Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Bình Ðịnh: Nhập nhằng tính tiền nước gây bức xúc khách hàng
Gửi đơn khiếu nại đến các cơ quan, nhiều khách hàng của Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Bình Ðịnh cho rằng số tiền trong hóa đơn thu tiền nước sinh hoạt tăng đột biến do cách tính sai quy định, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng, nhất là sau những đợt nghỉ lễ, Tết dài ngày. Thực hư vụ việc như thế nào?
Giá tiền tăng gấp 2 - 3 lần trong dịp Tết
Nhận được hóa đơn thu tiền nước sinh hoạt của tháng 3.2015, ông N.M (ở đường Võ Xán, TP Quy Nhơn) “tá hỏa” khi thấy số tiền phải thanh toán tăng gấp 2 lần so với tháng trước. Cụ thể, hóa đơn của tháng 1.2015 (tính từ ngày 27.12.2014 đến ngày 24.1.2015), gia đình ông N.M. sử dụng hết 14 m3 nước sinh hoạt, số tiền phải thanh toán là hơn 115.000 đồng; còn tháng 2.2015 (tính từ ngày 24.1 đến ngày 25.2), gia đình ông sử dụng hết 11 m3 nước sinh hoạt với tổng số tiền phải trả là gần 95.000 đồng. Nhưng đến tháng 3.2015 (tính từ ngày 25.2 đến ngày 29.3), trên hóa đơn thu tiền nước thể hiện gia đình ông sử dụng hết…29 m3 nước sinh hoạt, với số tiền phải nộp là hơn 260 ngàn đồng vì phải nộp thêm tiền phạt do tiêu thụ quá mức quy định.
“Cách tính toán theo phương thức cộng dồn của Công ty cổ phần Cấp thoát nước Bình Định chưa thực sự khách quan do chỉ dựa trên phần mềm riêng. Ngành chức năng đang yêu cầu Công ty báo cáo về vụ việc trên vì số lượng khách hàng có liên quan là rất lớn”
Ông NGUYỄN VĂN HƯNG, Phó Giám đốc Sở Tài chính Bình Định
Cho rằng Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Bình Định có sự nhầm lẫn, ông N.M. phản ánh vụ việc này với nhân viên thu tiền nước và yêu cầu đơn vị kinh doanh phải kiểm tra lại đồng hồ đo nước. Sau khi không phát hiện hư hỏng ở thiết bị, ông M. đem hóa đơn của hộ gia đình mình đến kiến nghị với phía Công ty. Sau khi nghe đại diện của Công ty giải thích, ông N.M vẫn thấy chưa thỏa đáng.
Tương tự, gia đình của bà N.L.H (ở đường Nguyễn Thị Minh Khai, TP Quy Nhơn) cũng phải nộp tiền sử dụng nước sinh hoạt tháng 3.2015 gấp 2,5 lần so với những tháng trước đó. Như tháng 1 và 2.2015, hộ của bà chỉ trả dưới 100 ngàn đồng, nhưng đến tháng 3.2015 (từ ngày 25.2 đến ngày 29.3), số tiền phải nộp lên tới hơn 240 ngàn đồng.
“Bình quân mỗi tháng, gia đình tôi sử dụng khoảng 12 m3 nước sinh hoạt. Nhưng không hiểu Công ty này họ tính toán kiểu gì mà cũng chừng 4 nhân khẩu trong gia đình lại sử dụng hơn 200% lượng nước trung bình; trong khi đó, ngày ghi chỉ số mới của tháng 3.2015 chỉ trễ vài ngày so với các tháng trước (?). Liệu cách tính cộng dồn thêm ngày của Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Bình Định có làm ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng và có đúng theo quy định của Nhà nước?”, ông N.M. thắc mắc.
Sẽ sớm khắc phục
Đem những thắc mắc của nhiều hộ đến gặp lãnh đạo của đơn vị kinh doanh, chúng tôi được ông Nguyễn Văn Châu, Giám đốc Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Bình Định, trả lời: Thời gian gần đây, Công ty cũng nhận được nhiều phản ánh của khách hàng do giá tiền trong hóa đơn thu tiền nước cao hơn. Nguyên nhân dẫn đến sự việc trên là vì sau những đợt nghỉ lễ, Tết dài ngày, Công ty thường tính tiền theo phương thức cộng dồn cho thời gian sử dụng nhiều hơn một tháng, kèm theo đó là định mức tiêu thụ sẽ cao hơn theo ngày sử dụng thực tế chứ không cố định.
Nghĩa là, theo quy định, định mức sử dụng nước của mỗi hộ gia đình là 19 m3/tháng (bình quân là 30 ngày) với đơn giá thấp nhất ở mức 1 là 6.746 đồng/m3; nếu vượt quá 19 m3/tháng sẽ áp dụng đơn giá ở mức 2 là 8.210 đồng/m3. Nhưng nếu hóa đơn tính tiền nước cho hơn 30 ngày sử dụng, Công ty sẽ nâng định mức sử dụng nước của mỗi gia đình bằng phép tính sau đây: Lấy 19 m3 chia cho 30 ngày, rồi nhân với số ngày thực tế sử dụng. Như vậy, mỗi hộ sẽ có các định mức sử dụng nước khác nhau.
