Gương mặt nghệ sĩ: Cô đào Hạnh
Đó là cách gọi trìu mến của khán giả yêu thích tuồng và đồng nghiệp dành cho nghệ sĩ Kim Hạnh (tên thật là Hà Thị Hạnh, 49 tuổi, ở thôn Thuận Đức, xã Nhơn Mỹ, thị xã An Nhơn). Vừa qua, nghệ sĩ Kim Hạnh đã được UBND tỉnh đề nghị Bộ VH- TT&DL xét tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú lần thứ nhất, năm 2015.
Mê hát từ nhỏ
Khác với một số nghệ sĩ thành danh theo kiểu “cha truyền, con nối”, Kim Hạnh đến với tuồng bằng sự yêu thích từ nhỏ. Khi còn chăn trâu cùng chúng bạn, mỗi lần nghe tiếng trống chầu rộn rã là cô bé Hạnh hối hả dắt trâu về chuồng để đi xem hát bội. Vì mê tuồng, mới 13, 14 tuổi Kim Hạnh đã tập hát những làn điệu dân ca và một số câu, đoạn ngắn trong các vở tuồng quen thuộc như Đào Tam Xuân loạn trào, Ngũ Hổ Bình Nam... Đến 19 tuổi, chị xin mẹ theo học hát bội các thầy đã nổi tiếng hát hay lúc bấy giờ như Nhưng Son, Lệ Siềng... Từ năm 1984 đến nay, Kim Hạnh tham gia các đoàn tuồng trong tỉnh như: Sông Kôn, An Nhơn 1, An Nhơn 2, Suối Tre, Phước An, Trần Quang Diệu... Nhờ hội tụ đủ “thanh, sắc” nên “đất diễn” dành cho Kim Hạnh khá rộng và ở vai nào chị cũng cố gắng thể hiện khá đạt, được khán giả khen ngợi.
Nghệ sĩ Kim Hạnh thể hiện thành công vai Lỗ Lâm công chúa (Chung Vô Diệm) tại Liên hoan tuồng không chuyên Bình Định lần thứ VII, năm 2011.
Tuy vậy, để những vai diễn của mình sống trong lòng khán giả, Kim Hạnh gắng sức đầu tư công sức và “tỏa sáng” ở những vai đào như: Lỗ Lâm công chúa (Chung Vô Diệm), Liễu Nguyệt Tiêm (Đào Phi Phụng), Phàn Lê Huê (Đường Chinh Tây), Trần Thị (Thần Dược)...
Không chỉ thể hiện tốt các làn điệu nhờ giọng hát vang xa, ấm áp đầy “thu hút”, Kim Hạnh còn sắc sảo trong từng điệu bộ, nét mặt và các cung bậc cảm xúc trong diễn xuất. Các động tác trong múa không đạo cụ như khai, khán, chỉ, khoát, giằng cương ngựa, lên ngựa, phi ngựa, lăn, ngã, đá… đều được chị thể hiện tốt. Với động tác múa có đạo cụ như cung, kiếm, thương, siêu, đao, khiên, búa, chùy… được Kim Hạnh dày công tập luyện thành thạo và thể hiện nhuần nhuyễn.
Nặng lòng với tuồng
Năm 1992, nghệ sĩ Kim Hạnh vinh dự được nhận HCV của Bộ VH-TT&TT tại Liên hoan hát ru các dân tộc Việt Nam lần thứ nhất. Năm 2006, nhận HCV của Cục VH-TT tại Liên hoan tuồng không chuyên toàn quốc lần thứ 2. Từ năm 1999 - 2011, nhận nhiều bằng khen, giấy khen của UBND tỉnh và Sở VH-TT&DL tại các kỳ Liên hoan Sân khấu tuồng không chuyên.
