Phạm tội do nhận thức mơ hồ, kém hiểu biết
Có nhiều trường hợp bị truy tố và phải đi tù dù bị cáo không hề trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội. Họ không ngờ rằng việc a dua, làm ngơ trước hành vi phạm pháp cũng là phạm pháp.
Lãnh án vì tô cháo gà
Bị truy tố về tội cướp, trộm cắp tài sản, song Lê Hoàng Hải (SN 1995, tại Phù Mỹ) không hề trực tiếp tham gia thực hiện hành vi phạm pháp này. Nguồn căn của sự việc diễn ra khi Hải và nhóm bạn của mình là Võ Duy Tiên, Lê Đức Linh, Lại Văn Hộp, Trần Quang Thạch, Nguyễn Quốc Học, Lê Văn Hoàng cùng nhậu và khi hết mồi thì bàn tính việc đi trộm để có mồi nhậu tiếp.
Sau khi bàn xong, Hải và một người trong nhóm say nên đi ngủ, những người còn lại đi trộm gà của các nhà dân. Số gà trộm được, nhóm này đem đi bán, còn lại một vài con gà chết thì đem về nấu cháo ăn. Chỉ đến khi cùng ăn cháo gà thì Hải mới được đồng bọn cho biết đây là gà ăn trộm. Trước tòa, trả lời cho câu hỏi của HĐXX tại sao biết sự việc bạn mình đi trộm mà không có ý kiến gì, Hải nói vì mình không trực tiếp tham gia nên không nghĩ mình có tội. Tại phiên tòa sơ thẩm, Hải bị tuyên 39 tháng tù giam về tội cướp, trộm cắp tài sản, nhưng tại phiên tòa phúc thẩm, tội danh của Hải được chuyển thành không tố giác tội phạm.
Khác với Hải, Đ.V.M. (Phù Mỹ), dù tham gia vụ cướp nhưng chỉ làm nhiệm vụ đứng cùng cho đông nhằm uy hiếp tinh thần nạn nhân để đồng bọn chặn xe xin tiền, vẫn bị truy tố về tội cướp tài sản. Theo hồ sơ vụ án, khoảng 1 giờ 20 phút ngày 2.3.2014, Đ.V. M., sau khi uống hết rượu cùng nhóm bạn tại đường ray xe lửa thuộc thôn Nghĩa Lộc, xã Mỹ Lộc, huyện Phù Mỹ, Nguyễn Công Trứ (bạn trong nhóm của M.) rủ cả nhóm xuống QL1A chặn ô tô tải đường dài, nhằm chiếm đoạt tiền để ăn nhậu tiếp.
Với hành vi này, M. vẫn bị xử phạt 12 tháng tù giam về tội cưỡng đoạt tài sản. Thời điểm phạm tội, M. đang là học sinh lớp 11, học lực khá và là con ngoan của gia đình. Bị bắt giam đồng nghĩa với việc M. phải tạm gác lại con đường học vấn của mình. Khi ba mẹ M. biết chuyện, họ hoàn toàn không ngờ tới. Mẹ của M. sụt sùi: “Hàng ngày sau giờ học, M. đều phụ giúp gia đình làm việc nhà và trông em, có ngờ đâu lại xảy ra cớ sự vậy”.
Thực tế cho thấy, nhiều đối tượng bị khởi tố với vai trò đồng phạm trong các vụ án nhưng thậm chí không nhận thức được hành vi của mình là phạm tội, cho đến khi nhận được cáo trạng truy tố và bị đưa ra xét xử, bởi khi thực hiện hành vi thường là a dua, làm theo số đông.
Phạm tội do nhận thức mơ hồ
Nói như trợ giúp viên pháp lý Lê Thành Trung, Trưởng chi nhánh Trợ giúp pháp lý số 3 huyện Phù Mỹ (Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh), nhận thức về hành vi phạm tội do cố ý hay vô ý của nhiều người còn rất mơ hồ, có không ít bị cáo khi bị bắt vẫn không hiểu mình phạm tội gì. Chia sẻ của bị cáo Lê Hoàng Hải chỉ ra điều này - “Cũng chỉ vì nghĩ mình không tham gia thực hiện hành vi thì không có tội, nên đến lúc bị bắt, tôi hoàn toàn bất ngờ và không hiểu tại sao, tại sao mình chỉ ăn tô cháo gà mà sao lại phạm tội. Nhưng sau khi được giải thích, tôi mới nhận thức được rằng, dù mình không tham gia nhưng biết và không tố giác hành vi sai trái cũng là phạm pháp”.
Ông Đỗ Tấn Phước, Trưởng Phòng Thực hành quyền công tố - kiểm sát điều tra - kiểm sát xét xử sơ thẩm án hình sự về trị an - an ninh- ma túy, Viện KSND tỉnh, nhận xét: “Trong một số vụ án có nhiều người cùng tham gia, có những tình tiết diễn ra rất phức tạp. Qua thực tế xét xử cho thấy có rất nhiều trường hợp đồng phạm khác nhau, tuy nhiên có thể chia làm hai dạng chính: phạm tội có tổ chức và phạm tội giản đơn (a dua)”.
Do đó, để nâng cao nhận thức của mọi công dân trong việc tuân thủ pháp luật, nhất là việc phạm tội do a dua dù dưới bất kỳ hình thức nào cũng là vi phạm pháp luật, các cơ quan, đoàn thể cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân, nhất là đối tượng thanh thiếu niên, về những quy định vi phạm pháp luật có thể vô tình phạm tội.
KIỀU ANH