Qua 6 năm triển khai Nghị quyết 30a/NQ-CP: Miền núi Bình Định đổi thay tích cực
Triển khai từ năm 2009, Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ (gọi tắt là Nghị quyết 30a) đã làm thay đổi bộ mặt miền núi, cải thiện đời sống người dân, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững.
Tỉnh ta có 3 huyện miền núi Vân Canh, Vĩnh Thạnh, An Lão được hưởng chính sách hỗ trợ Nghị quyết 30a. Nguồn lực hỗ trợ cho các huyện thuộc Nghị quyết 30a những năm qua hơn 1.746 tỉ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương phân bổ hơn 718,8 tỉ đồng; nguồn vốn lồng ghép từ các chính sách khác trên 633,5 tỉ đồng; ngân sách tỉnh là 306,1 tỉ đồng; các doanh nghiệp, hội đoàn thể hỗ trợ hơn 88 tỉ đồng.
Huyện nghèo khoác “áo mới”
6 năm, đã có 367 công trình (tổng kinh phí hơn 531,8 tỉ đồng) được đầu tư triển khai trên địa bàn 3 huyện Vân Canh, Vĩnh Thạnh, An Lão từ nguồn vốn Nghị quyết 30a. Những công trình trọng điểm thiết yếu về điện, thủy lợi, nước sinh hoạt, trường học, y tế, giao thông... đã thật sự làm vùng cao của tỉnh bừng thêm sức sống mới.
Tròn 40 năm quê hương giải phóng, bà con Bana ở làng Kon Trú (xã Vĩnh Kim, huyện Vĩnh Thạnh) hân hoan đón điện lưới quốc gia về làng. Sau con đường bê tông vượt núi dẫn “phố” về làng, những cột điện bê tông vững chắc với cánh tay xà sứ vươn ra đón sợi cáp điện tiếp tục trở thành một niềm tự hào của người dân ở bản vùng cao này. Một luồng sinh khí mới đang phả lên mảnh đất này.
Ông Đinh Văn Nghép, Bí thư làng Kon Trú, chia sẻ trong vui mừng: “Bây giờ làng đổi thay, khang trang lắm rồi. Những năm qua, nhờ vào chính sách của Đảng, Nhà nước, Kon Trú được hỗ trợ định canh định cư, được mở đường về làng, có điện thắp sáng... Đời sống vật chất, tinh thần của bà con cũng theo đó mà được nâng cao lên”.
Nhiều làng vùng cao khác cũng có những đổi thay. Ở “cổng trời” Canh Liên, huyện Vân Canh, kỳ tích về điện, đường đã mở ra nhiều niềm vui lớn. Con đường bê tông vững chãi nối từ huyện về trung tâm xã là “giấc mơ có thật” nhiều năm qua. Ngay sau đó, đường bê tông tiếp tục trải khắp 4/8 làng của xã, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con Bana nơi đây đi lại, làm ăn phát triển kinh tế. Hơn thế, các công trình về nước sạch, trường học cũng đã phần nào thu ngắn khoảng cách về cơ sở hạ tầng giữa xã vùng cao và các xã đồng bằng.
Ông Đinh Văn Diễn, Chủ tịch UBND xã Canh Liên, cho biết: “Đến nay, ước mơ bao đời của người dân về điện, đường, trường, trạm đã trở thành hiện thực. Từ đây, người dân phấn khởi, nỗ lực để thoát nghèo, đưa vùng cao đi lên”.
Trường, lớp của học trò vùng cao nay đã khang trang, vững chãi.
- Trong ảnh: Thầy và trò Trường Tiểu học An Trung, huyện An Lão trong một tiết học.
Thoát nghèo bền vững
Bên cạnh đầu tư về cơ sở hạ tầng, nhiều chính sách về hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm của Nghị quyết 30a đã đi vào cuộc sống, giúp người dân địa phương ổn định cuộc sống, tăng thu nhập. 4.404 hộ dân được thụ hưởng chính sách khoán chăm sóc, bảo vệ rừng và giao đất để trồng rừng sản xuất với 51.395ha. Nhằm đảm bảo lương thực, chính sách khai hoang, phục hóa, tạo ruộng bậc thang để sản xuất nông nghiệp đã được đẩy mạnh. Làng Đak Chum (xã Vĩnh Hảo, huyện Vĩnh Thạnh) được hỗ trợ khai hoang tạo ruộng lúa nước. Người dân xã Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Thạnh) được hỗ trợ khai hoang tạo ruộng bậc thang. 85 hộ dân huyện An Lão đã có 4.573 ha đất sản xuất nhờ vào chính sách này. Ngoài ra, 18.000 hộ dân đã được hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi để phát triển sản xuất, tăng thu nhập.
Công tác tạo xuất khẩu lao động cũng có tín hiệu tích cực. Trong 6 năm đã có 302 người đi xuất khẩu lao động. Trung bình, mỗi tháng, người lao động gửi về gia đình 4 - 6 triệu đồng. Nhằm nâng cao trình độ dân trí cho người dân, hàng trăm lớp bồi dưỡng, tuyên truyền về chủ trương chính sách pháp luật, chính sách giảm nghèo bền vững, chương trình nông thôn mới cũng... đã được thực hiện, thu hút sự tham gia của 17.977 cán bộ cơ sở, già làng, trưởng bản, thanh niên dân tộc thiểu số. Mặt khác, 2.285 người lao động đã tham gia 122 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Kết quả, khoảng 75% lao động đã có việc làm sau đào tạo.
Sau 6 năm, tỉ lệ hộ nghèo tại cả 3 huyện nghèo đều đã giảm theo tinh thần của Nghị quyết 30a. Đến cuối năm 2014, tỉ lệ hộ nghèo 3 huyện còn 40,26%, trung bình mỗi năm giảm từ 4 đến 5%. Thu nhập bình quân đầu người huyện Vân Canh đạt 15,41 triệu đồng/năm; huyện Vĩnh Thạnh là 15,634 triệu đồng/năm; huyện An Lão là 10,613 triệu đồng/năm. Đáng nói, nhận thức của người dân, đặc biệt là hộ nghèo dân tộc thiểu số trên địa bàn đã có nhiều chuyển biến, từng bước đẩy lùi các hủ tục lạc hậu, các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch.
NGUYỄN MUỘI