Vật liệu không nung và câu chuyện “mở đường”
Chỉ một thời gian ngắn nữa, gạch, ngói nung theo kỹ thuật truyền thống sẽ bị “khai tử” để nhường đường cho sản phẩm vật liệu xanh - vật liệu không nung (VLKN) - ra đời và phát triển. Song, hiện người tiêu dùng trong tỉnh vẫn còn rất e dè với loại vật liệu mới này. Còn những người can đảm đi tiên phong trong lĩnh vực sản xuất VLKN đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm.
Loay hoay tìm thị trường
Tại khu DC5 (đường Nguyễn Thị Định, TP Quy Nhơn), trong số hơn chục ngôi nhà đang được dựng lên, căn nhà của ông Lê Phạm Ngãi Trang (50 tuổi, lô 46) trở nên đặc biệt. Giữa rất nhiều bức tường chưa tô màu đỏ, căn nhà 3 tầng màu xám sừng sững của ông Trang lẻ loi và khác biệt. Đây cũng là ngôi nhà đầu tiên ở TP Quy Nhơn sử dụng 100% VLKN trong xây dựng.
VLKN có ưu điểm bền, rẻ, cách âm, cách nhiệt, chống thấm cao, ít bám rong rêu; tiết kiệm vữa xây trát tới 2,5 lần so với gạch đất nung; giảm được chi phí nhân công, đạt được tiến độ nhanh cho các công trình xây dựng.
Ông Trang cho biết: “Phải sau rất nhiều lần tìm hiểu, tôi mới hết băn khoăn để mạnh dạn chọn “gạch xám” cho ngôi nhà”.
Quả như ông Trang nói, “gạch đỏ” vẫn là lựa chọn đầu tiên cho căn nhà của nhiều người, bởi thói quen và cả sự khẳng định qua thời gian. Thêm nữa, sự “nóng” lên của thị trường vật liệu nung những ngày này, chuyện nhiều gia đình, dù chưa đến ngày khởi công xây, sửa nhà cửa, đã mua trước vài thiên “gạch, ngói đỏ” để dành, lại càng khẳng định: con đường tiếp cận thị trường của VLKN còn chật vật và lắm chông gai.
Theo thống kê của Sở Xây dựng, ở tỉnh ta hiện có 10 đơn vị đăng ký sản xuất gạch không nung. Trong đó, có 8 đơn vị đã đầu tư dây chuyền, 4 đơn vị đi vào hoạt động và tung ra thị trường với công suất lên tới 45 triệu viên/năm. Song, điều nghịch lý, hầu hết các sản phẩm VLKN vẫn đang loay hoay tìm đầu ra.
Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại GMT là một trong 4 đơn vị đi đầu trong lĩnh vực sản xuất gạch không nung. Nhà máy chính thức đưa vào hoạt động vào cuối tháng 9.2014 tại xã Nhơn Tân, thị xã An Nhơn, tổng vốn đầu tư 26 tỉ đồng. Đây là nhà máy có công suất lớn nhất tỉnh ta đến thời điểm hiện nay, với 2 máy ép gạch thủy lực tự động, dùng công nghệ PLC, hệ thống phối trộn, xe nâng. Nguyên liệu ban đầu chủ yếu là cát, xi măng, phụ gia… đều sẵn có ở địa phương. Tuy được đầu tư lớn về kinh phí, công suất hoạt động nhà máy lên tới 20 triệu viên/năm, nhưng hiện tại, nhà máy cũng chỉ cung ứng ra thị trường ở con số khiêm tốn 1.000 viên/ngày và thị trường tiêu thụ sản phẩm của nhà máy phần lớn ở tỉnh Gia Lai.
Nói về chuyện phát triển VLKN, ông Phạm Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại GMT, bày tỏ: “Để duy trì hoạt động của nhà máy, mỗi tháng tôi phải bỏ tiền túi 100-200 triệu đồng để bù lỗ”. Trước đó, ông Hùng đã đi nhiều nơi để nghiên cứu, tìm tòi về hướng phát triển loại VLKN. Tỉ mỉ hơn, ông còn cho “ra lò” bộ phận maketing và xây dựng cửa hàng vật liệu xây dựng và một chính sách ưu đãi hấp dẫn về giá cả, về tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật tận nhà nhưng kết quả mang lại vẫn khá thấp.
