Hóa giải áp lực mùa thi
Tháng 5, phượng bắt đầu chớm nụ. Những cô cậu học trò bước vào kỳ thi học kỳ II, rồi chuyển cấp. Câu chuyện áp lực mùa thi đến hẹn lại lên.
Tự giải tỏa được áp lực thi cử trong các kỳ thi sẽ giúp cho học sinh tự tin hơn.
- Trong ảnh: Học sinh Trường THPT Quốc học Quy Nhơn thi tốt nghiệp THPT năm học 2013-2014. Ảnh: VĂN LƯU
Áp lực: Từ trong đến ngoài
“Học đi con!” đang là câu cửa miệng của nhiều phụ huynh vào thời điểm này, khi kỳ thi cuối năm hay cuối cấp đã cận kề. Ngay cả tôi, một người vốn không quá đặt nặng vấn đề điểm số thi cử, song trước việc con đã vào được lớp chọn, và đôi lúc vì sĩ diện của chính mình, cũng thường xuyên đe nẹt: “Con học sao thì học nhưng nếu kết quả thấp hơn học kỳ I là không được đâu”.
Có phụ huynh lo lắng cho việc học tập, thi cử của con đến mức gần như bị stress, nhất là khi thấy con xao nhãng trong giai đoạn “dầu sôi lửa bỏng”. Nhắc đến đứa con gái đang học lớp 12, chị Thu Ngân (phường Trần Hưng Đạo, Quy Nhơn), trút nỗi lòng: “Vì con không chăm chỉ nên vợ chồng tôi phải nhắc chừng con học, có khi la rầy, khiến nó nhiều lúc nổi quạu, nhăn nhó khó chịu”.
Ngay cả một số học sinh cuối cấp cũng tự làm áp lực cho chính mình trước ngưỡng kỳ thi quan trọng. Đầu năm học này, cả gia đình Tuấn Thanh, một học sinh lớp 9, rất ngạc nhiên trước tuyên bố của con: “Năm nay, con sẽ đậu vào trường chuyên, lớp chọn, chí ít cũng bằng chị Hai. Để rồi xem, mèo nào cắn mỉu nào”. Cháu đăng ký học thêm mấy cua toán, văn và ôn tập chăm chỉ, rất khác so với thái độ học tập trước đó. Tuy nhiên, mẹ của Tuấn Thanh là chị Thanh Duyên lại rất băn khoăn: “Chị tôi có đứa con học giỏi, ngoan lắm, nhà tôi vẫn thường lấy đó làm gương và so sánh với con mình. Cứ ngỡ con vô tâm trước những lời so sánh, ngờ đâu nó để bụng, quyết chí phải bằng hoặc vượt hơn mốc mà chị họ nó đạt được. Thấy con tự làm áp lực cho mình, chăm chỉ học, tôi mừng, nhưng lỡ như cháu không đạt được như ý nguyện thì sao. Tính nó sĩ diện rất cao…”.
Tìm cách hóa giải
Bác sĩ Huỳnh Văn Phương, Trưởng khoa khám, Bệnh viện Tâm thần tỉnh, cho hay, học sinh bị căng thẳng, rối nhiễu tâm lý trong mùa thi, tuy không xảy ra nhiều song thi thoảng vẫn gặp. “Cách đây mấy tháng, có một số trường hợp được gia đình đưa đến đây điều trị. Em thì lo lắng sợ không đậu vào trường chuyên, lớp chọn trong kỳ thi lên cấp III. Cũng có vài ba em, vì quá lo âu trước sự thay đổi của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, sợ không đủ điều kiện xét tuyển vào trường ĐH mình thích, nên thường xuyên bị nhức đầu và mất ngủ. Áp lực trong kỳ thi, tuy không phải là nguyên nhân gây ra bệnh tâm thần, nhưng với người có thần kinh yếu, thì đây là xúc tác có thể làm bệnh phát triển”, bác sĩ Phương khuyến cáo.
