Ra khơi theo những chuyến mành trủ
* Phóng sự dự thi của Đoàn Ngọc Nhuận
Trong nghề biển ở Bình Định, việc đánh bắt xa bờ được khuyến khích, nhiều ngư dân đầu tư vốn đóng tàu lớn vươn ra khơi xa mang lại hiệu quả khai thác đáng kể. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn một bộ phận ngư dân ít vốn, hoặc không muốn di chuyển ngư trường thì chỉ sắm tàu thuyền nhỏ chuyên đánh bắt gần bờ. Chẳng hạn như xã Nhơn Hải (thành phố Quy Nhơn) phần lớn ngư dân đánh bắt gần bờ với với nghề mành rút trủ. Và có dịp cùng với ngư dân khai thác, kéo lưới, bạn sẽ thấy đời ngư dân còn lắm nỗi niềm…
Khi biết “ý đồ” của chúng tôi (muốn viết báo), bác Phạm Hữu Phước (52 tuổi ở thôn Hải Nam, xã Nhơn Hải) thuyền trưởng thuyền đánh cá (biển số BĐ – 10815 – TS) không ngần ngại mời chúng tôi cùng trải nghiệm với đánh bắt gần bờ - nghề mành rút trủ…
Ra khơi tìm cá
Khi hoàng hôn buông xuống, mặt trời dần khuất sau dãy núi, ánh lên sắc vàng cam rực rỡ xuống bãi biển cũng là lúc các ngư dân chuẩn bị ghe thuyền, ngư lưới cụ, dầu, nước, đồ ăn… để ra khơi. Sau khi ngồi chờ đủ 8 người đi bạn ghe đã đến đông đủ, chúng tôi lên thúng chai để bơi ra thuyền. Tầm hơn 5 giờ rưỡi chiều, mọi người đã lên thuyền. Máy thuyền đã nổ, chiếc thúng chai được đưa lên thuyền, kéo neo và xuất bến. Cùng lúc, nhiều thuyền khác cũng bắt đầu nhổ neo và chạy ra khỏi lạch biển…
Thuyền trưởng Phước bật nguồn chiếc máy dò cá lên, mắt chăm chú nhìn về phía trước để quan sát, tay nhấn ga máy nổ lớn, đôi chân đạp chiếc lái vô lăng điều khiển chiếc ghe rẽ sóng ra khơi. Thuyền chạy dọc gành tiến về hướng Nhơn Lý, đôi mắt ông không ngừng quan sát tín hiệu báo của máy dò cá, chốc chốc lại ngó thẳng qua ô cửa ca bin để điều khiển thuyền chạy. Ngư dân Trần Văn Sáu tâm sự: “Chú đi biển cũng đã hơn 30 năm rồi; mành lưới, mành trủ nói chung nghề nào cũng làm. Nghề mành trủ vất vả hơn mành lưới, làm thì nặng, lại thức đêm nhiều, nếu có cá thì bủa nguyên đêm từ 5 - 7 lần, phải thức trắng đêm; thu nhập thì lúc trúng biển cũng nuôi gia đình, còn biển “đói” thì mình cũng “đói” theo.”.
Ngư dân Nhơn Hải bắt đầu theo nghề mành trủ vào khoảng đầu những năm 90 của thế kỷ trước, chủ yếu là bủa rọi để đánh dấu vùng cá và có khi cũng bủa đèn, đánh bắt chủ yếu các loại cá trong lộng gần bờ như cá cơm, cá nục, mực… hết mùa cá khi đến mùa biển động thì mành trủ khai thác, đánh bắt tôm hùm giống.Tham gia chuyện về nghề biển, ngư dân Ngô Đức Phiên trải lòng: “Nếu đi mành trủ một đêm thuyền có tổng thu nhập được khoảng 5 triệu thì tới tháng chia tiền mới “có ăn”. Chứ đêm nào mà làm được ít hơn mức đó coi như chỉ đủ tiền dầu, có khi còn lỗ tổn.”
Bủa lưới
Khoảng 7 giờ đêm, thuyền chúng tôi đã di chuyển đến vùng biển cách bãi Kỳ Co (Nhơn Lý) khoảng 5 hải lý. Máy dò báo tín hiệu có cá ở độ sâu từ 14,7m - 15m, thuyền trưởng hạ ga máy, cho thuyền đảo vòng lại. Tất cả mọi thuyền viên ai nấy vào vị trí. Quan sát xung quanh, thuyền trưởng Phước hô lớn: “bỏ rọi”. Mọi người đã ở tại vị trí làm việc của mình, dàn lưới được bủa xuống biển và thuyền trưởng nhấn ga cho thuyền chạy bủa lưới theo vòng tròn bao trùm vị trí của cây đèn rọi đã được thả xuống trước đó để đánh dấu xác định vị trí đàn cá. Chừng 20 phút sau khi thả lưới, thuyền trưởng ra lệnh kéo dây rút để thu khoen lên thuyền, mọi người mặc quần mưa (để chống thấm nước) và bắt đầu kéo lưới. Đầu phao và một phần lưới được đưa vào máy kéo để kéo lên, những đoạn lưới trủ màu xanh lá cây được kéo dần lên thuyền bởi những đôi tay lực lưỡng, săn chắc của những ngư dân.
