45 năm Ðiện ảnh Bình Ðịnh (1968-2013):
Đưa điện ảnh đến mọi vùng miền
Trong dòng chảy 60 năm Ðiện ảnh Cách mạng Việt Nam (1953-2013), Ðiện ảnh Bình Ðịnh đã được hình thành, xây dựng và phát triển từ sớm. Trải qua chặng đường 45 năm, từ các chiến sĩ chiếu bóng chiến trường, đến thế hệ cán bộ viên chức hoạt động điện ảnh trong thời kỳ đổi mới và hội nhập, ngành Ðiện ảnh đã luôn nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Trưởng thành trong gian khổ
Năm 1968, giữa lúc tiếng súng cuộc tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân ta vang lên trên khắp các chiến trường, tại vùng chiến khu cách mạng Đồi Chè (thuộc xã Cát Sơn, huyện Phù Cát), đội chiếu bóng đầu tiên của tỉnh được thành lập, gồm 5 người do đồng chí Phạm Tuân làm đội trưởng. Trang thiết bị của đội chỉ có 1 máy chiếu phim, 1 máy nổ, đèn măng-sông, tăng âm và loa.
Những năm tháng chiến tranh khốc liệt, với hành trang là gùi cõng máy chiếu, phim ảnh và vũ khí, đội chiếu bóng không ngại hy sinh, gian khổ ngày đêm băng rừng, vượt suối, bám sát trận địa, các vùng giáp ranh, vùng tranh chấp để phục vụ các bộ phim Việt Nam như “Bác Hồ sống mãi”, “Nguyễn Văn Trỗi”, “Kim Đồng”, “Người chiến sĩ trẻ”… động viên tinh thần chiến sĩ. Qua các buổi chiếu, từng thước phim đã giúp cán bộ, chiến sĩ cảm nhận được hình ảnh hào hùng của quân và dân ta, tạo niềm tin tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, năm 1976, UBND tỉnh Nghĩa Bình quyết định sáp nhập chiếu bóng Bình Định và chiếu bóng Quảng Ngãi thành Quốc doanh Phát hành phim và Chiếu bóng tỉnh Nghĩa Bình, văn phòng chính của cơ quan đặt tại thị xã Quy Nhơn. Đơn vị tổ chức hoạt động phát hành phim và chiếu bóng trên địa bàn 20 huyện và 2 thị xã, với cơ sở vật chất ban đầu gồm 5 rạp và 9 đội chiếu bóng lưu động. Thời gian này, phương tiện thiếu thốn, trong khi đơn vị phải hoạt động trên các vùng bị chiến tranh tàn phá, nhân dân chưa được xem phim ảnh cách mạng, có vùng bị ảnh hưởng nặng nề bởi văn hóa của chế độ cũ để lại. Dù vậy, Điện ảnh tỉnh nhà đã sớm mang lại luồng gió mới về tư tưởng, nhận thức cho nhân dân qua các bộ phim về đề tài miền Bắc xây dựng xã hội chủ nghĩa, ca ngợi những tình cảm cao đẹp của con người mới…
Không ngừng nỗ lực phục vụ
Đầu năm 2006, UBND tỉnh ban hành Quyết định tổ chức lại Công ty Điện ảnh - Băng hình Bình Định thành Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng Bình Định, là đơn vị sự nghiệp có thu, trực thuộc Sở VH-TT&DL.
Ngành Điện ảnh Bình Định đã được tặng: Huân chương Giải phóng hạng Ba (năm 1973), Huân chương Lao động hạng Ba (năm 1979), Huân chương Lao động hạng Nhì (năm 1991), Cờ thi đua của Bộ Văn hóa - Thông tin, 3 năm liền là đơn vị dẫn đầu ngành Điện ảnh cả nước (1990-1992), Cờ thi đua của UBND tỉnh về thành tích xây dựng phát triển ngành Điện ảnh Bình Định (1968-1993), Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 2008-2012…
Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng Bình Định tiếp tục phát huy truyền thống, nâng cao hoạt động phục vụ nhiệm vụ chính trị trên lĩnh vực điện ảnh, phổ biến nhiều thể loại phim như phim truyện Việt Nam, phim tài liệu thời sự... Đặc biệt, chú trọng phục vụ đồng bào vùng cao, miền núi, hải đảo, vùng nông thôn xa xôi, hẻo lánh và các đối tượng chính sách. Hằng năm, Trung tâm tổ chức tốt các đợt phim phục vụ các ngày lễ, sự kiện chính trị của Trung ương và địa phương, đợt phim hè miễn phí cho thiếu nhi.
Qua 15 năm (1998-2012) thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII “Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, Trung tâm phát hành phim và Chiếu bóng Bình Định đã tổ chức 36.425 buổi chiếu phim phục vụ trên 3,3 triệu lượt người xem là đồng bào vùng cao, miền núi, hải đảo và vùng nông thôn xa xôi, hẻo lánh. Riêng năm 2012, Trung tâm đã tổ chức 8 đợt phim phục vụ sự kiện chính trị của đất nước và địa phương. Các đội chiếu bóng lưu động các huyện đã tổ chức 2.043 buổi chiếu phim (đạt 101% kế hoạch) phục vụ 182.900 lượt người xem, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân trong tỉnh.
Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng Bình Định cũng nêu cao tinh thần đoàn kết khắc phục khó khăn, huy động cán bộ viên chức tích cực tham gia hơn 400 ngày công để sửa chữa nâng cấp nhà hàng, khách sạn Điện ảnh và Rạp chiếu bóng 31.3 khang trang hơn. Từ đó, các cơ sở này từng bước hoạt động hiệu quả, tạo đà để Trung tâm phát triển ổn định, nâng cao đời sống cho cán bộ, viên chức.
NGUYỄN THÀNH DANH