Để dẫn chứng, ông Châu lấy trường hợp của gia đình bà N.L.H làm ví dụ. “Từ ngày 25.2 đến ngày 29.3 là 32 ngày. Lấy 19 m3 chia 30 ngày rồi nhân với 32 ngày, định mức sử dụng nước sẽ là 20 m3. Khi vượt quá 20 m3, Công ty sẽ áp dụng ở đơn giá ở mức 2. Hay như gia đình ông Hồ Đắc Tuấn (ở đường Tú Mỡ, TP Quy Nhơn), hóa đơn tính tiền từ ngày 15.2 đến ngày 29.3 là 43 ngày. Lấy 19 m3 chia cho 30 ngày rồi nhân với 43 ngày, định mức sử dụng nước sẽ là 27 m3. Khi vượt quá 27 m3, Công ty sẽ áp dụng ở mức giá cao hơn.
“Tôi xin khẳng định, với cách tính như vậy, khách hàng vẫn đảm bảo được quyền lợi. Tuy nhiên, một phần cũng là lỗi từ phía Công ty do nhân viên thu tiền thiếu kỹ năng mềm, chưa giải thích rõ ràng cho khách hàng hiểu, dẫn đến việc người dân bức xúc khi phải nộp tiền nhiều hơn”, ông Châu thừa nhận.
Thế nhưng, theo ông N.M, cách giải thích của phía Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Bình Định là chưa thỏa đáng. “Nhà nước quy định định mức sử dụng nước trong một tháng bao nhiêu thì cứ việc áp dụng như thế đó, hà cớ gì phải cộng dồn, tính cao để gây phiền phức cho người dân. Họ viện lý do là vì ngày nghỉ lễ, Tết kéo dài … là không thuyết phục. Công ty có thể nghỉ vào các dịp đó theo chế độ nhưng vào những ngày làm bù, sao không làm việc trước đi mà lại để dây dưa, kéo dài như vậy”, ông M. bày tỏ.
Tiếp tục trao đổi với chúng tôi về ý kiến này, ông Châu cho biết: “Để khắc phục tình trạng gây hiểu nhầm cho khách hàng, Công ty sẽ bố trí nhân viên ghi chỉ số tiêu thụ nước từ ngày 1 - 29 hằng tháng, không để lặp lại tình trạng này khiến khách hàng bức xúc”.
Về cách tính tiền nước của Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Bình Định đúng sai, hợp lý đến đâu hiện đang có rất nhiều quan điểm khác nhau, Báo Bình Định sẽ theo dõi vấn đề này và cung cấp thông tin cho bạn đọc khi có diễn biến mới.
PHÚC LỘC
Việc ghi chỉ số tiêu thụ nước là trách nhiệm của Cty, và cách tính thời gian sử dụng là tính theo đơn vị Tháng. Mắc gì cộng dồn số ngày lên, quá 30 ngày, hoặc 31 ngày, hoặc 28 ngày...để cuối cùng số lượng nước tiêu thụ tăng lên, và khách hàng phải chịu khoản phạt do con số tăng lên đó. Cty làm vậy là làm bậy, trái với hợp đồng đã ký kết với khách hàng. Do đó, phải chấm dứt ngay kiểu làm bậy này, nếu không muốn bị khách hàng KIỆN ! Ngay trong bài báo, ông Châu cũng thừa nhận rằng: “ Công ty sẽ bố trí nhân viên ghi chỉ số tiêu thụ nước từ ngày 1 - 29 hằng tháng, không để lặp lại tình trạng này khiến khách hàng bức xúc”. Vậy thì nói phải đi đôi với làm! Chấn chỉnh ngay cho công bằng giữa mua và bán nhé ông Châu!
Gởi :Ông NGUYỄN VĂN HƯNG, Phó Giám đốc Sở Tài chính Bình Định Số khách hàng bị ảnh hưởng rất lớn là bao nhiêu? con số đó có Sở Tài chính thực sự nắm được không và với vai trò là cơ quan giám sát và quản lý về giá Ông có hướng xử lý vụ việc trên như thế nào?
Ở Nhơn thành An nhơn Bình Định , nhiều hộ gia đình đang bức xúc về cách tính tiền nước của cty này ,mấy tháng đầu họ tính chỉ số rất thấp mỗi tháng khoảng 20-30 ngàn, nhưng họ dồn đến tháng thứ 3 tăng chỉ số lên rồi tính giá cao lên đế 200 đến 300 ngàn đồng , khiếu nại họ trả lời quanh co , rồi chỉ cho nhân viên ghi ước lệ đến 3 tháng ghi theo số đồng hồ 1 lần nên gây ra giá cao .
Việc ghi chỉ số tiêu thụ nước là của công ty sao lại đỗ cho người sử dụng chịu.cách tính tiền nước này dựa vào cơ sỡ nào vậy ông Châu
Cách giải thích của công ty khó chấp nhận, hãy làm như trước vì gia đình tôi 4 nhân khẩu sử dụng nước hàng tháng dao động từ 26 -30.000 đ, thế nhưng từ sau tết đến giờ thì giá tiền luôn cao gấp đôi. Đề nghị thanh tra Sở tài chính vào cuộc để tìm biện pháp giúp công ty sớm hoạt động có nề nếp.