Trên 35 năm làm biển, thuyền trưởng Phước đúc kết kinh nghiệm: “Ngoài sự hỗ trợ của máy móc hiện đại. Người cầm lái còn phải có kinh nghiệm trong việc đi biển như đoán con nước chảy xuôi – ngược, trời ra sao, dòng cá di chuyển thế nào... để bủa. Nếu mành đèn thì bủa thuận theo con nước chảy. Tức là nước chảy lên thì bủa lên, chảy xuống thì bủa xuống. Còn mành trủ thì bủa theo con nước ngược lại với mành lưới. Nếu theo kinh nghiệm cầm lái đi biển hồi giờ thì khi nhìn máy dò báo tín hiệu có cá thì cũng xác định được 70 – 80% đó là loại cá gì để bủa lưới.”
Sau gần một tiếng đồng hồ dàn lưới đã được kéo hết lên thuyền, ai nấy cũng đều phấn khởi vì bủa được cá. Lần bủa thứ nhất ước chừng được trên 15 kết cá kình hạt dưa lộn cá nục to bằng ngón tay, những con cá nằm trong đãy búng nhảy tung tăng, sủi bọt trắng xóa trên mặt biển, lẫn trong đãy cá là những con mực ống, mực thước phóng nhanh trên mặt nước… Tất cả “sản phẩm” được đưa vô vợt và kéo lên đổ đầy trên khoang thuyền. Xong mẻ lưới thứ nhất các bạn thuyền tiếp tục công việc cho lần bủa tiếp theo. Đến 10 rưỡi đêm, qua 3 lần bủa lưới thuyền chúng tôi thu được 73 kết cá (gần 1 tấn) và bán cá cho ghe rỗi nước.
Mọi người tranh thủ nghỉ ngơi và làm cá, mực để nấu cơm ăn. Và những câu chuyện được các ngư dân bàn tán xôn xao. Chuyện nghề, chuyện đời, những khó khăn lo toan trong cuộc sống được họ trải lòng trong những bữa cơm trên biển. Dù các bạn thuyền mỗi người mỗi tuổi khác nhau, nhưng khi đã ra biển thì họ đoàn kết để cùng làm, cùng chia sẻ niềm vui - nỗi buồn, sống tình nghĩa yêu thương lẫn nhau. Đối với các thuyền đi biển cũng vậy, khi gặp khó khăn hoạn nạn trên biển thì thuyền này giúp đỡ thuyền kia, không kể ở cùng hay khác địa phương.
Ngư dân trẻ Đoàn Văn Lanh, tâm sự: “Nghề này vào mùa Đông biển động, có khi đài báo gió cấp 6 – cấp 7, trời lạnh lẽo, sóng gió vất vả vẫn đi làm. Vì lúc đó mới là mùa chính, có tôm hùm giống, làm mới có tiền. Năm nào làm tôm trúng thì vui lắm... Nhưng thanh niên bây giờ cũng không ham làm biển nữa, họ đi làm những việc trên bờ để có thu nhập ổn định hơn... ”.
Sau khi ăn cơm xong, thuyền chúng tôi tiếp tục bủa lưới ở độ sâu từ 37m – 40m rồi thả neo. Làm nghề gần bờ mọi người cũng có thời gian nghỉ ngơi nhiều hơn chút đỉnh. Đến khi mặt trời vừa ló dạng, thuyền trưởng đã giục mọi người thức dậy, nhổ neo để bủa nhát lưới cuối cùng và chạy thuyền về bến để bán cá, kết thúc một đêm đi biển vất vả. Dù ai cũng thấm mệt sau một đêm làm việc với 5 lần bủa lưới nhưng với kết quả trên 130 kết cá (khoảng 2 tấn) thu được hơn 5 triệu đồng, coi như đủ ăn, không bị lỗ tổn nên ai cũng thấy còn may mắn.
Nỗi lòng ngư dân
Những ngư dân làng biển Nhơn Hải quê tôi, sinh ra và lớn lên từ biển, biết bao nỗi nhọc nhằn, lo toan trong cuộc sống thường ngày mà họ đã gắn bó với nghề biển; vất vả là thế nhưng niềm lạc quan, yêu cuộc sống vẫn luôn thấm đậm trong tâm hồn mỗi người.
Và sau một đêm trải nghiệm cùng ngư dân đánh bắt gần bờ dù chưa đủ để thấm mùi biển mặn, nhưng hình ảnh người ngư dân lao động trên biển để lại trong tôi những ấn tượng khó quên. Có một bạn biển nói với tôi: “Ngư dân quê mình tuy “ăn sóng, nói gió” nhưng lại chất phác, thật thà và nhiệt tình”. Và những gì sau một đêm biển còn đọng lại trong tôi như muối biển mặn là cái tình ngư dân thật thà, chất phác đáng trân trọng ấy.
Tôi bước đi trong ánh nắng sớm trên bãi biển Hải Nam và lời tâm sự của của thuyền trưởng Phạm Hữu Phước như còn văng vẳng trong tiếng sóng ầm ào phía sau lưng: “Biển giả mà, lúc có lúc không, khi đói khi no. Mấy năm trước biển no, nghề mành trủ làm cũng được lắm. Nhưng giờ càng ngày làm biển càng khó. Mong sao sau này con mình học hành “ngon lành” khỏi phải làm nghề biển vất vả như mình…”.
Đ.N.N