Phù Mỹ: Nhức nhối án cố ý đánh nhau, gây thương tích
Theo CA huyện Phù Mỹ, tội đánh nhau cố ý gây thương tích đang chiếm tỉ lệ cao trong cơ cấu tội phạm ở huyện này (44,3%).
Gần đây nhất là vụ án đánh nhau gây chết người vào đêm 4.5 xuất phát từ mâu thuẫn giữa các băng nhóm thanh niên. Khoảng 20 giờ ngày 4.5, anh Trần Văn Quế cùng nhóm bạn dự đám cưới ở thôn Phú Hòa, xã Mỹ Đức. Tan tiệc, anh Quế nhận tin có một người bạn ở xã Mỹ Châu bị đánh nên đã cùng với 2 người khác đi trên 1 xe mô tô đến “cứu” bạn. Trong lúc hai nhóm lao vào đánh nhau, anh Quế bị đâm trọng thương, đã tử vong vào ngày 6.5.
Sau khi đầu thú với CA tỉnh, 3 đối tượng đâm chết anh Quế là: La Bá Tùng (SN 1993), Hà Văn Tuấn (SN 1996) cùng ở thôn Hòa Tân, xã Mỹ Đức và Nguyễn Văn Phụng (SN 1986, ở thôn Vạn Phú, xã Mỹ Lộc, huyện Phù Mỹ), đã khai nhận trước đó hai nhóm cũng đã có mâu thuẫn, xích mích nhau.
Theo thống kê của CA huyện Phù Mỹ, từ năm 2010 đến hết năm 2014, toàn huyện xảy ra 408 vụ án hình sự các loại thì án cố ý gây thương tích đã là 181 vụ, chiếm 44,3%, tỉ lệ tương đối cao so với những địa phương khác trong tỉnh.
Theo CA huyện Phù Mỹ, nguyên nhân của thực trạng băng nhóm đánh nhau, cố ý gây thương tích chính từ việc gia đình buông lỏng, không quan tâm giáo dục, dạy dỗ con cái, nhất là đối tượng chưa thành niên. Mỗi khi có tiền, các đối tượng thanh thiếu niên tụ tập ăn chơi, nhậu nhẹt, xích mích cũng từ đó mà ra. Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể, nhà trường, gia đình trong việc giáo dục con em, học sinh và các đối tượng thuộc diện phải quản lý trong cộng đồng cũng chưa thật hiệu quả. Công tác hòa giải ở cơ sở, một trong những biện pháp quan trọng để hạn chế tình hình tội phạm, cũng chưa được quan tâm, thực hiện đúng mức.
Nói về vấn đề này, một lãnh đạo CA huyện Phù Mỹ từng phân tích, đặc điểm nổi bật của tội phạm hình sự của huyện là đánh nhau, cố ý gây thương tích và chủ yếu do thanh thiếu niên gây ra. Một người bị nạn, thì cả nhóm, lập tức ứng cứu mà không cần phân biệt đúng, sai, mâu thuẫn ra sao. Nếu các tổ chức, đoàn thể biết cách phát huy được mặt tốt của các em, các cháu, hướng sang các hoạt động tích cực khác thì có thể giảm được nạn đánh nhau. Tiếc rằng, cho đến nay vẫn chưa làm được việc này.
Nguyên nhân phạm tội đã được chỉ ra, coi như “bệnh” đã chẩn được. Chỉ còn tìm ra phương thuốc “đặc trị” để giải quyết tận gốc rễ vấn đề. Bởi đây là hậu quả của nhiều nguyên nhân hợp lại, nên không thể khoán trắng cho một ngành hay một đơn vị nào cả. Tuy nhiên, do đối tượng phạm tội phần lớn là thanh thiếu niên, nên chăng gia đình, nhà trường và nhất là tổ chức đoàn, hội thanh niên, cần nghiên cứu xem nhóm đối tượng này thiếu gì, cần gì để từ đó tổ chức được những hoạt động thực sự bổ ích, thiết thực và lôi kéo họ tham gia, hướng “năng lượng dư thừa” sang hoạt động có ích hơn là đánh nhau. Bên cạnh đó, cần tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật cho thiếu niên ở trong nhà trường, nhất là trong các giờ học ngoại khóa hay trong giờ sinh hoạt đầu tuần, để các em biết và phòng tránh sau này.
NGUYỄN SƠN