Xử lý ÔNMT tại vùng chế biến tinh bột mì thôn Phú Hưng: Cần giải pháp bền vững
Khoảng 3 - 4 năm trở lại đây, nhiều gia đình ở thôn Phú Hưng đầu tư hàng trăm triệu đồng mua sắm thiết bị, máy móc lắp đặt hệ thống sản xuất, chế biến tinh bột mì với quy mô lớn. Nghề chế biến tinh bột mì ở thôn Phú Hưng, xã Bình Tân (Tây Sơn) đem lại nguồn thu nhập khá, ổn định cho người dân nhưng hệ luỵ ô nhiễm môi trường (ÔNMT) từ quá trình làm nghề rất đáng ngại. Thực trạng này khiến chính quyền địa phương và ngành chức năng “đau đầu” tìm biện pháp giải quyết.
Tăng công suất, tăng ô nhiễm
Theo thống kê của UBND xã Bình Tân, hiện thôn có 12 hộ đầu tư dây chuyền tương đối hiện đại; công suất chế biến trung bình từ 5 - 7 tấn mì nguyên liệu/ngày/hộ. Ngoài ra, còn có hàng chục hộ gia đình chế biến theo phương pháp thủ công; trung bình chế biến 300 kg mì nguyên liệu/ngày/hộ.
Từ khi người dân đầu tư dây chuyền hiện đại, công suất chế biến tinh bột mì tăng lên gấp nhiều lần so với làm thủ công; giúp hàng trăm lao động tại địa phương tăng thêm thu nhập, trung bình mỗi lao động kiếm từ 4 - 4,5 triệu đồng/tháng. Thế nhưng, việc tăng công suất chế biến cũng tỉ lệ thuận với lượng nước thải ra môi trường.
Trong khi đó, hầu hết các cơ sở chế biến đều không có hệ thống xử lý nước thải đúng chuẩn; chủ yếu thải xả trực tiếp ra bên ngoài. Quan sát vùng chế biến tinh bột mì ở thôn Phú Hưng trong ngày 10.5, chúng tôi thấy nước có màu trắng đục bị thải thẳng ra môi trường sớm chuyển hóa thành mùi chua, bốc lên hôi thối, nồng nặc rất khó chịu. Lâu ngày, nước thải còn ngấm xuống đất, khiến nguồn nước ngầm bị ô nhiễm nặng.
Một người dân ở thôn Phú Hưng than thở: “Môi trường ở đây bị ô nhiễm đã kéo dài trong nhiều năm, nhưng do chỗ hàng xóm, láng giềng nên chẳng ai muốn lên tiếng, cả làng có rất nhiều hộ không sản xuất, chế biến bột mì nhưng phải cam chịu “sống chung” với ô nhiễm”.
Cần giải pháp bền vững
Trước thực trạng trên, cuối tháng 4.2015, UBND huyện Tây Sơn phối hợp với ngành điện lực làm việc với các hộ sản xuất, chế biến tinh bột mì và đi đến quyết định tạm ngừng cung cấp điện phục vụ quá trình chế biến; khi nào các hộ xây dựng hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn mới được phép hoạt động trở lại. Dù không phản đối quyết định này, nhưng hầu hết các hộ bị ngưng cung cấp điện đều vô cùng lo lắng.
Ông Nguyễn Long Bạn - hộ làm nghề chế biến tinh bột mì tại thôn Phú Hưng - trình bày: “Năm 2011, gia đình tui bỏ ra hơn 100 triệu đồng đầu tư dây chuyền sản xuất, chế biến tinh bột mì. Nay vì lý do ÔNMT, Nhà nước ngưng cấp điện, không cho tiếp tục làm thì chúng tui phải chấp nhận. Chúng tui chỉ mong ngành chức năng của huyện, tỉnh sớm có hướng dẫn sản xuất, chế biến sao cho phù hợp, không ÔNMT, để chúng tôi được tiếp tục hành nghề; chứ nếu không, các thiết bị, máy móc đã mua chỉ còn đường bán sắt phế liệu”.
Đồng cảm với lo lắng của người dân, ông Đỗ Văn Diện - Chủ tịch UBND xã Bình Tân, cho rằng: Việc tạm ngưng cấp điện chỉ là giải pháp tạm thời; bởi nghề chế biến tinh bột mì tại Phú Hưng đã tồn tại hàng chục năm qua, hiện nay, nhiều hộ đầu tư hàng trăm triệu đồng lắp đặt dây chuyền sản xuất hiện đại; do vậy, nếu không cho làm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân. Vấn đề quan trọng là các cơ quan chuyên môn phải phối hợp cùng chính quyền địa phương tìm ra giải pháp bền vững, để xử lý tình trạng ÔNMT tại khu vực này.
Ông Nguyễn Quốc Dũng - Phó Trưởng Phòng TNMT huyện Tây Sơn, cho biết: Phòng TNMT huyện Tây Sơn đã làm việc với Chi cục Bảo vệ môi trường - Sở TNMT, kiến nghị đơn vị này tìm giải pháp giải quyết hiệu quả nhất; làm sao vừa đảm bảo quyền lợi người dân, vừa bảo vệ môi trường.
Liên quan việc này, ông Trần Đình Trung - Phó Chi cục trưởng Chi Cục bảo vệ môi trường, đề xuất: “Để xử lý tình trạng ÔNMT tại thôn Phú Hưng, giải pháp khả dĩ nhất là xây dựng khu sản xuất, chế biến tinh bột mì tập trung ở xa khu dân cư, với đầy đủ hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn. Trường hợp không có khu sản xuất tập trung, bắt buộc mỗi hộ phải xây dựng hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn để xử lý lượng nước thải ra môi trường trong quá trình hoạt động sản xuất”.
CÔNG LUẬN