Ông Tạ Bá Sanh, Giám đốc Xí nghiệp Sản xuất vật liệu xây không nung Quang Trung (KCN Phú Tài, TP Quy Nhơn) cũng cùng nỗi “đau đầu” về việc tìm đầu ra cho sản phẩm. Tháng 7.2013, nhà máy của ông Sanh đi vào hoạt động. Nhưng đến nay, các lô hàng xuất đi chủ yếu khách hàng dùng để xây tường rào, cổng ngõ. Năm 2014, đơn vị bán ra thị trường 965 ngàn viên, song chỉ có 250 ngàn viên gạch không nung được người tiêu dùng sử dụng xây nhà. Hiện nay, nhà máy chỉ hoạt động cầm chừng, khi nào có đơn đặt hàng, nhà máy mới sản xuất. “Yếu tố tâm lý và thói quen quyết định đến sự lựa chọn người dân. Họ đã quá quen với sự hiện diện của gạch nung từ nhiều năm nay. Vì thể, để họ chuyển sang sử dụng gạch không nung là một chặng đường dài và rất gian khó”, ông Sanh giãi bày.
Bài toán đa dạng hóa sản phẩm
Để khắc phục tình trạng ế ẩm hiện nay, các doanh nghiệp đã chủ động nghiên cứu các dòng sản phẩm mới, bám sát nhu cầu của thị trường. Ông Nguyễn Xuân Thạch, Chủ nhiệm HTX Sản xuất đá xây dựng Bình Đê - xã Hoài Châu Bắc (Hoài Nhơn), cho biết: “Từ năm 2010 đến năm 2014, HTX đã đầu tư hàng chục tỉ đồng lắp đặt dây chuyền sản xuất VLKN như gạch ống 6 lỗ xi măng, gạch 6 lỗ trang trí, gạch block màu lát vỉa hè, gạch bó gốc cây… Đồng thời, HTX đã nghiên cứu và cho ra đời dòng sản phẩm gạch bê tông có khả năng chống thấm cao và bước đầu đã được thị trường đón nhận”.
Nhằm tạo “cú hích” mới trên thị trường, Xí nghiệp Sản xuất vật liệu xây không nung Quang Trung của ông Sanh cũng đã cho ra lò nhiều dòng sản phẩm với mẫu mã bắt mắt, chất lượng cao như gạch 6 lỗ, gạch block không nung terrazzo, gạch trồng cỏ và trang trí, gạch block xây tường, xây móng.
Tuy vậy, sức tiêu thụ gạch không nung trên thị trường vẫn chưa thể khả quan hơn. Chị Nguyễn Thị Phước, Chủ DNTN Thương mại Hoài Thương (370 Bạch Đằng, TP Quy Nhơn), cho hay: Rất ít người hỏi mua loại vật liệu không nung, dù theo tính toán, chi phí xây dựng bằng gạch không nung sẽ tiết kiệm hơn. “Nếu xây tường 15, một viên gạch không nung sẽ bằng 3 viên gạch nung truyền thống. Tính về giá cả, hiện nay, một viên gạch không nung có giá 3.300 đồng/viên, trong khi đó, giá viên gạch nung truyền thống 1.300 đồng/viên”, chị Phước dẫn chứng.
Ông Trần Viết Bảo, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, thừa nhận, việc sử dụng loại VLKN, cụ thể là gạch trong xây dựng hiện nay trong tỉnh còn thấp; các công trình có sử dụng VLKN mới tập trung ở các công trình vốn ngân sách nhà nước. Cụ thể, năm 2015, đối với địa bàn TP Quy Nhơn, các công trình xây dựng đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách sử dụng 100% VLKN; các khu vực còn lại sử dụng tối thiểu 50% VLKN. Đến năm 2016, tất cả công trình bằng vốn ngân sách ở các địa phương đều phải sử dụng 100% VLKN. Hy vọng tới lúc đó, thị trường tiêu thụ VLKN sẽ rộng mở hơn.
