Hen phế quản - phòng hơn chữa
Mới đây, Khoa Nội tổng hợp, BVĐK tỉnh tiếp nhận bệnh nhân nữ 28 tuổi, trú tại phường Ghềnh Ráng (TP Quy Nhơn) bị hen phế quản. Bệnh nhân này có tiền sử hen phế quản 10 năm, thỉnh thoảng điều trị ở Khoa Nội tổng hợp. Hai ngày trước khi nhập viện, bệnh nhân có dấu hiệu ho, nặng ngực, khó thở nhưng chủ quan không đi khám như thường lệ. Khi nhập viện, bệnh nhân đã khó thở dữ dội, tím tái, ý thức lơ mơ, vật vã. Nhờ được cấp cứu kịp thời, sau 30 phút, tình trạng bệnh nhân đã ổn định.
Hiện nay trên thế giới có khoảng 300 triệu người mắc bệnh hen, chiếm khoảng 10% ở người lớn và 15% ở trẻ em. Ở trẻ em mắc bệnh hen cao nhất ở khoảng 3 tuổi, các trẻ gái có tỉ lệ mắc bệnh cao hơn trẻ nam nhưng khi đến tuổi dậy thì thì tỉ lệ này ngược lại.
Cơn hen cấp mức độ nặng có thể gây tử vong do suy hô hấp nếu không cấp cứu kịp thời. Bệnh hen phế quản ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và gây ra các biến chứng khác như cơn hen phế quản cấp, tràn khí màng phổi, khí phế thủng, suy hô hấp mạn, tâm phế mạn, đa hồng cầu. Bên cạnh đó là các tác dụng phụ trong quá trình điều trị hen phế quản như hội chứng Cushing, loãng xương.
Hầu hết người bệnh nhập viện trong tình trạng bệnh nặng là do không có thói quen kiểm tra sức khỏe định kỳ. Nhiều người có tâm lý chần chừ để bệnh ổn định nên khi nhập viện thì bệnh đã nặng. Nhiều khi cơn khó thở qua đi rồi bệnh nhân chủ quan không đi khám bệnh.
Đa phần bệnh hen phế quản đáp ứng tốt với điều trị, chỉ khó khăn trong trường hợp bệnh nhân đến muộn, nhiều biến chứng. Do vậy, khi có các triệu chứng của bệnh nên đi khám để điều trị kịp thời tránh trường hợp đáng tiếc. Các triệu chứng người bệnh thường gặp như ho nhiều về đêm. Khó thở, thở rít hay thở khò khè. Cảm giác nặng ngực. Trong cơn khó thở thường bệnh nhân vã mồ hôi, da xanh nhưng tri giác vẫn tỉnh táo, cơn khó thở có thể dịu đi. Trước khi xuống cơn người bệnh có thể ho khạc đàm nhiều bọt, lợn cợn sau đó loãng dần và dễ thở hơn. Chính vì vậy, khi người bệnh lên cơn hen tại nhà cần phải xịt thuốc cắt cơn và chuyển ngay đến bệnh viện.
Hạn chế lên cơn hen bằng cách tránh xa các dị ứng nguyên như mạt nhà, nấm mốc, lông và biểu bì của các vật nuôi và gia súc. Tránh để nhiễm siêu vi hô hấp. Tránh tập thể dục nặng và quá sức. Tránh các yếu tố kích phát cơn hen như khói bụi, đặc biệt là khói thuốc lá. Tránh các thức ăn đồ uống đã gây dị ứng trước đó. Tránh căng thẳng lo âu hay stress quá mức. Tránh thay đổi nhiệt độ đột ngột (bước ra ngoài trời lạnh…). Kiểm soát cân nặng, thức ăn và việc dùng thuốc. Tuân thủ điều trị và phối hợp tốt với bác sĩ. Dùng thuốc giãn phế quản để xịt nhằm cắt cơn khó thở. Cần phải biết cách sử dụng đúng theo hướng dẫn của nhân viên y tế để phát huy tác dụng của thuốc. Nếu sử dụng không đúng sẽ làm mất tác dụng cắt cơn và bệnh nhân sẽ khó thở nhiều hơn.
BS HỒ VĂN TRUNG