“Sau này có con, nhất định tôi sẽ để con mình sống thật thoải mái, vừa chơi vừa học, khuyến khích con kết bạn, chơi thể thao. Các vị phụ huynh đừng vì kỳ vọng của mình mà khiến trẻ em bị mất một phần tuổi thơ”
Anh Ðặng Tuấn D. (phường Lê Hồng Phong, Quy Nhơn), sinh viên y khoa Trường ÐH Y Dược TP Hồ Chí Minh
Mới đây, trong chuyên mục Góc riêng tư của tuoitreonline.com, một chuyên gia tư vấn tâm lý chia sẻ, nếu con trẻ luôn cảm thấy bị áp lực, sợ thi kết quả không tốt, sợ không như kỳ vọng của bố mẹ, thì sẽ thấy bất an, lo lắng trong kỳ thi. Thậm chí, kết quả thi đã có thì hậu quả lo lắng vẫn còn, dẫn đến sợ học. Điều này thể hiện ở việc con đã thi vào được trường tốt nhưng sau đó lại tuột dốc, không hoàn thành được chương trình học ở nơi mà trẻ đã khát khao được vào.
Đặng Tuấn D. (phường Lê Hồng Phong, Quy Nhơn), sinh viên y khoa Trường ĐH Y Dược TP Hồ Chí Minh, là một điển hình như vậy. Đậu vào trường y với 28 điểm, nhưng ngay trong năm đầu tiên, D. bị trượt dốc, thi lại liên miên, đến năm học thứ ba mới lấy lại được thăng bằng. D. tâm sự: “Học chuyên ngành Y, đến giờ tôi mới biết ngày nhỏ mình đã bị trầm cảm khi chỉ cắm đầu cắm cổ học hành, không thích chơi với bạn vì sợ mất thời gian. Vì vậy, chỉ một cú sốc nhỏ trong chuyện tình cảm, rồi thất vọng vì điểm số không cao, tôi trượt dài trong âu lo, chán nản. Tôi cũng chẳng có được người bạn thân thiết nào để mà giãi bày tâm sự, an ủi, nên cứ loay hoay không biết thoát ra khỏi nó như thế nào. Sau này có con, nhất định tôi sẽ để con mình sống thật thoải mái, vừa chơi vừa học, khuyến khích con kết bạn, chơi thể thao. Các vị phụ huynh đừng vì kỳ vọng của mình mà khiến trẻ em bị mất một phần tuổi thơ”.
Áp lực đúng lúc, đúng chỗ sẽ mang lại hiệu quả. Cái chính là cha mẹ phải biết làm sao để sau mỗi mùa thi, con phải có khát khao chinh phục thêm những đỉnh cao mới, chứ không nên tạo ra một sự ám ảnh về thi cử. Một khi con cái thấy thi cử thực sự là gánh nặng, chắc hẳn chúng không muốn đeo mang, thậm chí còn phản kháng. Cách tốt nhất, chỉ nên coi kỳ thi là mốc đánh giá quá trình học hành phấn đấu của trẻ chứ không phải là để đánh giá một đứa trẻ.
ÁNH NGUYÊN
Ðừng tự “mua dây buộc mình”
Một lần, tình cờ nghe được câu chuyện của vị khách trên cùng chuyến bay, tôi không khỏi chạnh lòng. Ðứa em của chị học rất giỏi và luôn nghĩ mình sẽ thi đậu vào trường chuyên. Kết quả thi không tốt, em đón nhận với một thái độ buồn bã, âu lo, hay nói chuyện một mình, không thích tiếp xúc với bạn bè. Gia đình phát hiện, đưa con đi chữa trị nhưng bệnh không giảm. Giờ đây, khi các bạn cùng trang lứa vui vẻ, phấn khởi học hành thì em suốt ngày chỉ thích lang thang đây đó và luôn phải có người ở nhà túc trực, canh chừng.
Anh Trung Ðức, nhà ở đường Lê Hồng Phong, Quy Nhơn, cho biết, thời gian con ôn thi ÐH, anh thường động viên con tập trung học, nhưng không đậu thì cũng chẳng sao. Có nhiều con đường để đi đến thành công. “Cái ba mẹ quan tâm là con thích học gì, và làm gì để đạt được điều mình thích. Nếu con nghĩ, học để lấy mác ÐH cho oai thì hãy để thời gian, tiền bạc đó mà học cái nghề cho thật tốt để có thể tự nuôi thân. Suy cho cùng, học nghề cho giỏi còn tốt hơn cái anh đại học làng nhàng. Ba ra đời cũng chẳng có bằng cấp, cũng chẳng tiền bạc gì nhiều. Nhưng nếu ta thực sự cố gắng hết sức trong mỗi công việc đang làm và yêu thích nó, thì cũng có được chút thành công. Nghe tôi mở đường vậy, con bé thấy thoải mái lắm. Giờ nó học năm 3 Trường ÐH Kiến trúc rồi”, anh Ðức kể lại.
NGUYỄN SƠN (ghi)