Hiện nghệ sĩ Kim Hạnh đang sinh hoạt tại Đoàn tuồng không chuyên phường Trần Quang Diệu (TP Quy Nhơn). Bên cạnh việc “cháy” hết mình trên sân khấu, Kim Hạnh còn được ví như “nhạc trưởng”, là cánh tay phải đắc lực của ông bầu Hữu Bạn - người chồng cũng là đồng nghiệp thân thiết của chị.
Nghệ sĩ Hữu Bạn chia sẻ: “Mặc dù là nữ nhưng Kim Hạnh tỏ ra khá bản lĩnh và quyết đoán trong việc chèo lái Đoàn tuồng vượt qua những giai đoạn khó khăn để bám trụ với nghề”. Đặc biệt, điểm đáng quý của Kim Hạnh là sự tận tâm truyền dạy cho lớp trẻ. Nhiều thế hệ học trò của Kim Hạnh đã thành danh và tung cánh bay xa. Anh Huỳnh Văn Thanh (30 tuổi, ở phường Nhơn Hòa, thị xã An Nhơn), một trong những học trò tâm huyết của nghệ sĩ Kim Hạnh, chia sẻ: “Cô Kim Hạnh không chỉ là người thầy trên sân khấu mà còn là người thầy trong cuộc sống của tôi. Tôi học ở cô sự tận tâm, tận lực với nghề và cả cách sống chan hòa, gần gũi, yêu thương mọi người”.
Nói về nghiệp hát nghệ sĩ Kim Hạnh chân thành bộc bạch: “Nông là nghề, tuồng là nghiệp. Những nghệ sĩ chân đất như tôi phải nặng gánh lo toan mưu sinh thường nhật, nhưng không vì thế mà để tắt ngọn lửa tuồng. Mong ước lớn nhất của đời tôi là ngày càng có nhiều bạn trẻ tìm đến tuồng để nghệ thuật truyền thống này còn lưu truyền mãi trong đời sống”.
KIM CƯƠNG
Trước hết, tôi xin cảm ơn Trọng Nghĩa đã góp ý. So với Trọng Nghĩa, tuổi đời và tuổi nghề của Vị Tha còn khá "non". Tuy nhiên, ngay trong phản hồi của Trọng Nghĩa đã có chút gì đó "bất ổn". Ai bảo với Trọng Nghĩa là: "Viết bài Kinh tế sẽ khô cứng, khô khan, đơn điệu?". Đó là một nhận định sai lầm. Hẳn xưa nay, Trọng Nghĩa chỉ viết mục VH-NT mà chưa "thử sức" viết Kinh tế nên mới nhận định hời hợt như vậy. Thật ra, vẫn có những bài Kinh tế mượt mà đó chứ? Quan trọng là điểm nhìn và văn phong mỗi người mà thôi. Báo chí khác Tạp chí. Do hạn định số chữ trên một khuôn báo và yêu cầu tính thời sự, thông tin của báo chí mà bài viết phải cô đặc, tránh lan man. Việc viết về gương mặt nghệ sĩ trong Tỉnh, có trong Danh sách "Đề nghị xét tặng Nghệ nhân ưu tú" là kịp thời và chính xác. Một lần nữa, tôi muốn nhắc lại, Báo khác Tạp chí! Tuy nhiên, cá nhân Vị Tha cũng sẽ cố gắng học hỏi để có những bài viết mới mẻ, sâu sắc, hấp dẫn hơn. Đó là cả một quá trình trau dồi và luyện tập. Xin chân thành cảm ơn!
Thời gian gần đây mục VH-NT của BBD viết về một số gương mặt nghệ sĩ trong tỉnh. Tuy nhiên, theo tôi tìm hiểu, đây đều là những đề tài cũ, khi khai thác lại, người viết không tìm được gì mới nên tạo cảm giác nhàm chán cho đọc giả. Và theo tôi, tác giả của loạt bài này còn khá "non" nên lời văn khô khan, cách viết đơn điệu, giống như viết một bài kinh tế khô cứng. Xin cảm ơn!