm nâng cao nhận thức của nhân dân và vận động nhân dân tích cực tham gia thực hiện Chương trình, các địa phương đã đẩy nhanh công tác quy hoạch; huy động nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng.
Nhờ vậy, qua hơn 4 năm thực hiện Chương trình XDNTM, tổng nguồn vốn huy động để thực hiện Chương trình địa bàn tỉnh đạt gần 2.758 tỉ đồng. Trong đó, vốn ngân sách hỗ trợ trên 1.120 tỉ đồng, chiếm 40,6%; vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án 1.395 tỉ đồng, chiếm 50,6%; vốn đóng góp của cộng đồng dân cư trên 209 tỉ đồng, chiếm 7,6%; vốn huy động từ các doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác 33,1 tỉ đồng, chiếm 1,2%. Các địa phương đã sử dụng các nguồn vốn nói trên để xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện lưới, trường học, trạm y tế, hỗ trợ người dân phát triển sản xuất…
Đến cuối năm 2014, tỉnh ta có 7 xã đạt 19/19 tiêu chí về NTM. Tuy vậy, so với tổng nguồn vốn huy động được hơn 4 năm qua để thực hiện Chương trình XDNTM, thì nguồn vốn đóng góp của cộng đồng dân cư chiếm tỉ lệ 7,6% là không cao.
Hơn nữa, kết quả giám sát của Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND tỉnh cho thấy, phần lớn những tiêu chí đạt được của các xã XDNTM hiện chỉ mới tập trung vào các lĩnh vực như: Hệ thống chính trị, an ninh trật tự xã hội, bưu điện, điện, văn hóa, nhà ở dân cư và hình thức tổ chức sản xuất... Còn những tiêu chí quan trọng mang tính đột phá, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn và đời sống nông dân, như: Thu nhập, tỉ lệ hộ nghèo, môi trường, cơ sở vật chất văn hóa, giao thông nông thôn, thủy lợi… thì số địa phương đạt được còn thấp. Điều đó cho thấy, tiềm lực kinh tế của người dân còn thấp, việc huy động vốn trong dân để XDNTM vẫn còn nhiều khó khăn.
Với tiêu chí số 10 về thu nhập (theo bộ tiêu chí Quốc gia quy định, xã đạt tiêu chí số 10 phải có thu nhập bình quân đầu người cao hơn 1,4 lần thu nhập bình quân chung của tỉnh), để đảm bảo và duy trì được tiêu chí này là không hề đơn giản, ngay cả những xã đã đạt chuẩn NTM. Bởi phần lớn thu nhập chính của người dân ở khu vực nông thôn tỉnh ta đều từ sản xuất nông nghiệp, nhưng đất sản xuất không nhiều, mạnh mún, sản xuất nông nghiệp lại thường gặp nhiều rủi ro do thiên tai, hạn hán, bão lũ… Hơn nữa, đầu ra sản phẩm còn phụ thuộc vào giá cả thị trường. Với những xã thuần nông thì việc đảm bảo tiêu chí số 10 khó khăn hơn.
Dẫu người dân có ý thức được tầm quan trọng và lợi ích của Chương trình XDNTM đối với đời sống vật chất, tinh thần của cộng đồng dân cư, nhưng khi họ còn phải lo toan giải quyết cái ăn, cái mặc trước mắt thì rất khó có thể đóng góp nhiều công sức và tiền của để XDNTM. Do vậy, theo chúng tôi, để người dân thực sự là chủ thể thực hiện Chương trình XDNTM, ngành chức năng và chính quyền các địa phương cần phải tham vấn cộng đồng, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của người dân.
Bên cạnh đó, xác định tiềm năng và lợi thế của từng địa phương để quy hoạch vùng sản xuất, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; khuyến nghị, tư vấn cho người dân lựa chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp đưa vào sản xuất theo chuỗi liên kết, tạo vùng sản xuất sản phẩm hàng hóa tập trung có chất lượng cao, gắn với công nghiệp chế biến, nhằm hạn chế rủi ro, giảm chi phí đầu vào, tăng hiệu quả đầu tư. Đồng thời phát triển mạnh mẽ các mô hình liên kết 4 nhà: Nhà nước, nhà khoa học, nhà nông và doanh nghiệp, trong đó chú trọng đến yếu tố nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, gắn với việc giải quyết đầu ra sản phẩm cho người dân.
Mặt khác, cần phải duy trì và phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp và làng nghề truyền thống ở khu vực nông thôn, gắn với việc đảm bảo môi trường; nhằm tăng nguồn thu, giải quyết công ăn việc làm cho người dân.
Và khi đời sống vật chất của người dân được nâng cao thì việc huy động công sức, tiền của trong dân để XDNTM sẽ dễ dàng và hiệu quả hơn.
MINH HẰNG