Cần “luồng gió” mới
Mới đây, Vụ trưởng Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) Lê Văn Tới, nhìn nhận: Các nhà máy VLKN ra đời vào lúc kinh tế nước ta bị ảnh hưởng của suy thoái, đầu tư công bị cắt giảm, thị trường bất động sản trầm lắng; nhận thức của các nhà đầu tư, tư vấn thiết kế, nhà thầu, người tiêu dùng về sản phẩm VLKN nói riêng và bê-tông khí nói chung còn chưa đầy đủ. Việc thay đổi thói quen sử dụng gạch đất sét nung truyền thống của người dân cũng không dễ thực hiện trong một sớm, một chiều. Hơn nữa, tình hình xóa bỏ các lò gạch thủ công, thủ công cải tiến nhằm hạn chế dần loại vật liệu nung truyền thống tại địa phương còn chậm, dẫn đến sản lượng gạch đỏ còn nhiều.
“Thợ tay ngang xây gạch không nung gặp rất nhiều khó khăn; bởi hai biên viên gạch có diện tích nhỏ nên việc xây trát vữa đòi hỏi phải chỉn chu; riêng đối với gạch ACC sẽ còn khó hơn. Muốn thao tác thuần thục, ngoài kỹ thuật, người thợ phải có đầy đủ các thiết bị, dụng cụ chuyên dụng. Nói cách khác, thợ hồ phải học lại nghề và sắm bộ đồ nghề khác!”
Anh HỒ VĂN THÀNH, một thợ hồ với gần 20 năm trong nghề (ở tổ 73, KV9, phường Nhơn Bình, TP Quy Nhơn).
Một trở ngại khá lớn khiến việc phổ biến VLKN gặp trở ngại là kỹ thuật thi công VLKN, chủ yếu là gạch không nung, nhất là gạch bê-tông khí chưng áp (ACC), đòi hỏi quy trình phức tạp hơn rất nhiều so với gạch nung truyền thống. Anh Hồ Văn Thành, một thợ hồ với gần 20 năm trong nghề (ở tổ 73, KV9, phường Nhơn Bình, TP Quy Nhơn), chia sẻ: “Thợ tay ngang xây gạch không nung gặp rất nhiều khó khăn; bởi hai biên viên gạch có diện tích nhỏ nên việc xây trát vữa đòi hỏi phải chỉn chu; riêng đối với gạch ACC sẽ còn khó hơn. Muốn thao tác thuần thục, ngoài kỹ thuật, người thợ phải có đầy đủ các thiết bị, dụng cụ chuyên dụng. Nói cách khác, thợ hồ phải sắm bộ đồ nghề khác!”.
Như vậy, để chinh phục thị trường, để thuyết phục người tiêu dùng còn rất nhiều việc phải làm, chứ không phải cứ duy ý chí cho rằng - dẹp gạch đất sét nung truyền thống, ắt người tiêu dùng phải sử dụng VLKN. Chuyện không đơn giản như thế bởi như đã nói, ngay cả rất nhiều thợ hồ, thậm chí cả nhà thầu cũng chưa hình dung hết sự phong phú của chủng loại VLKN; dụng cụ thi công và những cách thức thi công khác nhau khi sử dụng VLKN.
Hơn nữa, điều đáng lo ngại là các chính sách “đỡ đầu” cho loại vật liệu này vẫn còn khá mỏng. Chúng ta định hướng cấm vật liệu nung thủ công và phát triển VLKN, song khâu tuyên truyền “dọn đường” cho vật liệu mới lại chưa được chú trọng đúng mức. Đã đến lúc các nhà hoạch định cần có nhiều hơn về chính sách hỗ trợ cho VLKN. Như: quy định chi tiết hơn nữa về sử dụng gạch không nung trong các công trình xây dựng; chính sách tuyên truyền về lợi ích khi dùng VLKN; làm thế nào để hạ giá sản phẩm nhiều hơn nữa để thu hút người tiêu dùng đến với VLKN; các cơ sở đào tạo nghề cần đưa nội dung kỹ thuật thi công VLKN vào chương trình đào tạo để chuẩn bị nguồn nhân lực cho các công trình xây dựng, phù hợp với yêu cầu của vật liệu mới, trang thiết bị mới.
TRỌNG LỢI
tôi muốn mua gạch gói không nung để xây nhà thì mua ở đâu? cho hỏi qui cách của mỗi viên gạch dài x rộng x cao là bao nhiêu. giá hiện nay bao nhiêu tiền 1 viên?